banner2019
 
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024
Thoả ước lao động tập thể ngành Công Thương Thái Nguyên quyền lợi người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Cập nhật lúc 11:14 ngày 29/04/2022
Ngày nay, với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, quan hệ lao động ngày càng đòi hỏi sự hài hòa về lợi ích trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, việc thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, mà còn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các đơn vị, doanh nghiệp, giúp đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong các doanh nghiệp; tránh tình trạng tranh chấp lao động, đình công, lao động nhảy việc; duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, Công đoàn Công Thương Thái Nguyên đã lựa chọn nhóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc để tiến hành các bước ký thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp. Qua quá trình đàm phán, thương lượng, CĐCT Thái Nguyên đã lựa chọn được 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may để đàm phán và tiến hành các bước ký Thỏa ước LĐTT ngành  Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT; Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco.
Sau một thời gian làm việc giữa các bên tham gia theo đúng quy trình và nguyên tắc trong việc ký thỏa ước LĐTT cấp ngành, ngày 24/4/2022, lãnh đạo CĐCT Thái Nguyên, đại diện Lãnh đạo và Chủ tịch CĐCS của 3 Doanh nghiệp nói trên thống nhất ký Thỏa ước LĐTT ngành. Bản thỏa ước đã được các bên đàm phán và tham gia, xây dựng có 16 Điều, trong đó có trên 20  khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như:
Tiền lương, thưởng, phụ cấp chuyên cần, xăng xe, tiền thưởng sáng kiến, chế độ ăn ca, chế độ An toàn vệ sinh lao động; tham quan du lịch; chính sách đối với lao động nữ…
Bên cạnh đó, thỏa ước cũng quy định một số các điều khoản như xây dựng thang bảng lương, bố trí thời gian cho người lao động tham gia hoạt động, phong trào do công đoàn tổ chức…
Thỏa ước lao động tập thể ngành Công Thương có giá trị 3 năm kể từ ngày 25/4/2022. 
Đánh giá hiệu quả bước đầu của thỏa ước, sẽ có trên 17.000 lao động được hưởng lợi, tổng số tiền lợi mang lại cho người lao động ước tính trên 15 tỷ đồng/tháng. Trong 3 năm, tổng số tiền làm lợi cho người lao động do thỏa ước mang lại ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, CĐCT Thái Nguyên sẽ giám sát việc thực hiện thỏa ước LĐLT ngành tại các doanh nghiệp; sơ kết, tổng kết việc thực hiện TƯLĐTT. Trên cơ sở bước đầu đã ký thành công Thỏa ước LĐTT ngành với nhóm doanh nghiệp ngành may, Công đoàn ngành Công Thương sẽ xem xét, tiếp tục đàm phán và ký Thỏa ước LĐTT ngành với các Doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác với mục tiêu vì quyền lợi của người lao động và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Nông Quang Ngọc