banner2019
 
Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Phải bảo vệ được nhóm yếu thế trong quan hệ lao động
Cập nhật lúc 10:01 ngày 22/12/2016

Hội thảo tại Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình do Tổng Liên đoàn LĐVN và Tổ chức ILO tổ chức, nội dung tiền lương được đông đảo cán bộ công đoàn thảo luận sôi nổi. Nội dung này cũng được người lao động và người sử dụng lao động hết sức quan tâm, bởi đây là tâm điểm hay xẩy ra tranh chấp lao động.

Tiền lương là mục tiêu quan trọng hàng đầu khi người lao động tham gia làm việc để bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình cho cả hiện tại và tương lai. Bộ luật Lao động năm 2012 đã có nhiều quy định tiến bộ về Chương Tiền lương: Điều 90 đã mở rộng khái niệm về tiền lương; Điều 91 quy định về lương tối thiểu… Điều 92 quy định hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia và giao cho Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng. Qua hơn 3 năm thực hiện, với sự giúp đỡ của ILO, Hội đồng đã 4 lần xây dựng và đề xuất mức lương tối thiểu vùng, tư vấn cho Chính phủ hiệu quả. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, Bộ luật Lao động cũng cần được sửa đổi cho phù hợp. Một số nội dung về tiền lương, tiền lương tối thiểu cũng cần được xem xét sửa đổi.

- Tiền lương được quy định tại Điều 90, là ngoài khoản tiền lương theo thỏa thuận công việc hoặc chức danh, còn bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, với mong muốn theo lộ trình đến năm 2018 người lao động sẽ được đóng bảo hiểm ở mức cao hơn. Dự thảo lần này đã bỏ “các khác bổ sung khác”, vì thực tế khoản này khó định dạng và có thể bị doanh nghiệp chuyển thành các khoản thưởng, ăn ca và thu nhập không thường xuyên để tránh phải đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi là: Tiền lương bao gồm lương cơ bản, tiền thưởng và phụ cấp mà người sử dụng lao động dù được phân chia hay tính toán thế nào. Nhiều đại biểu công đoàn cho rằng, tiền thưởng không phải là tiền lương mà phụ thuộc nhiều vào kết quả sản xuất kinh doanh và quy chế thưởng. Hơn nữa, tiền lương cơ bản là gì, căn cứ vào hợp đồng lao động hay tiền lương thực trả khi người lao động làm việc trong giờ quy định, cũng chưa được dự thảo đề cập.

- Mức lương tối thiểu tại Điều 91, cơ bản được giữ nguyên như hiện hành, sửa “nhu cầu sống tối thiểu” thành “mức sống tối thiểu” là phù hợp. Ý kiến cán bộ công đoàn cho rằng trong điều kiện chưa xây dựng được Luật Tiền lương tối thiểu, cần phải bổ sung đầy đủ, nhất là quy định cơ quan nào sẽ xác định mức sống tối thiểu, theo tiêu chuẩn nào và thời điểm công bố. Đây là chi tiết gay nên nhiều tranh cãi giữa các bên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, bởi các bên đều đưa ra cách tính của mình dựa vào nhu cầu sống tối thiểu luôn biến động, không theo một nguyên tắc và tiêu chí thống nhất. Khi công bố số liệu từ Tổng cục Thống kê, bộ phận kỹ thuật Hội đồng, cơ quan đại diện giới chủ và Tổng Liên đoàn đã có sự chênh lệch đáng kể, thiếu thuyết phục. Chẳng hạn mấy năm trước, trong mức sống tối thiểu chỉ tính khoản tiền thuê nhà tối thiểu cho người lao động là 80 nghìn đồng/người/tháng (tính theo mức sống dân cư nói chung), trong khi đó tại các địa bàn, tùy theo vùng, công nhân phải thuê nhà trọ mức thấp nhất từ  200 – 400 nghìn đồng (bất cập này đã được điều chỉnh năm 2016). Hiện tại, hàng tháng người lao động phải bỏ ra ít nhất 10,5% tiền lương để đóng bảo hiểm các loại cho bản thân, nhưng trong mức sống tối thiểu cũng chưa được tính vào. Tỷ lệ giữa các khoản chi phí cho lương thực, thực phẩm; phi lương thực, thực phẩm và nuôi con các bên đưa ra cũng khác nhau…

Mặt khác, yếu tố liên quan làm căn cứ  điều chỉnh mức lương tối thiểu còn phụ thuộc vào “điều kiện kinh tế xã hội và mức lương trên thị trường”, đã được cụ thể hóa theo mức tăng GDP, năng suất lao động và tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Trên thực tế các chỉ số này tính chung cho cả nước, trong khi đó khu vực công nghiệp, sản xuất hàng hóa có mức tăng trưởng, năng suất lao động cao hơn nhiều. Trong chi phí bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày của người lao động và gia đình họ chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu thường sử dụng thì mức tăng CPI cũng sẽ cao hơn CPI nói chung.

- Hội đồng Tiền lương quốc gia được quy định tại Điều 92, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn, tại dự thảo lần này ngoài thành viên ba bên như hiện hành, đã đưa bổ sung thêm các thành viên độc lập: “Các chuyên gia về tiền lương, thị trường lao động và năng suất lao động” để bảo đảm tính khoa học và khách quan, để tránh trường hợp trong quá trình thương lượng, bên trung gian đại diện Chính phủ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ủng hộ một bên nào đó thì bên còn lại sẽ bất lợi. Đại biều công đoàn cũng đề xuất nên đưa vào luật hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể các đối tượng sẽ bổ sung vào Hội đồng, tổ chức nào giới thiệu, đội ngũ này thuộc cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, hay thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đây là bên thứ tư hay chỉ đảm nhiệm vai trò “trọng tài” giám sát, tư vấn giúp Hội đồng.

- Điều 93, quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Dự thảo đã bỏ đoạn đầu khoản 1: “Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định” theo hướng trao quyền chủ động hoàn toàn cho người sử dụng lao động xây dựng sau đó “phải thương lượng” (hiện nay chỉ tham khảo) với tổ chức đại diện người lao động. Nhiều cán bộ công đoàn không đồng tình, cho rằng với sửa đổi này đồng nghĩa với việc sẽ bỏ các khung “sàn” mà pháp luật ràng buộc doanh nghiệp như: số bậc của thang lương, bảng lương theo tính chất phức tạp của công việc; khoảng cách tối thiểu 2 bậc liền kề; phụ cấp nặng nhọc độc hại bắt buộc phải có; lao động qua đào tạo … Mặc dù kinh tế thị trường tiền lương là thỏa thuận, trong khi lương lượng không cân sức giữa các bên, nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn, hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả thì thua thiệt sẽ thuộc về người lao động.

Trên thực tế quy định xây dựng và duy trì thang lương, bảng lương còn nặng về hình thức, mang tính đối phó, nhưng không thể vì thực hiện chưa nghiêm mà bỏ qua những nguyên tắc cơ bản. Hiện nay nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Việt Nam đang tồn tại 2 bảng lương, một để làm căn cứ trích nộp bảo hiểm xã hội, thanh toán làm thêm giờ và phụ cấp lương (có nơi gọi là lương cứng, hay lương cơ bản), sát với mức lương tối thiểu vùng; một để trả cho người lao động với nhiều khoản trợ cấp ngoài lương như chuyên cần, xăng xe, nhà ở, tiền làm thêm giờ gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý tiền lương. Chưa kể nguy cơ sẽ xuất hiện ngày càng phổ biến các thang lương, bảng lương xây dựng tùy tiện tới 30 – 40 bậc, khoảng cách 2 bậc liền kề chỉ chênh lệch từ 20 - 30 nghìn đồng. Nếu nâng lương mỗi năm một lần thì cả cuộc đời làm việc cùng một doanh nghiệp, tiền lương người lao động tăng chưa đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu cũng chia sẻ với việc xây dựng định mức lao động như hiện nay cần phải linh hoạt hơn, rút ngắn quy trình xây dựng và áp dụng thử, vì thực tiễn có nhiều hợp đồng đơn hàng mới, với thời gian diễn ra rất ngắn.

- Ngoài ra, tại Điều 94 về hình thức trả lương, dự thảo đã quy định cụ thể hơn cả phương thức trả lương. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê ghi rõ: mức lương cơ bản, tiền thưởng, phụ cấp, tiền làm thêm giờ, các khoản khấu từ vào lương, bảo đảm công khai, minh bạch. Liên quan đến việc tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, các đại biểu cho rằng dự thảo không nên cắt bỏ khoản 3 Điều 97 hiện hành: Ngoài tiền lương được trả khi làm việc vào ban đêm, nếu làm thêm giờ người lao động còn được hưởng thêm 20% so với tiền lương làm việc vào ban ngày. Đồng thời đề xuất cần quy định khi làm thêm trên 200 – 300 giờ/năm, tiền lương phải tính theo lũy tiến, để người sử dụng lao động cân nhắc khi huy động làm thêm giờ, người lao động cũng được hưởng lợi để bù đắp sức lao động của mình.

Theo các đại biểu cán bộ công đoàn, sửa đổi Bộ luật Lao động phải đảm bảo nguyên tắc chung như: Ưu tiên bảo vệ được nhóm yếu thế trong quan hệ lao động đó chính là người lao động; giải quyết bất cập, vướng mắc và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác đang hiện hành; phù hợp với văn bản, thông lệ quốc tế, nhất là trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng. Ngoài ra, cán bộ công đoàn khi góp ý sửa đổi cũng cần bảo đảm “nguyên tắc riêng”: không làm suy giảm quyền, lợi ích của người lao động; nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.

Nguồn Tổng LĐLĐVN