banner2019
 
Thứ tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024
Thứ tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024
Người làm lợi tiền tỷ
Cập nhật lúc 02:41 ngày 13/02/2014

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bùi Cao Cường (sinh năm 1984) về công tác tại Phòng Kỹ thuật- An toàn và Môi trường thuộc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Cường là đoàn viên tiêu biểu trong phong trào thi đua sáng tạo, người có đóng góp lớn với đề tài “Nghiên cứu, lập giải pháp sử dụng quặng Apatit loại 2 dạng vụn, bột đưa vào sản xuất Supe Phốt phát”. Đề tài với những giải pháp cụ thể, khi áp dụng vào sản xuất đã làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng.


          Hai năm trước, khi Xí nghiệp Phân lân nung chảy của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hoàn thiện, đi vào sản xuất với 3 lò cao. Trong sản xuất phân lân nung chảy, Công ty có sử dụng quặng apatit loại 2. Tuy nhiên, loại quặng này dư thừa nhiều khi sử dụng vì có kích thước dưới 40mm, trong khi để sản xuất phân lân nung chảy đòi hỏi kích thước quặng từ 40mm đến 70mm. Lượng quặng này không sử dụng hết sẽ làm tăng chi phí sản xuất, gây lãng phí nguyên liệu và phải mất diện tích, mặt bằng để chứa… Mặt khác, thiết bị đóng bánh quặng không đáp ứng được năng suất yêu cầu, thường xuyên bị quá tải.

Anh Bùi Cao Cường - Phòng Kỹ thuật- An toàn và Môi trường thuộc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Sau khi nghiên cứu, Bùi Cao Cường đã tính toán, xây dựng quy trình vận hành và đã đưa được quặng Apatit loại 2 dạng vụn, bột vào để sản xuất phân bón Supe Lân  thương phẩm có hàm lượng P2O5 hữu hiệu >16,0%, đảm bảo các chế độ kỹ thuật công nghệ và chất lượng của sản phẩm. Cường cho biết: Lúc nảy ra ý tưởng cho đề tài này, mình thật sự không nghĩ nó sẽ làm lợi cho Công ty nhiều đến thế. Trong quá trình sản xuất, mình thấy rằng, khi phân lân nung chảy thì lượng quặng Apatit dạng vụn, bột sinh ra trong quá trình nhập nguyên liệu, vận chuyển, đập, nghiền, sàng... thải ra nhiều. Nếu lượng quặng này không sử dụng hết sẽ làm tăng chi phí sản xuất và lãng phí nguyên liệu. Sau một thời gian nghiên cứu, mình đã đề ra giải pháp và được Ban Giám đốc rất ủng hộ.

         Giải pháp mà Cường đưa ra đã được thực hiện trên Dây chuyền Supe 1–Xí nghiệp Supe phốt phát. Khi đề tài này thử nghiệm, Công ty không phải đầu tư thêm thiết bị mới mà vẫn đảm bảo được các chế độ kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm. Chất lượng sản phẩm ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn công bố TCCS 01:2009 cũng như đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, đã được Tổ chức chứng nhận VINACERT đánh giá cấp chứng chỉ Hợp quy theo Thông tư 36/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việc tính toán và đưa ra quy trình vận hành sản xuất không làm thay đổi nhiều so với quá trình sản xuất Supe lân bình thường. Có thể tiến hành sấy nghiền  để cung cấp cho Dây chuyền Supe 2- Xí nghiệp Supe phốt phát, nhằm trung hòa hoặc đưa vào cùng với quặng tuyển để điều chế Supe lân trong quá trình sản xuất. Sau khi áp dụng giải pháp, các chi phí về điện nước, nhân công và các nguyên, nhiên vật liệu cho quá trình đóng bánh quặng, phụ gia…tại Xí nghiệp Phân lân nung chảy sẽ được giảm xuống tương ứng với lượng quặng loại 2 đưa sang sử dụng bên xí nghiệp Supe phốt phát.

           Chỉ sau một năm thử nghiệm, đề tài “Nghiên cứu, lập giải pháp sử dụng quặng Apatit loại 2 dạng vụn, bột đưa vào sản xuất Supe phốt phát” đã thể hiện rõ tính ưu việt, không chỉ tiết kiệm nguyên liệu mà nó còn làm lợi cho Công ty gần 2 tỷ đồng. Sáng kiến của Cường là một trong 45 đề tài tiêu biểu được Trung ương Đoàn xét chọn và vinh danh tại Festival Sáng tạo trẻ lần thứ V.

Gia Minh