banner2019
 
Thứ năm, ngày 16 tháng 05 năm 2024
Thứ năm, ngày 16 tháng 05 năm 2024
“Công đoàn đổi mới bằng việc làm cụ thể”
Cập nhật lúc 01:05 ngày 28/07/2016

Không chờ đến khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác xuyên thái Bình Dương (TPP), vừa qua, trong các tuyên bố của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) sẽ chuyển mình, đổi mới từ phương thức đến nội dung hoạt động. Tất cả vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Nhân dịp 87 năm thành lập CĐVN (28.7.1929 - 28.7.2016), đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về vấn đề này. 

Từ ngày 13-16.7, Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐVN khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ 8, tại hội nghị này, BCH đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sự đổi mới hoạt động của CĐVN trong giai đoạn mới, đó là: Đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gắn hơn với lợi ích thiết thân của đoàn viên, CNVCLĐ; đổi mới về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý, phát triển đoàn viên; đổi mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đổi mới về công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản của CĐ; xây dựng bộ nhận diện về tổ chức CĐVN; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, công nhân, lao động, nhất là tạo nên sự khác biệt mà từ trước đến nay chưa có về quyền lợi của đoàn viên CĐVN. Theo đó, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể về việc chăm lo quyền lợi thiết thân cho đoàn viên CĐ ở khu vực sản xuất kinh doanh, như xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đoàn viên, CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị CĐ, nhà trẻ, tư vấn pháp luật, y tế, thiết chế văn hóa, thể thao...); có cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên nghỉ dưỡng tại các khách sạn, nhà nghỉ của hệ thống CĐ Việt Nam được giảm giá; đàm phán với các tập đoàn bán lẻ, các đơn vị viễn thông, giao thông vận tải, doanh nghiệp có chính sách ưu đãi cho đoàn viên CĐ, mang lại nhiều hơn các lợi ích thiết thân cho đoàn viên CĐ.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường (giữa) thăm khu bếp ăn tập thể Cty CP Gang thép Thái Nguyên

Với sự thống nhất về sự cần thiết, cấp bách phải xây dựng các thiết chế phục vụ đoàn viên, CNLĐ tại các KCN-CX, BCH thống nhất chỉ đạo xây dựng các thiết chế này theo hướng vừa sử dụng nguồn kinh phí CĐ (2%), vừa theo hướng xã hội hóa, BCH giao Thường trực Đoàn Chủ tịch chỉ đạo xây dựng đề án, báo cáo Đoàn Chủ tịch xem xét cho ý kiến và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ quyết định, trên cơ sở đó làm việc với các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ về cơ chế, chính sách, đất đai… để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, BCH thống nhất chủ trương việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả kinh tế của các thiết chế kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch của hệ thống tổ chức CĐ Việt Nam, bổ sung nguồn thu cho hoạt động CĐ. Cũng xuất phát từ việc đảm bảo quyền lợi của đoàn viên CĐ, tổ chức CĐ phải tăng cường quản lý công tác thu-chi tài chính của CĐ đảm bảo chặt chẽ, khoa học, đúng quy định. Thực hiện quản lý thu kinh phí CĐ hiện đại, qua hệ thống thống nhất, cập nhật thông tin về đối tượng đóng kinh phí CĐ, kết quả thu kinh phí CĐ của từng đơn vị phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, phối hợp kiểm tra, đặc biệt là phối hợp với các cơ quan BHXH, thuế… Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính CĐ sao cho hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi quy định chi tiết hơn về tỉ trọng các mục chi tại CĐCS, CĐ cấp trên cơ sở. Thống nhất quản lý đoàn viên CĐ qua hệ thống thẻ đoàn viên tích hợp thẻ thanh toán điện tử. Xây dựng bộ nhận diện CĐVN, tạo diện mạo mới cho tổ chức CĐVN, đảm bảo đổi mới cả nội dung và hình thức của CĐVN trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, BCH giao Đoàn Chủ tịch chỉ đạo triển khai các nội dung theo các kiến nghị mà CĐVN đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, nhất là vấn đề: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho CNLĐ; Đồng thời, BCH đồng ý ban hành Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN về “công tác cán bộ CĐ trong thời kỳ mới” để từ đó đặt ra các mục tiêu, chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác CĐ trong tình hình mới.

Đây là những tiền đề hết sức quan trọng cho việc cả hệ thống CĐ phải đổi mới bằng việc làm cụ thể, chứ không chỉ dừng ở lời nói.

Thưa đồng chí, được biết cũng trong hội nghị BCH vừa qua, BCH đã thống nhất một số nội dung quan trọng trong định hướng sửa đổi Điều lệ CĐVN. Xin đồng chí cho biết cụ thể?

- Đồng chí Bùi Văn Cường: BCH thống nhất điều chỉnh thời gian đại hội CĐ các cấp theo hướng nhiệm kỳ Đại hội CĐ các cấp tiệm cận với thời gian Đại hội Đảng cùng cấp để các chủ trương của cấp ủy được cụ thể hóa vào Nghị quyết của Đại hội CĐ và thuận lợi trong việc bố trí cán bộ CĐ tham gia cấp ủy Đảng cùng cấp; theo đó, trên 92% số UV BCH bỏ phiếu đồng ý kéo dài nhiệm kỳ đại hội hiện hành (lẽ ra phải được tổ chức vào cuối năm 2017 và đầu 2018) để dành thời gian cho các cấp CĐ chuẩn bị các giải pháp ứng phó với các thách thức khi VN thực thi Hiệp định TPP. Theo đó, Đại hội CĐ các cấp bắt đầu từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020, và để giải quyết các bất cập theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam khi hết nhiệm kỳ hiện tại, các cấp CĐ sẽ tổ chức hội nghị đại biểu để bổ sung phương hướng nhiệm vụ, còn đối với cấp T.Ư - Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức Đại hội bất thường vào tháng 7.2018 để bổ sung phương hướng nhiệm vụ, sửa đổi Điều lệ CĐVN. Để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả của hội nghị đại biểu và Đại hội CĐVN bất thường, hội nghị, đại hội bất thường các cấp CĐ sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhưng việc tổ chức rất gọn nhẹ, tránh tốn kém, lãng phí (thời gian ngắn, số lượng đại biểu ít theo đúng quy định). BCH giao cho Đoàn Chủ tịch báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét cho ý kiến quyết định; đồng thời, triển khai kịp thời tới các cấp CĐ sau khi có quyết định chính thức của Trung ương.

Đối với một số nội dung quan trọng trong định hướng sửa đổi Điều lệ CĐVN, BCH thống nhất sửa đổi tên gọi của tổ chức CĐ phù hợp với tên gọi trong Hiến pháp 2013 là “CĐVN”, dự kiến đổi tên gọi của cấp Trung ương từ “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng CĐVN”, tên gọi “CĐVN” ở các cấp CĐ, như: “CĐVN tỉnh (thành phố)…”, “CĐVN huyện (thành phố, thị xã)…”… Xem xét mở rộng đối tượng tập hợp vào tổ chức CĐVN dưới một hình thức phù hợp đối với lao động người nước ngoài đang làm việc hợp pháp trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam để đảm bảo quyền CĐ của người lao động theo Công ước quốc tế. Hai vấn đề này BCH giao cho Đoàn Chủ tịch báo cáo Ban Bí thư xem xét cho ý kiến trước khi trình Đại hội bất thường CĐVN.

Thường trực Đoàn Chủ tịch cũng được BCH giao chỉ đạo lập đề án cụ thể về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu CĐ Việt Nam, như: Trang phục cán bộ CĐVN các cấp, huy hiệu CĐ, thẻ đoàn viên CĐ, màu sắc trụ sở và thiết chế văn hóa khác của CĐVN đồng nhất… để tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống.

Thưa đồng chí, ngày 28.7 - kỷ niệm 87 năm thành lập CĐVN - Cổng thông tin điện tử đa phương tiện CĐ Việt Nam chính thức khai trương. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tiện ích của cổng thông tin này?

- Đồng chí Bùi Văn Cường: Cổng thông tin điện tử đa phương tiện CĐVN tổng hợp và cập nhật thông tin hoạt động của CNVCLĐ và hệ thống CĐ Việt Nam; tạo lập một cổng giao tiếp điện tử chính thức và duy nhất của Tổng LĐLĐVN, qua đó cung cấp các thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ, các đơn vị của Tổng LĐLĐVN.

Mục đích của Cổng thông tin điện tử đa phương tiện CĐVN là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về CNVCLĐ và CĐ trên phạm vi cả nước. Phục vụ việc phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, các tài liệu hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN, các chính sách, pháp luật, chủ trương liên quan đến CNVCLĐ và người sử dụng lao động; Liên thông tư liệu của hệ thống CĐ cả nước, nhằm tăng cường mối liên kết, huy động nguồn lực, cung cấp tài liệu và thông tin hoạt động CĐ, phục vụ cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác quản lý, nghiên cứu trong công tác xây dựng tổ chức CĐ; Cung cấp thông tin về nhân lực, thị trường lao động, xuất khẩu lao động, liên kết hệ thống đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trong hệ thống CĐ trên toàn quốc; Đặc biệt, đây là cổng thông tin cung cấp các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ đoàn viên, công nhân, lao động và hỗ trợ doanh nghiệp trong chương trình “CĐ đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm và đời sống của CNLĐ” như: Tư vấn pháp luật lao động, đối thoại trực tuyến, giới thiệu việc làm, tuyển dụng trực tuyến; Cung cấp công cụ làm việc, quản lý, điều hành và giao tiếp trực tuyến giữa lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành TƯ, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN và các cán bộ CĐCS thông qua môi trường làm việc hiện đại; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Cổng thông tin điện tử đa phương tiện CĐ Việt Nam sẽ là môi trường giao tiếp điện tử, tăng cường sự tương tác giữa đoàn viên, người lao động với cán bộ CĐ các cấp, góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐVN trong thời kỳ mới.

- Xin cảm ơn đồng chí.

Nguồn Báo Lao động