banner2019
 
Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
Tăng lương tối thiểu: Nhiều kịch bản nhưng vẫn chưa “chốt sổ”
Cập nhật lúc 01:33 ngày 03/08/2017
Phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra sáng 28/7, tại Hà Nội đã kết thúc sau 5 tiếng tranh luận căng thẳng mà không đi đến được tiếng nói chung. Quan điểm của các bên vẫn còn khoảng cách trong khi Hội đồng Tiền lương quốc gia đã trình ra tới 4 kịch bản.
Bộ Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu
Theo đó, mức điều lương chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau. Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8-5,2% (bình quân 5%). Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9-6,2% (bình quân 6%). Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000-250.000 đồng, tương đương 6,6-7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP). Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu từ 220.000-280.000 đồng, tương đương 7,5-8,5% (bình quân 8,0%).
Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, theo lộ trình tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, thì mức tăng lương năm 2018 phải là 13,3% theo như đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Còn nếu kéo giãn thời gian đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì ít nhất năm 2018 phải tăng lương ở mức 10%. Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định mức đề xuất sẽ không cao hơn 5 %.
Thừa nhận việc nhanh chóng đi đến được tiếng nói chung quanh vấn đề này là rất khó khăn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia nói: Trong cuộc họp về tiền lường tối thiểu, các chủ thể đều có lợi ích liên quan: Nhà nước mong muốn thị trường lao động vận hành lành mạnh, người lao động có thu nhập và doanh nghiệp phát triển. Người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất. Doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích luỹ phục vụ sản xuất, tạo giá trị thăng dư. Chính vì sự khác biệt đó, các phương án đưa ra chênh nhau là bình thường và việc thương lượng để tìm đến điểm cân bằng. Tất nhiên, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu.
Phiên thương lượng hôm nay kết thúc trong khác biệt cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải có thêm một phiên thương lượng nữa. "Có thể sẽ có thêm một phiên thương lượng thứ 3, cũng là phiên thương lượng cuối cùng, trước khi hội đồng đưa ra quyết định mức tăng lương năm 2018 trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Kịch bản tiếp theo sẽ là nếu phiên họp thứ ba, hai bên thống nhất được một phương án thì đưa ra bỏ phiếu và nếu quá bán thì đó là phương án cuối cùng. Nếu không thống nhất được, hội đồng sẽ đưa ra hai phương án của chủ sử dụng lao động và người lao động, phương án nào đạt tỉ lệ ủng hộ cao hơn sẽ được lựa chọn. Đây là điều đã từng xảy ra khi thảo luận về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
Quang Lộc