banner2019
 
Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
Góc nhìn về xu hướng của công nhân lao động
Cập nhật lúc 08:30 ngày 16/03/2017

Nhìn từ lịch sử

Năm 1906 ở Việt Nam có 55.000 công nhân lao động làm việc trong 200 nhà máy, đến năm 1929 đã có 221.052 công nhân lao động, chiếm 1,3% dân số; trong đó có 53.240 người lao động làm việc trong các hầm mỏ, chiếm 24%; có 81.188 người làm trong các đồn điền cao su, chiếm 36,8% và có 86.624 người làm ở các xí nghiệp, ngành công nghiệp nhẹ, thương nghiệp, chiếm 39,2%.Trong vòng 17 năm, từ năm 1913-1930, chỉ có 1.645 công nhân lao động kỹ thuật “công nhân áo xanh” được học nghề trong 5 trường kỹ nghệ thực hành trong cả nước. Ở giai đoạn này đa số công nhân lao động xuất thân trực tiếp từ người nông dân, lúc này lực lượng nông dân chiếm 97% số hộ nhưng chỉ sử dụng 36% ruộng đất, có tới 59,2% số hộ không có ruộng đất phải sống bằng cày thuê, cấy rẽ; phần lớn ruộng đất thuộc sở hữu của các địa chủ phong kiến và thực dân Pháp. Trong thời kỳ này ở Nam Bộ có 3.623 địa chủ có từ 50-100 ha, 2.449 địa chủ có 100-500 ha, 224 địa chủ có trên 500-1000 ha, đặc biệt có một số địa chủ có 17.000-18.000 ha; ở Bắc Bộ, có 252 địa chủ có trên 36 ha, ở Trung Bộ có 51 địa chủ có trên 50 ha, ở 18 tỉnh trồng nhiều lúa ở Bắc Bộ có tới 594.091 hộ nộng dân sở hữu dưới 0,36 ha chiếm 61,63% tổng số hộ có ruộng.


Đến năm 1969 số công nhân lao động là 1.390.000 người, chiếm khoảng 7% dân số của 26 tỉnh miền Bắc (trên tổng số 19.856.000 người dân miền Bắc). Trong khi đó ở Liên Xô vào năm 1965 công nhân chiếm tỷ lệ 76% dân số, còn lại là nông dân tập thể và xã viên hợp tác xã thủ công; tại công hòa dân chủ Đức năm 1969 tỷ lệ công nhân viên chức chiếm 82,8% dân số; còn ở Anh năm 1959 có tới 93% số công nhân viên chức trên tổng số người lao động và tỷ lệ này ở Mỹ là 82%, ở Tây Đức là 71% trên tổng sổ lao động.

Vào năm 2005, số lượng công nhân lao động cả nước là 11,3 triệu người, chiếm 13,5% dân số, 26,46% lực lượng lao động xã hội. Trong đó có 1,84 triệu công nhân thuộc các doanh nghiệp nhà nước, 2,95 triệu trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, 1,21 triệu trong các doanh nghiệp FDI, 5,29 triệu trong các cơ sở kinh tế cá thể. 

Hiện nay công nhân lao động cả nước có khoảng hơn 15 triệu người, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1,3 triệu người. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 33% tổng số lao động và 17% dân số cả nước, nhưng đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước.

Thực tế đặt ra

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 dân số cả nước ước tính là 92,7 triệu người, tăng 987,8 nghìn người (tương đương tăng 1,08% so với năm 2015). Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2016 ước tính 53,3 triệu người, tăng 451,1 nghìn người so với năm 2015; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2016 khu vực thành thị chiếm 31,9%; khu vực nông thôn chiếm 68,1%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo ước tính đạt 20,6%.

Với dân số đứng thứ 14 của thế giới, đây sẽ là một động lực quan trọng hay là một thách thức rất lớn sẽ đặt ra. Vậy dân số trong độ tuổi lao động có phản ánh khả năng lao động của nền kinh tế? thực tiễn cho thấy số lượng lao động mới phản ánh một phần, chất lượng mới đánh giá hiệu quả của lao động. Do đó sức khỏe, trình độ, kỹ năng của công nhân lao động mới tác động tới chất lượng lao động cả hiện tại và tương lai.

Thực tế cho thấy, các nước siêu cường, các nước phát triển hàng đầu trên thế giới, ngoài tiềm lực kinh tế quân sự hùng mạnh, một đời sống văn hóa xã hội phong phú, chất lượng giáo dục y tế cao, thì một yếu tố cấu thành quan trọng là quy mô dân số, sức mua tương đương (PPP) bình quân đầu người và chất lượng cuộc sống, chất lượng của lực lượng lao động. 

Do vậy vấn đề đặt ra là giải quyết việc làm để sử dụng số lượng lao động là mục tiêu quan trọng nhưng để nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động lại là vấn đề cơ bản, lâu dài.Ở nước ta cơ cấu lao động chưa hợp lý khi tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, ngành đóng góp tỷ lệ thấp vào GDP nhưng lại chiếm trên 47% tổng số việc làm; và biểu hiện rõ nhất là dân số tập trung phần lớn tại các vùng nông thôn, trong khi đó quan hệ cung cầu ở lao động nông thôn thể hiện sự dưa thừa lao động tiềm tàng và thiếu việc làm.

Lao động là một nguồn lực sản xuất chính và không thể thiếu trong các hoạt động kinh tế, đóng vai trò ở 2 khía cạnh. Một là vai trò lợi ích và chi phí, là yếu tố đầu vào, lợi ích tiềm tàng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo. Hai là là một bộ phận của dân số, là người được hưởng thụ lợi ích của quá trình phát triển.

Những nội dung cơ bản, trọng tâm của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “con người là động lực và mục tiêu của sự phát triển,  đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển”. Điều đó cho thấy suy cho cùng tất cả các hoạt động cũng đều vì con người. 

Vậy cấu trúc của lực lượng công nhân lao động, giá trị sức lao động, giá trị của trí lực và thể lực của công nhân lao động đã thực sự tương xứng với thành quả của lao động. Theo đánh giá của Hội đồng lương Quốc gia thì mức lương tối thiếu mới chỉ đáp ứng 80% mức sống tối thiểu của người lao động và như theo lộ trình tăng lương thì đến năm 2020 mới có thể gần đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động cho thấy có tới 75,5% công nhân muốn tăng ca, trong đó đặc biệt công nhân vùng 1 có tới 86% muốn tăng ca, bởi tiền lương, thu nhập quá thấp, họ không đủ sống và buộc họ phải tăng ca. Còn lại khoảng 33% người lao động cho rằng họ phải sống kham khổ, đời sống khó khăn. Còn khoảng trên 33% nữa thì nói là mức lương hiện nay có thể tạm thời được và chỉ có 14% có tích lũy, nhưng mức tích lũy không nhiều. Như vậy cho thấy đời sống công nhân lao động còn khó khăn chiếm tới 85%, có chăng chỉ còn 15% có tích lũy.

Tính đến tháng 11 năm 2016, tổng số tiền nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH các tỉnh, thành phố là 13.135 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ BHXH hơn 10 nghìn tỷ đồng (chiếm 77,16%), nợ BHTN hơn 572 tỷ đồng (chiếm 4,45%), riêng nợ BHYT hơn 2.428 tỷ đồng (chiếm 18,49%). Tình hình nợ đọng bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động; chưa làm tròn trách nhiệm đối với người lao động và Nhà nước, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động.

Đa số công nhân lao động ở độ tuổi kết hôn và nuôi con nhỏ, hầu hết người lao động là lao động trực tiếp sản suất, số ít là lao động gián tiếp làm các công việc hành chính, văn phòng. Tiền lương và thu nhập ở mức khiêm tốn, số ngày làm việc 6 ngày/tuần và từ 8-10 giờ/ngày chiếm tỉ lệ cao. Điều kiện nhà ở và các đồ dùng thiết yếu ở mức trung bình, nhà trọ của người lao động diện tích khoảng 10-15 m2 cho 3-4 người, phòng chật chội, thiếu ánh sáng. Đời sống văn hóa tinh thần ngoài giờ làm việc của người lao động còn hạn chế và khá nghèo nàn, phần lớn công nhân lao động mong muốn được cung cấp kiến thức về chính sách pháp luật, nếp sống văn hóa; được thuê- mua nhà chung cư giá rẻ, được sinh hoạt trong các nhà văn hóa, khu thể thao với nhiều ưu đãi, hỗ trợ.


Vấn đề cần giải quyết 

Nghề nghiệp của công nhân lao động có điều gì hấp dẫn, họ cần làm gì và cần có điều kiện gì để được cuộc sống tốt hơn, sung túc hơn, khá giả hơn? Xét về tổng thể thì công nhân lao động cần có sức khỏe tốt, có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và thường xuyên được trau dồi, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Một yếu tố cần làm rõ là địa vị kinh tế của công nhân lao động, đó là đơn thuần chỉ là làm thuê hay cả vai trò làm chủ trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Và đặc biệt vai trò của công nhân lao động như thế nào trong quá trình chia sẻ lợi nhuận tại đơn vị doanh nghiệp.

Vai trò công nhân lao động mới xoay quanh quan hệ lao động ở nhóm yếu thế, vai trò thứ yếu trong lợi ích kinh tế, lợi ích y tế, giáo dục, tiếp cận khó khăn trong việc thụ hưởng các điều kiện về văn hóa xã hội. Đối với vai trò tham gia lãnh đạo cách mạng, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội còn tương đối mờ nhạt, vai trò công nhân lao động có vai trò, “có trọng lượng” trong các cơ quan đơn vị doanh nghiệp còn hạn chế.

Cần có cơ chế khuyến khích đúng mức, rõ nét về những lợi ích vật chất, tinh thần, sự hứng thú cá nhân, lợi ích cá nhân, triển khai có hiệu quả, thực chất việc bán cổ phần ưu đãi cho công nhân lao động,việc trả lương theo sản phẩm góp phần kích thích tính tích cực của công nhân lao động lao động. Tỷ lệ đảng viên xuất thân từ công nhân lao động còn khiêm tốn, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý xuất thân từ công nhân chưa nhiều, chưa thực sự thể hiện rõ nét vai trò tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cấu trúc của công nhân lao động  hoạt động thiếu tính bền vững, phân mảng, hoạt động theo mùa vụ, xuất thân nhiều từ người nông dân “công nhân nửa công- nửa nông”, chưa được đào tạo trình độ kỹ năng nghề nghiệp, lực lượng lao động này là một nguồn bổ sung lớn vào lực lượng công nhân lao động và thị trường lao động, tuy nhiên điều đó phần nào lại gia tăng áp lực cho thị trường lao động, tạo ra tình trạng dư thừa lao động tạm thời xảy ra phổ biến. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%, đây là một quyết tâm rất cao, vậy đi đôi với việc tăng trưởng kinh thì vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cũng cần đẩy mạnh hơn và được quan tâm nhiều hơn nữa, chứ không đợi đến khi có tăng trưởng kinh tế thì mới phát triển an sinh xã hội hay cho rằng đến khi kinh tế phát triển thì các vấn đề an sinh xã hội sẽ tự khắc được giải quyết.

Dự báo xu hướng

Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, vậy những vấn đề gì của thực tiễn sẽ nảy sinh tương ứng, theo đó là một đội ngũ công nhân lao động đông đảo, đó là những doanh nhân khởi nghiệp, những công nhân lao động xuất thân từ học sinh, sinh viên khởi nghiệp sẽ gia nhập đội ngũ công nhân lao động, sẽ được phát triển theo hướng tri thức hóa, công nhân tri thức như thế nào và sinh hoạt, hoạt động theo hình thức nào là phù hợp. Đến năm 2020, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước, vậy lực lượng công nhân lao động tại các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ có mô hình hoạt động như thế nào để tương thích với điều kiện hoàn cảnh cụ thể và xu thế phát triển. Chủ trương tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền của Chính phủ theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công nghiệp, sẽ tạo ra một lực lượng công nhân nông nghiệp. Vậy vấn đề đặt ra là sẽ xuất hiện một lực lượng công nhân nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp, sở hữu đa chiều. Cùng với đó là duy trì an ninh lương thực không những chỉ cho Việt Nam mà cho các nước trên thế giới và việc hiện đại hóa-công nghiệp hóa nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tạo giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu giảm tỉ trọng nông nghiệp, cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình nông dân và như vậy sẽ có nhiều người nông dân tham gia vào thị trường lao động, theo đó sẽ có một lượng lớn người lao động gia tăng vào lực lượng công nhân lao động thành thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp khu chế xuất với mật độ tập trung cao; tình trạng lao động di cư sẽ xảy ra phổ biến tạo một sức ép lên đời sống việc làm kinh tế xã hội tại các thành thị lớn. Tỉ lệ lao động trong khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng giảm, lao động thương mại, dịch vụ, kinh tế tư nhân tăng; lao động doanh nghiệp khối DFI tăng, lao động tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh, thành phố lớn.

Theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, đến năm 2020 lực lượng lao động Việt Nam đạt khoảng 59,2 triệu người và sẽ có 1,5 triệu người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đây cũng là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Vấn đề đặt ra là công nhân lao động khu vực ngành nghề nào sẽ có tỉ lệ việc làm bền vững, cùng với đó là sự cân đối hài hòa giữa phát triển và bền vững trước thách thức của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet, viễn cảnh khi robot và tự động hóa lên ngôi, do đó hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều đó sẽ tác động phổ quát đến đa số công nhân lao động như thế nào, với một bộ phận công nhân có trình độ, kỹ năng có thể tiếp cận được và sự thích ứng của công nhân lao động ra sao trước những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này mang lại.

Định hướng của Đảng, Nhà nước giai đoạn tiếp theo là sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do vậy công nhân lao động đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển thương mại du lịch dịch vụ. Bên cạnh đó, công nhân lao động cũng phải từng bước thích ứng làm sao trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, để lực lượng công nhân lao động lớn mạnh về số lượng, vững mạnh về chất lượng và ngày càng được tri thức hóa.

Trần Phong (tổng hợp)