banner2019
 
Thứ ba, ngày 19 tháng 03 năm 2024
Thứ ba, ngày 19 tháng 03 năm 2024
Sự hình thành, phát triển của Công đoàn Công Thương Việt Nam là sự kế tiếp truyền thống hơn 60 năm các thế hệ đoàn viên, công nhân lao động ngành Công Thương, kế thừa hoạt động của hai Công đoàn ngành lớn là Công nghiệp Việt Nam và Thương mại Du lịch Việt nam trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.

I. KHÁI QUÁT HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Sự hình thành, phát triển của Công đoàn Công nghiệp Việt nam gắn liền với quá trình xây dựng và sự phát triển của ngành Công nghiệp Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.

Tháng 5/1951, Bộ Công Thương được thành lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập Ban Công đoàn Công Thương, mà nòng cốt là Ban Công đoàn Công nghiệp trước đây trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ban Công đoàn Công Thương có trách nhiệm tổ chức, tập hợp, tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, đoàn viên công đoàn trong ngành công nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có thể nói, Ban Công đoàn Công Thương chính là bước khởi đầu cho sự phát triển của Công đoàn Công nghiệp sau này.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động công đoàn đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền kinh rế kháng chiến, nhất là trong các nhà máy xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền. Sản xuất công nghiệp đã đáp ứng yếu cầu đời sống nhân dân cũng như của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh đó, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn đã có những chuyển biến quan trọng. Đến tháng 7/1954, Công đoàn Công Thương đã có gần 6 vạn đoàn viên, phần lớn tập trung trong ngành công nghiệp non trẻ của nước ta.

Sau năm 1954, miền Bắc bước vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà nhiệm vụ trọng tâm là công nghiệp hóa Xã hội chủ nghĩa. Tháng 11/1955, trên cơ sở tách Bộ Công Thương thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập tổ chức công đoàn ở hai Bộ là Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp trực thuộc công đoàn khối các cơ quan Trung ương (Sau này là Liên hiệp Công đoàn các cơ quan Trung ương).

Từ năm 1955 - 1960, hoạt động công đoàn ngành Công nghiệp đã góp phần hoàn thành hai kế hoạch kinh tế ngắn hạn, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất kỹ thuật để miền Bắc tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Thời điểm này, Công đoàn Công nghiệp Việt nam có hơn 16 vạn đoàn viên, hầu hết tập trung tại các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Công nghiệp đã được củng cố và tăng cường.

Tháng 2/1961. Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội chủ trương thành lập các công đoàn ngành Trung ương, củng cố một bước hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt nam. Trên cơ sở đó, Tổng Công đoàn Việt Nam đã chuyển Công đoàn Công nghiệp trực thuộc trực tiếp Tổng Công đoàn Việt Nam, có chức năng đại diện tham gia quản lý, tổ chức, tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức và đoàn viên công đoàn thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Hoạt động nổi bật công đoàn Công nghệp là tổ chức các phong trào thi đua lao động, sản xuất, chăm lo đời sống công nhân, viên chức; lao động, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Kết quả đến năm 1965, phong trào thi đua trong toàn ngành đã có 2 vạn công nhân, viên chức lao động đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, hơn 4500 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào thi đua "Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất” đã được đông đảo công nhân, lao động tham gia. Đến hết năm 1965, toàn ngành Công nghiệp đã có hơn 300.000 công nhân, viên chức, lao động; trong đó lực lượng đoàn viên gần 19 vạn người. Tập trung nhiều nhất là ngành Cơ khí, Than, Dệt, Sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại do Đế quốc  Mỹ gây ra (1965 – 1973), hoạt động của Công đoàn Công nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực:

- Chuyển sản xuất công nghiệp từ thời bình sang thời chiến, vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ các nhà mày, xí nghiệp, các cơ sở kinh tế.

- Duy trì đời sống công nhân, viên chức, lao động, góp phần củng cố hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

- Tổ chức các phòng trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu, nổi bật nhất là phong trào “Tay búa, tay súng”, “Người tốt, việc tốt”.

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Xã hội chủ nghĩa miền Bắc, hoạt động của Công đoàn ngành Công nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đồng thời đã xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân, viên chức ngành Công nghiệp lớn mạnh về mọi mặt. Đến năm 1975, ở miền Bắc toàn ngành Công nghiệp đã có 950.000 công nhân, viên chức; đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có 41.538 người, trong đó có 13.160 người có trình độ đại học. Cùng với lực lượng công nhân, viên chức, lao động thì toàn ngành Công nghiệp, số lượng đoàn viên công đoàn là 800.000 người.

Từ năm 1975 đến năm 1997 những năm đầu cả nước thống nhất xây dựng CNXH, bước đầu sự nghiệp đổi mới, hoạt động công đoàn trong toàn ngành Công nghiệp ở các lĩnh vực cơ khí, năng lượng, hóa chất, công nghiệp hang tiêu dung, công nghiệp nặng.

Năm 1997 trên cơ sở sáp nhập các Bộ thành Bộ Công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập Công đoàn Công nghiệp Việt Nam trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở sáp nhập 5 công đoàn ngành: Công nghiệp nhẹ, Cơ khí luyện kim, Năng lượng, Hóa chất và Địa chất.

Đến năm 2007, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam có số lượng đoàn viên 300.000 người. Hệ thống tổ chức bao gồm công đoàn các Tổng công ty, Công ty, các đơn vị sự nghiệp ở các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Công đoàn Công nghiệp Việt Nam là một trong những công đoàn ngành Trung ương lớn, thành viên quan trọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 II. KHÁI QUÁT HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN THƯƠNG MẠI DU LỊCH VIỆT NAM

Tháng 11/1958, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Công đoàn Thương nghiệp Việt Nam, ngày 19/11/1959 Đại hội Công đoàn Thương nghiệp Việt Nam lần thứ I được triệu tập bao gồm các ngành nghề: Lương thực, vật tư, kinh doanh dược phẩm, lâm sản, thủy sản, tư liệu sản xuất nông nghiệp, may mặc… Sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành ngày càng lớn mạnh.

Công đoàn ngành Ngoại thương, Lương thực được tách ra xây dựng tổ chức riêng. Công đoàn Thương nghiệp Việt Nam chỉ còn ngành Nội thương. Trong cuộc chiến tranh chống đé quốc Mỹ hoạt động ngành Thương nghiệp vừa phục vụ sản xuất, đời sống vừa phục vụ chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc vừa chi viện cho miền Nam.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cùng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hoạt động công đoàn Thương nghiệp có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Từ năm 1976 đến năm 1990, hoạt động Công đoàn Thương nghiệp đã tập trung ở 3 ngành kinh tế là: Nội thương, Kinh tế đối ngoại và Vật tư. Đến thời điểm này hoạt động của Công đoàn đã góp phần tích cực vào sự chuyển biến của 3 ngành kinh tế kể trên.

Tháng 6/990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ là: Nội thương, Kinh tế đối ngoại và Vật tư. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII quyết định chuyển chức năng quản lý Nhà nước về Du lịch và đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Tháng 5/1992, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra quyết định thành lập Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, hoạt động Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam đã góp phần đổi mới căn bản về chính sách, thể chế, hoạt động thương mại, tạo nên sự thay đổi về thị trường và nền thương mại dịch vụ nước ta. Hoạt động công đoàn đã góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất, phân công lao động lại xã hội… bước đầu phát huy được lợi thế so sánh giữa các vùng, các miền, giữa thị trường nước ta với thị trường thế giới. Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam đã tổ chức và phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác trong đội ngũ công nhân viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn. Trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, Công đoàn Thương mại Du lịch Việt Nam luôn là đơn vị tiêu biểu của 20 công đoàn ngành toàn quốc.

Từ năm 2000, ngành Thương mại và Du lịch tập trung vào phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động đáp ứng yêu cầu hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Thương mại Việt Nam đã có quan hệ với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập vào hầu hết các thị trường thế giới. Một số mặt hàng đã có thương hiệu và trở thành chủ lực cho hoạt động xuất nhập khẩu như: Dầu thô, gạo, cao su, cà phê, chè, dệt may… Sự phát triển hoạt động thương mại có sự đóng góp quan trọng của đoàn viên, công nhân lao động và tổ chức Ngành.

Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt nam luôn là đơn vị xuất sắc của khối công đoàn ngành Trung ương, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến tháng 7/2007,Công đoàn Thương mại Du lịch Việt Nam có hơn 15 vạn đoàn viên, tập trung ở 1 Công đoàn Tổng công ty, 86 Công đoàn cơ sở trực thuộc và 64 công đoàn ngành địa phương. Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam luôn khẳng định vị trí của mình trong sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam nói chung và ngành Thương mại nói riêng.

III. HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM

Tháng 1/2006, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chi ra định hướng chung  cho sự phát triển công nghiệp và thương mại giai đọan 2011 - 2020.

Về Công nghiệp là: “Duy trì phát triển cao các ngành công nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành để thích ứng một cách hiệu quả với quá trình họi nhập. Đặt công nghiệp vào vi trí động lực thúc đấy phát triển đất nước”.

Về Thương mại là: “Phát triển thương mại gắn liền với quy mô, trình độ phát triển trong nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại trong nước và thương mại quốc tế …”

Đến năm 2007, hoạt động của hai ngành kinh tế: Công nghiệp và Thương mại ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất, lưu thông phân phối, tiêu dùng xuất nhập khẩu. Trong lĩnh vực lao động, ngành Công nghiệp và Thương mại đã tập trung một lượng lớn công chức, viên chức, công nhân lao động là trụ cột của nền kinh tế quốc dân.

Tháng 7/2007, với việc đổi mới, kiện toàn bộ máy Chính phủ phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quốc hội (Khóa 12) đã thành lập Bộ Công Thương - trên cơ sở hợp nhất hai Bộ là: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Sự kiện này đã tác động đến hoạt động của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Thương mại Du lịch Việt nam.

Ngày 11/10/2007, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định: Thành lập Công đoàn Công Thương Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam.

Tại thời điểm thành lập, Công đoàn Công Thương Việt Nam có 267.864 đoàn viên trên tổng số 295.645 lao động. Tháng 12/2007, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định chuyển Công đoàn Dệt may Việt Nam về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại thời điểm năm 2012, Công đoàn Công Thương Việt Nam trực tiếp chỉ đạo 585 công đoàn cơ sở với 171.734 đoàn viên trên tổng số 187.824 lao động; phối hợp chỉ đạo 32 công đoàn cơ sở với 10.222 đoàn viên trên tổng số 10.829 lao động; chỉ đạo ngành nghề 41 công đoàn ngành Công Thương tỉnh, thành phố với 195.023 đoàn viên trên tổng số 234.851 lao động tại 1232 công đoàn cơ sở; đại diện cho các công đoàn: Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản, Dệt May tham gia với Bộ Công thương và Tổng Liên đoàn về những vấn đề liên quan đến người lao động trong ngành Công Thương.

Từ năm 2008 đến năm 2013, ngành Công Thương tiếp tục tiến hành chuyển đổi và xắp xếp các doanh nghiệp, đến tháng 12/2012, đã kết nạp mới 20.888 đoàn viên.

Trong các doanh nghiệp Nhà nước, tỷ lệ đoàn viên công đoàn chiếm từ 90-100%, ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tỷ lệ đoàn viên công đoàn chiếm từ 93-95%. Cùng với sự phát triển của lực lượng đoàn viên, thì việc xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn đã có nhiều biến chuyển. Đến tháng 12/2012, các chỉ tiêu về phát triển đoàn viên mà Đại hội I đề ra cơ bản đạt được.

Hệ thống tổ chức Công đoàn Công Thương được củng cố và kiện toàn từ ngành đến cơ sở, tạo điều kiện xây dựng đội ngũ công đoàn vững mạnh đảm đương nhiệm vụ đề ra. Đến tháng 12/2012, đã có gần 100%, cán bộ công đoàn các cấp được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn. Hàng năm có gần 90%  Công đoàn cơ sở đạt danh hiệu vững mạnh, trong đó có 40 - 55% đạt danh hiệu xuất sắc.

Công đoàn Công Thương Việt Nam thực sự là người đại diện chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Công đoàn các cấp tích cực tham gia với chuyên môn trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát đối với người sử dụng lao động; những hoạt động đó đã được thể hiện ở các nội dung:

- Tham gia xây dựng văn bản luật, chuyển đổi sắp xếp lại các doanh nghiệp. Nổi bật là sự tham gia, phối hợp của Ban Thường vụ với Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Chỉ đạo, phối hợp tổ chức Đại hôi công nhân viên chức, hôi nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể.

- Chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp theo Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Góp phần hạn chế tranh chấp lao động tại cơ sở.

- Tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất. Nhiệm kỳ 2008 – 2013 đã có 48 tập thể, 79 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 48 tập thể, 65 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;  285 tập thể, 757 cá nhân được bằng khen của Bộ Công Thương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Toàn Ngành đã có 7 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 58 Chiến sĩ thi đua cấp Tổng Liên đoàn, 249 đơn vị nhận cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam … Toàn Ngành đã có trên 20.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi trên 4.000 tỷ đồng, 650 lao động được cấp Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và gần 300 người được vinh danh là lao động giỏi.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn Ngành lớn mạnh đã được đông đảo công nhân, viên chức, lao động trong Ngành tích cực tham gia.

Hoạt động nữ công đã đạt nhiều hiệu quả nổi bật thông qua các hoạt động: Xây dựng gia đình hạnh phúc; giỏi việc nước, đảm việc nhà; dân số - kế hoạch hóa gia đình; bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; đền ơn đáp nghĩa. Trong nhiệm kỳ 2008-2013, đã có gần 200.000 lượt nữ công nhân đạt danh hiệu thi đua các cấp, 8 chị được tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu toàn quốc”, 2 chị được tặng giải thưởng “Tài năng sáng tạo” Tổng Liên đoàn, 1 chị được tặng giải thưởng Kovalepxca.

Kết quả nổi bật hoạt động Công đoàn Công Thương (giai đoạn 2008 - 2013):

Triển khai thực hiện hiệu quả 5 chương trình Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa I đề ra: Đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân ngành Công Thương thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Hướng về cơ sở xây dựng mối quan hệ hài hòa; Thi đua yêu nước; Lao động giỏi, lao động sang tạo; Phát triển đoàn viên, đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn và hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam…

Quán triệt đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, các chủ trương của công đoàn đến cơ sở. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với chuyên môn góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, nội dung, phương thức hoạt động hoạt động công đoàn phong phú, đa dạng, linh hoạt, kịp thời gắn liền với nhiệm vụ chiến lược của đất nước của Ngành và thực tiễn ở cơ sở.

Phong trào thi đua có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tốt, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn đạt kết quả cao. Có sự phối hợp giữa Công đoàn Ngành với Bộ Công Thương, sự liên hệ và sự chỉ đạo chặt chẽ của Công đoàn Ngành với công đoàn các tập đoàn, các Tổng công ty và công đoàn cơ sở.

Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng giai cấp công nhân và công đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của ngành Công Thương. Vị trí của Công đoàn Công Thương được nâng cao, có uy tín trong quan hệ với công đoàn các tỉnh, thành phố và ngành Trung ương, trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như các công đoàn Ngành khu vực và thế giới.

Đạt được những thành tựu trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp, giúp đỡ của các Công đoàn tỉnh, thành phố và ngành Trung ương, đặc biệt là tinh thần lao động sáng tạo cần cù, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và gần 18 vạn đoàn viên, người lao động trong Ngành.

Kết quả nổi bật hoạt động Công đoàn Công Thương Việt Nam (giai đoạn 2013 - 2018):

Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi, hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, tạo mọi điều kiện để cơ sở hoạt động có hiệu quả. Công đoàn các cấp trong toàn hệ thống đã thường xuyên phối hợp, đồng hành cùng cấp ủy và lãnh đạo quản lý, điều hành chuyên môn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trực tiếp đối thoại về những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, nhằm không ngừng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của của đoàn viên công đoàn và người lao động.

Bên cạnh đó, xuyên suốt trong toàn khóa, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có phẩm chất, có năng lực và phương pháp vận động quần chúng, có tâm huyết và nhiệt tình với công tác công đoàn. Xây dựng tác phong làm việc khoa học, năng động; giải quyết công việc hiệu quả, không gây phiền hà cho cơ sở và người lao động; coi trọng công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để kịp thời đưa ra các giải pháp, biện pháp khắc phục. Chỉ đạo có hiệu quả, kịp thời phát hiện gương người tốt, việc tốt, xây dựng điển hình; kết hợp hài hòa giữa động viên khen thưởng với việc thực hiện nghiêm túc quy chế, kỷ cương của đơn vị. 

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của 155.000 đoàn viên trong 5 năm qua, 4 nhóm chỉ tiêu trách nhiệm của tổ chức công đoàn (tỷ lệ đoàn viên; kết nạp đoàn viên công đoàn, thành lập mới CĐCS và CĐCS vững mạnh; đào tạo tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn; quy chế phối hợp hoạt động với cơ quan chuyên môn và tổ chức chính trị - xã hội đồng cấp và giới thiệu đoàn viên ưu tú để cấp ủy Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp) và 4 nhóm chỉ tiêu công đoàn tham gia thực hiện (tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động; số lao động ký HĐLĐ đúng quy định và số doanh nghiệp ký TƯLĐTT; ban An toàn và số đơn vị doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động; tham gia xây dựng nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, xây dựng thang bảng lương theo quy định của pháp luật, tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc đào tạo nâng cao trình độ học vấn nghề nghiệp cho công nhân lao động) do Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ II nhiệm kỳ 2013 - 2018 đề ra đã được hoàn thành, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Nhiệm kỳ 2013 - 2018 vừa qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả 5 chương trình toàn khóa, đó là: Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở và năng lực hoạt động của cán bộ công đoàn, trọng tâm là cán bộ công đoàn cơ sờ; Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể; Phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả; Tham gia xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngành Công Thương thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước gắn với Cuộc vận động “Làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tham gia tăng cường cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ưu tiên sử dụng và tiêu thụ hàng sản xuất trong ngành, trong nước”…

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội II, với phương châm “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, vì lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động, vì sự phát triển bền vững của ngành Công Thương”, CNVCLĐ toàn Ngành đang ra sức thi đua trong mọi hoạt động công tác, lao động, sản xuất để phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội III Công đoàn Công Thương Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023 từ ngay quý đầu, năm đầu.

  CÔNG ĐOÀN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM