banner2019
 
Thứ ba, ngày 07 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 07 tháng 01 năm 2025
3 giải pháp cơ bản thúc đẩy năng suất lao động tại Việt Nam
Cập nhật lúc 10:42 ngày 09/02/2023
Thứ nhất là giải pháp về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Theo đó, đổi mới thể chế chính là hướng đến tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế.  Tăng cường tính minh bạch trong hành chính công, cải cách tiền lương và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp. 
Cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển tế - xã hội; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ; tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. 
Đồng thời, quan tâm tới chính sách tiền lương, tiền công. Chính sách tiền lương, tiền công là chính sách đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần tạo động lực nâng cao NSLĐ. Để tăng lương, tạo động lực đối với người lao động nhằm tăng NSLĐ, Nhà nước cần có chính sách tiền lương cụ thể. Theo đó, đối với khu vực công, cần thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới bao gồm mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước. 
Thứ hai là giải pháp về doanh nghiệp: Xác định mô hình sản xuất phù hợp, lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới. 
Hoàn thiện quản trị sản xuất, tăng cường các biện pháp và phương pháp khuyến khích động viên người lao động. Định kỳ đánh giá kết quả của các biện pháp hoàn thiện tăng NSLĐ và công bố rộng rãi, khen thưởng kịp thời. 
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao kỹ năng chuyên môn làm việc; đồng thời thúc đẩy việc nhân viên tự tìm tòi, học hỏi và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo trực tuyến, qua mạng internet và tạo môi trường học tập ngay tại doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong quản lý nhân sự vì đó chính là cách để tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả của hoạt động quản lý, thúc đẩy nhân viên hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp. 
Thứ ba, giải pháp về người lao động: Người lao động cần chủ động tham gia các lớp học chung về NSLĐ để người lao động hiểu khái quát chung thế nào là NSLĐ và tăng NSLĐ, thấy được ý nghĩa của việc nâng cao NSLĐ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người lao động và nâng cao NSLĐ sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và đặc biệt cho chính bản thân người lao động (do tăng NSLĐ là cơ sở để tăng lương và thu nhập cho người lao động). 
Nâng cao ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp. Cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng lực... để thăng tiến, rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.
Quang Minh (nguồn: laodong.vn)