banner2019
 
Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024
Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024
Một số giải pháp xây dựng CĐCS vững mạnh
Cập nhật lúc 09:05 ngày 01/02/2017

Đưa ra giải pháp xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) vững mạnh phải tuỳ thuộc vào tình hình đặc điểm của mỗi đơn vị, qua đó có thể có những tư duy khác, nhận thức, nhận xét, đánh giá và áp dụng ở mức độ khác nhau.


Xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong DN

Nếu muốn xây dựng CĐCS vững mạnh, thì trước hết, tổ chức CĐ cần quan tâm và xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong DN. Không xây dựng được mối quan hệ lao động hài hoà, thân thiết trong doanh nghiệp (DN), thì thử hỏi phỏng có ích chi? Quan hệ giữa tổ chức CĐ với DN là quan hệ bình đẳng nhưng thân thiết, gắn bó hữu cơ, là bạn đồng hành, luôn hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau, là một mối quan hệ như một hằng đẳng thức, bất biến. Nếu ở đâu đó, dù bất kỳ từ phía nào, từ DN hay từ tổ chức CĐ mà đi quá xa, trệch hướng, trệch mục tiêu, vượt quá giới hạn, mà lạm dụng quá nhiều quyền hạn của mình, hoặc không quan tâm, không để ý đến quyền, đến nguyện vọng, không thấu hiểu để đồng cảm với những khó khăn của bên kia... là phá vỡ quy luật, phá vỡ mối quan hệ hài hoà, song hành trong một thể thống nhất. Chính vì thế, mối quan hệ lao động hài hoà giữa DN với tổ chức CĐ là mối quan hệ “nhạy cảm”, là mối quan hệ của một đôi bạn “dễ mà khó - khó mà dễ”.  Muốn xây dựng được mối quan hệ lao động hài hoà này, trước hết phải đặt nhiệm vụ lên vai trò của tổ chức CĐ. Công đoàn phải là người luôn chủ động, “gieo mầm” trước, và cũng đồng thời thường xuyên có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ tốt mối quan hệ đó luôn xanh tươi, nở hoa, kết trái, luôn phát triển ổn định, bền vững và lâu dài trong DN.

Giải pháp về trình độ, năng lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ CĐ.

Tổ chức CĐCS cũng cần lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Công đoàn có trình độ, năng lực, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, có tâm huyết, luôn gắn bó với tổ chức Công đoàn. Đó cũng là những giải pháp quan trọng trong việc xây dựng tổ chức CĐCS vững mạnh. Nhất là trong thời kỳ đẩy nhanh CNH - HĐH đất nước, thì tập thể BCHCĐ nói chung, từng uỷ viên BCHCĐ nói riêng và nhất là đ/c Chủ tịch phải là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật tay nghề cao, nếu có thêm nhiều UV ban Chấp hành Công đoàn đã từng trải qua công tác lãnh đạo quần chúng, thì lại càng là vốn quý. Không có bằng cấp, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tay nghề cao cũng đồng nghĩa với không có năng lực. Năng lực, nhất là năng lực lãnh đạo quần chúng, năng lực tập hợp, thu hút quần chúng... không phải tự nhiên mà có, phải qua đào tạo, qua rèn luyện mà trưởng thành.

Để xây dựng được CĐCS vững mạnh, theo tôi, ngoài giải pháp về trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đặc biệt là Chủ tịch, thì các UV Ban Chấp hành công đoàn thường phải là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của DN. Không giữ vai trò là lãnh đạo chủ chốt, là không có tiếng nói thu phục, không uy tín, là kém phát huy tác dụng, cũng đồng nghĩa với việc không thu hút được đông đảo người lao động tham gia vào tổ chức CĐ. Một khi mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ, có năng lực, lại giữ những chức vụ chủ chốt trong DN, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, có tâm huyết, luôn gắn bó với tổ chức CĐ, đó chẳng phải là những giải pháp cần thiết để xây dựng thanh công CĐCS vững mạnh đó sao? Ngoài yếu tố tập thể mạnh, tôi cũng xin nhấn mạnh thêm về vai trò của Chủ tịch công đoàn. Tôi không đánh giá quá cao về vai trò cá nhân. Nhưng, nếu đ/c Chủ tịch thực sự có trình độ, thực sự có năng lực lãnh đạo vượt trội, là người luôn năng động sáng tạo, luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có trái tim nồng hậu, nhiệt huyết ấm áp, hoà đồng cùng người lao động, lại có thêm giàu kinh nghiệm, giàu tài năng về nghệ thuật lãnh đạo ... thì tôi tin là ở đó sẽ xây dựng thành công tổ chức Công đoàn CS vững mạnh.

Giải pháp biến sức mạnh của tập thể Ban chấp hành công đoàn (BCHCĐ) thành hành động cụ thể.

Tập thể BCHCĐ mạnh là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng CĐCS vững mạnh. Nhưng tập thể mạnh mà không biến sức mạnh đó thành những hành động cụ thể thì cũng chỉ ví như “người phụ nữ đẹp mà không có tâm hồn”. Chính vì thế, tập thể BCHCĐ mạnh, phải biết biến sức mạnh của mình thành những hành động cụ thể, những việc làm cụ thể thiết thực sau đây:

a. Công đoàn đối với công tác chuyên môn.

BCHCĐ phải chủ động đề xuất với Giám đốc, tham mưu cho Giám đốc, để Giám đốc xây dựng và ban hành các văn bản có tính pháp quy trong DN, như: Nội quy lao động, các quy chế, các quy định, các quy trình thao tác nghiệp vụ, các chỉ tiêu lao động, kinh tế, kỹ thuật, định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, các quyết định về thành lập Hội đồng BHLĐ, Hội đồng Hoà giải, Hội đồng thi đua, khen thưởng và kỷ luật, Hội đồng tuyển dụng, Ban thanh tra, Ban PCCC, ATVSLĐ - PCCN ... Và đặc biệt quan trọng hơn, BCHCĐ phải chủ động đề xuất, phải soạn thảo, bàn bạc, thuyết phục để DN với tổ chức CĐCS ký được Thoả ước lao động tập thể.

Khác với các Nội quy, Quy chế, Quy định ... một bên là thể hiện ý chí áp đặt của người sử dụng lao động với người lao động. Còn Thoả ước lao động tập thể lại hoàn toàn khác. Là thể hiện sự tự nguyện, bình đẳng giữa đại diện người lao động với người sử dụng lao động. Vì thế. Thoả ước lao động tập thể là 1 văn bản được coi là quan trọng nhất trong DN. Nó được xem như một bộ luật thu nhỏ của DN. Vì việc ký Thoả ước lao động tập thể không phải là đối tượng bắt buộc đối với DN theo quy định của pháp luật. Vì thế, ký được Thoả ước lao động tập thể là 1 việc đầy khó khăn, lâu dài. Nhưng ở đâu, ở một tổ chức CĐCS nào đó ngoài quốc doanh mà ký được Thoả ước lao động tập thể đó là 1 thành công lớn, thể hiện được vai trò rất to lớn của tổ chức CĐ, đó cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá CĐCS vững mạnh. Đại diện cho người lao động, BCHCĐ còn cần phải có tiếng nói góp phần quan trọng vào việc chẳng những đề nghị Giám đốc ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT cho người lao động mà còn đề nghị Giám đốc thường xuyên quan tâm đến công tác huấn luyện BHATLĐ - PCCN, quan tâm đến trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC, phương tiện bảo hộ ATLĐ, để hạn chế thấp nhất về tai nạn lao động, cháy nổ, quan tâm đến cải thiện điều kiện lao động và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động.

b. Đối với công tác hoạt động CĐ:

Các giải pháp sau đây cũng là những giải pháp để xây dựng CĐCS vững mạnh. Ban chấp hành CĐ phải xây dựng và ban hành các văn bản sau đây: Quy chế làm việc giữa Giám đốc DN với BCHCĐ, Quy chế làm việc của BCHCĐ, Quy chế thu chi tài chính CĐ, Quy chế làm việc của UB kiểm tra.

Ban chấp hành phải thường xuyên phát động các phong trào sau đây: Phong trào thi đua lao động sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm; phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; phong trào tự học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về giai cấp công nhân VN, về văn hoá, nghiệp vụ, tay nghề chuyên môn; phong trào vệ sinh, cảnh quang môi trường xanh sạch đẹp; phong trào ATLĐ phòng chống cháy nổ; phong trào xây dựng gia đình văn hoá; phụ nữ giỏi việc, đảm việc nhà; phong trào bài trừ tệ nạn xã hội... BCHCĐ phải xây dựng cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình biên chế của DN. Nếu khuyết UV BCH hoặc uỷ viên uỷ ban kiểm tra, hoặc tổ trưởng, tổ phó ... cần phải được bầu bổ sung ngay, kịp thời. BCHCĐ phải thường xuyên sinh hoạt đều đặn, mỗi lần họp đều phải ghi biên bản. Nội dung sinh hoạt sao cho ngắn gọn nhưng phải có nội dung thiết thực, được mọi CBCNV, lao động, đoàn viên Công đoàn quan tâm, nêu được nhiệm vụ của Công đoàn tham gia với chuyên môn, và những nhiệm vụ cụ thể của tổ chức Công đoàn, gắn với việc thi hành nhiệm vụ của cấp trên giao cho.

Để CĐCS trở thành tổ chức CĐ vững mạnh, ngoài các giải pháp nêu trên, BCHCĐ còn phải cần tập trung vào các giải pháp sau đây: Thường xuyên, bằng mọi hình thức, bằng mọi biện pháp, tuỳ theo tình hình cụ thể mà BCHCĐ phải tổ chức, phổ biến tới toàn thể CBCNV lao động, đoàn viên CĐ học tập nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước có liên quan đến lao động, đến tổ chức CĐ như Luật lao động, Luật CĐ, BHXH... tuyên truyền, phổ biến các nội quy, quy chế, quy định, quy trình thao tác nghiệp vụ, và đặc biệt là Thoả ước lao động tập thể của Công ty, làm tốt công tác phát triển đoàn viên, xây dựng chương trình cụ thể để các tổ CĐ phấn đấu đạt tiêu chuẩn vững mạnh; có thể tự tổ chức tập huấn, hoặc cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác CĐ do CĐ cấp trên tổ chức; Làm tốt công tác thu chi, quản lý tài chính CĐ theo đúng quy định của nhà nước và của Tổng liên đoàn quy định; Nộp kinh phí và đoàn phí lên CĐ cấp trên đầy đủ, đúng hạn theo kế hoạch đã được duyệt; Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo với CĐ cấp trên và thống kê, quản lý tốt các hồ sơ tài liệu lưu trữ đầy đủ, theo phương pháp khoa học...

Ngoài các giải pháp trên đây, cần tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của CĐ cấp trên, CĐ cấp trên lấy mục tiêu hướng về CĐCS, lấy địa bàn hoạt động CĐCS là trung tâm, thì tin chắc CĐCS đó sẽ trở thành CĐCS vững mạnh.

Nguyễn Minh Sơn