banner2019
 
Thứ ba, ngày 14 tháng 05 năm 2024
Thứ ba, ngày 14 tháng 05 năm 2024
Công đoàn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Cập nhật lúc 08:30 ngày 26/09/2016

Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2016, (COP 22) sẽ được tổ chức ở Marakech, Moroco từ ngày 07 – 18/ 11/ 2016. Đây là hội nghị hàng năm lần thứ 22 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1992 (UNFCCC) và kỳ họp thứ 12 (CMP 12) của các bên tham gia Nghị định thư Kyoto năm 1997.

Tháng 12/ 2015, tại Paris đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị COP 21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

Thỏa thuận Paris sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020. Với mục tiêu đặt ra mức tăng nhiệt độ của Trái đất đến năm 2100 là thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C; Đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát các nỗ lực chống biến đổi khí hậu;  Hỗ trợ quốc tế về tổn thất và thiệt hại tác động của biến đổi khí hậu. Các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mức đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định và đang kêu gọi tăng thêm.

Hội nghị đánh giá kết quả Chương trình Vai trò Công đoàn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2016.

COP 22 tại Marrakech lần này sẽ tập trung thảo luận, thống nhất giải quyết những mục tiêu, nội dung đã đặt ra ở COP 21 như: hạn chế được mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C, huy động nguồn lực tài chính, điều chỉnh Nghị định thư Kyoto, xây dựng kế hoạch quốc gia nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu, mở rộng hệ thống dự báo với sự tham gia của nhiều nước, chuyển giao công nghệ, rào cản sinh thái với lĩnh vực thương mại…

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Thoả thuận Paris đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện, Việt Nam đã chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện bài bản, tổng thể nhằm đạt được các mục tiêu cam kết. Việt Nam đã tham gia ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ tháng 6/1992. Nhiều Luật, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược về kế hoạch Quốc gia về quản lý và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2001 – 2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Đề án quản lý phát thải khí nhà kính… Trong thời gian qua đã có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) và 11 Chương trình hoạt động theo CDM đã được thực hiện ở Việt Nam. Đang xây dựng các dự án  “Hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) cho các ngành xi măng, hóa chất, thép, sản xuất phân bón, điện gió, khí sinh học…


Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp ở Việt Nam và Đức do Công đoàn Công Thương VN và IG BCE, FES phối hợp tổ chức.

Triển khai các hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng Liên đoàn LĐVN đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, tái cấu trúc, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị tăng cao; tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Nội dung kế hoạch tập trung vào các vấn đề: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, những hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh, xây dựng ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường; Tham gia với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức triển khai, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Vận động đoàn viên và người lao động tham gia với cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí thải nhà kính; Phối hợp tổ chức phát động, thực hiện các cuộc vận động “Lối sống xanh”, “Xanh hóa sản xuất’' và phong trào 3T (Tiết kiệm - Tái chế - Tái sử dụng); Xây dựng phong trào trồng cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trong cơ quan, doanh nghiệp; Lồng ghép kiến thức về tăng trưởng xanh và năng lượng vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn và người lao động; Tham gia các hoạt động trao đổi kinh nghiệm hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hội thảo Công đoàn tham gia bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Từ cuối năm 2013, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã kết hợp với các đối tác: Công đoàn Mỏ - Hóa chất – Năng lượng Đức (IG BCE), Viện Friedrich Ebert (FES) xây dựng và triển khai Chương trình “Vai trò của Công đoàn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, qua hơn 2 năm triển khai Chương trình đã khảo sát thực trạng về môi trường, công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, đào tạo giảng viên và biên soạn tài liệu tập huấn tác hại của ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe, cuộc sống của người lao động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến kinh tế xã hội của đất nước, khu vực và toàn thế giới. Đã có gần 30 lớp tập huấn được tổ chức tại các doanh nghiệp trong Ngành Công Thương với sự hỗ trợ của Chương trình, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ công đoàn, nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tổ chức lôi cuốn sự tham gia của tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2013 - 2016 do Công đoàn Công Thương Việt Nam phối hợp với các đối tác tổ chức trong tháng 9/2016 đã khẳng định những hoạt động trong khuôn khổ Chương trình đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của người lao động, đoàn viên và cả người sử dụng lao động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị nhiều doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh, TP đã đề nghị nhân rộng, triển khai kinh nghiệm của Công đoàn Công Thương Việt Nam đến các cấp công đoàn, đến các đơn vị, doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chuẩn bị tham gia COP 22, Tổng Liên đoàn LĐVN, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã cử cán bộ nghiên cứu thông tin, tài liệu và tham dự một số hoạt động về biến đổi khí hậu tổ chức tại Việt Nam. Tham gia các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm chia sẻ thông tin, đề xuất hành động thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, thúc đẩy kết nối và chia sẻ nguồn lực với các tổ chức chính trị - xã hội trên thế giới. COP 22 sắp diễn ra, chúng ta hy vọng Thỏa thuận Paris COP 21 sẽ được cụ thể hóa, được các quốc gia trong đó có Việt Nam triển khai hành động cụ thể nhằm đẩy lùi những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây lên.     

 Nguyễn Xuân Thái