banner2019
 
Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
Hành chính hóa trong hoạt động công đoàn: Giải pháp khắc phục
Cập nhật lúc 09:03 ngày 17/11/2016

Hành chính hóa là căn bệnh đã tồn tại từ rất lâu trong các hoạt động của công đoàn. Cần phải có những hướng đi hành động mới thay đổi để phù hợp với tình hình mới.


Từng cấp công đoàn cần lựa chọn những việc thiết thực, bảo vệ quyền lợi NLĐ

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội nên về mặt khách quan, “tính chất hành chính” của cán bộ công đoàn được chính Luật cán bộ, công chức hiện hành quy định, nên việc “mắc bệnh hành chính hóa” là khó tránh khỏi. Một số trường hợp văn bản hóa mọi công việc, sính công văn giấy tờ, xa rời thực tế cơ sở dẫn đến quan liêu. Trong khi đó, hoạt động công đoàn là hoạt động quần chúng, cần có những hành động cụ thể, thiết thực. Chưa kể mô hình tổ chức của công đoàn theo 4, 5 cấp như hiện nay là quá cũ, tồn tại từ mấy chục năm nay và chỉ phù hợp cho một giai đoạn nhất định của thời bao cấp.

Theo ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch Công đoàn Hóa chất Việt Nam - hiện nay, tổ chức công đoàn đang phải làm nhiều việc nên dẫn đến nhiều nơi phải làm “kiểu hành chính” cho đủ đầu việc. Đây cũng là quan điểm của không ít những đại biểu có mặt tại tọa đàm. Cụ thể, ngoài việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), công đoàn còn đang phải làm cả các việc tuyên truyền về phòng chống ma túy, sức khỏe sinh sản và an toàn giao thông…

Một nguyên nhân khách quan nữa được nhiều đại biểu chỉ ra rằng, cán bộ công đoàn chuyên trách hiện nay đều là công chức nhà nước. Do vậy, tư duy và nhận thức khó tránh khỏi bệnh “hành chính”, không bám sát cơ sở, không nắm hơi thở cuộc sống của NLĐ; làm hay không làm vẫn có kinh phí để hoạt động.

Từ những phân tích trên, muốn chữa được bệnh “hành chính hóa” thì trước tiên phải xác định lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, trong đó, nhiệm vụ số 1 phải là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Theo đó, cần đổi mới mô hình tổ chức, tinh giản bộ máy hoạt động, đặc biệt là phải chủ động nguồn nhân lực và nâng cao trình độ cán bộ công đoàn.

Đồng thời, phương thức hoạt động cũng phải thay đổi một cách căn bản. Cụ thể, ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam - cho rằng, mối quan hệ làm việc giữa cấp trên và cấp dưới phải là mối quan hệ hỗ trợ, giúp đỡ, thay vì lãnh đạo như trước kia; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cho cơ sở nhiều hơn.

Còn theo ông Vũ Tiến Dũng, công đoàn cơ sở là nền tảng của tổ chức công đoàn nên mọi hoạt động đều phải vì NLĐ, có như vậy thì chức năng của tổ chức công đoàn mới không bị triệt tiêu. Vì thế, để tránh bệnh “hành chính hóa”, từng cấp công đoàn cần lựa chọn những việc thiết thực, sát với chức năng của tổ chức công đoàn, trọng tâm là bảo vệ quyền lợi NLĐ, tránh hình thức, chạy theo báo cáo thành tích. Căn cứ vào những chức năng, nhiệm vụ cốt lõi để xây dựng bộ máy cho phù hợp thì mới tránh được sự cồng kềnh, hành chính từ tổ chức tới hoạt động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao cho Viện CNCĐ tổ chức khảo sát về tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động công đoàn để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục, đổi mới ở từng cấp.

Thu Hà