banner2019
 
Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
Lấy ý kiến dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Làm rõ hơn các vấn đề về quan hệ lao động
Cập nhật lúc 08:39 ngày 03/04/2017

Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Lao động về quan hệ lao động diễn ra tại Hải Phòng trong hai ngày 30 - 31.3 ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện và trình Quốc hội thảo luận tại kỳ hợp thứ IV và V, trong đó nóng nhất vẫn là các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức đại diện người lao động (NLĐ).


Nhiều vấn đề về quan hệ lao động được các đại biểu thảo luận.

Nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Trao đổi tại hội thảo, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH - cho rằng: Luật Lao động hiện hành còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. Do đó cần phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá, loại bỏ những điều không cần thiết và thảo luận đưa vào dự thảo luật những vấn đề còn thiếu sót, nhất là những vấn đề xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Ông Bốn cũng nhấn mạnh, có ba lý do chính để tiến hành sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), đó là: Ngay khi Luật Lao động ban hành, chưa kịp có hiệu lực, đã có những vướng mắc, bất cập, rất khó áp dụng vào thực tế mà cần phải chi tiết thêm một số nội dung sao cho phù hợp. Điển hình là vấn đề việc làm được quy định trong Luật Lao động, nhưng trong các luật: Việc làm, BHXH, ATVSLĐ… cũng đã quy định, ít nhiều gây chồng chéo, ảnh hưởng đến việc thực hiện Luật Lao động hiện hành. Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, chúng ta đã ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại với các nước, các tổ chức lao động trên thế giới. Do vậy chúng ta phải tuân thủ các quy ước quốc tế mà chúng ta là thành viên.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ LĐTBXH - cho rằng, Nghị quyết số 06 của T.Ư Đảng là nghị quyết về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Do vậy, chúng ta cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với hiến pháp và tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của nền kinh tế thị trường, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình đó được thực hiện theo lộ trình, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó phải chú ý điều chỉnh luật pháp về lao động, công đoàn, quan hệ xã hội mà đặc biệt là quan hệ lao động.

Làm rõ các vấn đề về quan hệ xã hội

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Việc lấy ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh, thành phố là hết sức cần thiết, nhất là các vấn đề về quan hệ lao động. Trong đó cần tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu vào điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động tổ chức đại diện của NLĐ. Bởi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, lần đầu tiên có ở Việt Nam nên cần phải trao đổi khẩn trương nhưng phải thận trọng, đảm bảo các quy định của luật pháp quốc tế nhưng cũng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Đóng góp ý kiến để hoàn thiện Luật Lao động (sửa đổi), ông John Ritchatte - chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - cho rằng: Về cơ bản, Luật Lao động (sửa đổi) đi theo đúng quy định trong các công ước của ILO và phù hợp với sự phát triển kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần điều chỉnh, nhất là các từ ngữ sao cho phù hợp. Ông cho rằng, người đứng đầu tổ chức đại diện cho NLĐ không nhất thiết phải có thâm niên hoạt động trong doanh nghiệp nhiều năm, nếu như vậy sẽ hạn chế quyền tự do liên kết và các quyền khác được pháp luật bảo hộ.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH - cũng cho rằng, nhiều nội dung liên quan đến quan hệ lao động cần làm rõ. Ví như các vấn đề về tên gọi tổ chức đại diện của NLĐ, hay các ghi nhận về quyền của NLĐ và cách để NLĐ thực hiện các quyền đó.

Theo Báo LĐ