banner2019
 
Thứ sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024
Thứ sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024
Đề xuất xây dựng mô hình “Không tai nạn lao động, không dịch bệnh” trong sản xuất
Cập nhật lúc 01:33 ngày 10/02/2022
Khi tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh tật xảy ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ), mà còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp và đời sống kinh tế xã hội.
TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) không phải tự nhiên đến, nó đều có nguyên nhân từ quá trình sản xuất bên trong nhà xưởng, từ sự chủ quan của NLĐ. Xây dựng và phát triển văn hóa phòng ngừa trong doanh nghiệp một cách hiệu quả cho phép chúng ta được loại bỏ và giảm thiểu được các tai nạn, bệnh tật và dịch bệnh.
Phát triển văn hóa an toàn lao động Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Mục tiêu đặt ra của Nghị quyết là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời kiên trì thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong năm 2021.
Để triển khai Nghị quyết của Chính phủ vào đời sống sản xuất, Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phối hợp với Hội KHKT ATVSLĐ đề xuất việc xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ và phòng dịch bệnh trong các doanh nghiệp nhỏ, trên cơ sở khái niệm “Không tai nạn” ("Vision Zero") của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đó là mô hình “Không tai nạn, không dịch bệnh” tại nơi sản xuất.
Mục đích của mô hình” Không tai nạn, không dịch bệnh” là phát triển văn hóa an toàn lao động, đảm bảo điều kiện làm việc lành mạnh và an toàn cho NLĐ tại nơi sản xuất bằng cách giảm thiểu các nguyên nhân gây ra TNLĐ, BNN, nhất là đại dịch SARS-CoV-2 đang lan truyền trên thế giới và ở nước ta.
Mục tiêu chính của mô hình “Không tai nạn, không dịch bệnh”
1. Làm cho NLĐ hiểu được bản chất của khái niệm "Không tai nạn, không dịch bệnh” để yên tâm sản xuất.
2. Tổ chức công tác phòng, chống tai nạn thương tích, kết hợp ba lĩnh vực: An toàn, sức khỏe và phúc lợi của NLĐ.
3. Đề xuất các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ và phòng, chống dịch bệnh trong nhà xưởng.
4. Hỗ trợ cho NLĐ các kiến thức cơ bản về ATVSLĐ và phòng, chống dịch bệnh.
Nội dung chủ yếu của mô hình
Nội dung chính của mô hình là, hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN một cách hiệu quả, loại bỏ được các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của NLĐ.
Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ là các doanh nghiệp khó áp dụng một cách đầy đủ các hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến và quy mô, như tiêu chuẩn quản lý ATVSLĐ OSHAS 18001 hay ISO 45001. Trên cơ sở làm đơn giản các hệ thống quản lý ATVSLĐ đó, bổ sung hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi đề xuất mô hình “Không tai nạn, không dịch bệnh”, nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ trong trạng thái sản xuất bình thường mới.
Mô hình dựa trên 3 nền tảng:
1.An toàn khi làm việc; 2. Vệ sinh chỗ làm việc; 3. Sức khỏe và hạnh phúc của NLĐ. Mô hình “Không tai nạn, không dịch bệnh” được đề xuất gồm 8 hoạt động:
Hoạt động 1: Xây dựng các quy định ATVSLĐ trong doanh nghiệp
Việc xây dựng các quy định ATVSLĐ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau: Tuân thủ pháp luật, phù hợp với thỏa ước lao động tập thể, cũng như các yêu cầu khác đã được doanh nghiệp cam kết về ATVSLĐ; Phù hợp với quy mô, tính chất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để phổ biến cho tất cả NLĐ và niêm yết tại nơi làm việc; Các quy định về ATVSLĐ phải liên tục được rà soát, điều chỉnh nhằm phù hợp với những thay đổi về máy móc, công nghệ, mặt bằng và mặt hàng của doanh nghiệp.
Trong trạng thái sản xuất mới, các doanh nghiệp dù nhỏ, cố gắng bố trí một cán bộ chuyên trách ATVSLĐ và phòng, chống dịch bệnh để trực tiếp hướng dẫn các bước tiến hành và giám sát thực hiện mô hình.
Hoạt động 2: Xác định các nguy cơ tai nạn, bệnh tật và phải kiểm soát được rủi ro do các nguy cơ gây ra
Để xây dựng được mục tiêu “Không tai nạn, không dịch bệnh” trong doanh nghiệp, đầu tiên cần xác định rõ những yếu tố nguy hiểm, có hại nào có trong quá trình sản xuất. Nhận thức rõ ràng về bản chất của các mối nguy hại, đặc biệt là mối nguy hại do Sars-CoV-2 gây ra.
Trên cơ sở xác định được các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá rủi ro và xếp thứ tự ưu tiên giải quyết dựa trên tần suất, tác hại do các yếu tố đó gây ra cho NLĐ. Sau đó đưa ra các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện làm việc theo thứ tự ưu tiên nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức hợp lý, ít ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng NLĐ nhất theo các hướng dẫn kỹ thuật, kinh phí thu xếp được và quy định pháp luật của nhà nước.
Hoạt động 3: Đặt mục tiêu hành động để thực hiện mô hình ”Không tai nạn. không dịch bệnh”
Mục tiêu đặt ra để cụ thể hóa các chính sách đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh của doanh nghiệp, những vấn đề mà doanh nghiệp cần nỗ lực để loại trừ các nguy cơ rủi ro trong sản xuất. Xác định mục tiêu là khâu rất cần thiết để xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cho từng bộ phận, cá nhân... Mục tiêu về ATVSLĐ và phòng, chống dịch bệnh phải cụ thể và phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Đó là cơ sở để phân bố các nguồn kinh phí, nhân lực, xác định những vấn đề ưu tiên trong triển khai kế hoạch.
Hoạt động 4: Xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Không tai nạn, không dịch bệnh”
Kế hoạch ATVSLĐ là xây dựng một tài liệu chi tiết hóa các nội dung công việc bắt buộc phải thực hiện để đạt được những mục tiêu và chính sách về ATVSLĐ đã được thông qua trong Hội nghị NLĐ hằng năm, với việc bổ sung công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm thực hiện mô hình “Không tai nạn, không dịch bệnh” trong doanh nghiệp.
Hoạt động 5: Triển khai thực hiện kế hoạch
Là việc phân công các bộ phận và các cá nhân có liên quan trong doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ của mình trong kế hoạch của mô hình đã xác định. Để thực hiện hiệu quả, doanh nghiệp cần có kế hoạch triển khai công tác truyền thông, huấn luyện giúp mọi người nắm bắt và thống nhất cách hiểu khi thực hiện mô hình.
Hoạt động 6: Giám sát việc thực hiện kế hoạch
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, làm cơ sở để đánh giá và đề xuất các biện pháp điều chỉnh, với các nội dung chủ yếu:
1. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện từng chỉ số trong mục tiêu được giao; thực hiện thống kê, báo cáo việc thực hiện;
2. Điều tra về tai nạn, sự cố, bệnh tật và khả năng lây nhiễm dịch bệnh liên quan đến nơi làm việc;
Hoạt động 7: Điều chỉnh công tác phòng ngừa và khắc phục rủi ro
Thông qua kết quả sau kiểm tra, các doanh nghiệp có thể xem xét, đánh giá thường xuyên về hiệu quả của mô hình thông qua công tác ATVSLĐ và phòng, chống dịch bệnh của doanh nghiệp. Sau đó đi sâu phân tích nguyên nhân việc chưa đạt mục tiêu, những việc làm chưa đúng với kế hoạch đã đặt ra, nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục, bổ sung.
Hoạt động 8: Phòng ngừa dịch bệnh
Doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan y tế, các doanh nghiệp trong cùng địa bàn để phối hợp chống dịch và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của NLĐ, khách hàng, đối tác kinh doanh và tất cả các bên có liên quan nhằm ngăn chặn sự lây lan của Sars-CoV-2 và bình thường hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ở các doanh nghiệp, các chiến lược phòng ngừa là cần thiết, bao gồm: Giảm mật độ NLĐ làm việc, đeo khẩu trang đúng quy cách, tách xa các vị trí lao động để duy trì khoảng cách, lắp đặt vách ngăn giữa các công đoạn, áp dụng các chiến lược làm sạch và khử trùng tăng cường, cải thiện hệ thống thông gió.
Các biện pháp giảm thiểu rủi ro do lây nhiễm
Thực hiện đầy đủ 5K, sử dụng khẩu trang lưỡng dụng: Vừa phòng, chống được các yếu tố có hại trong sản xuất (bụi, hơi khí độc,..), vừa ngăn chặn được Sars-CoV-2. Giãn cách vị trí làm việc trong phân xưởng hơn so với khi thiết kế (cố gắng đến 2m khi có thể), cố gắng có che chắn bằng vách mềm tại một số vị trí thao tác cố định bên thiết bị.
Tổ chức thông gió cơ khí, trao đổi không khí có định hướng (theo 1 chiều) trong nhà xưởng để giảm nguy cơ lây lan với bội số trao đổi không khí ít nhất bằng 3 về mùa hè và bằng 2 về mùa đông. Bố trí cửa ra, vào phân xưởng khác nhau cho NLĐ.
Tổ chức đi theo từng cụm sản xuất khi đi ăn hay ra về để hạn chế lây nhiễm chéo. Không đi lại, ngồi lộn xộn trong phòng ăn, thiết lập vách ngăn giữa các chỗ ngồi, chia nhỏ giờ ăn để giảm thiểu số người trong phòng ăn. Thực hiện các bữa ăn im lặng.
Hạn chế các sự kiện tập trung trực tiếp bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, các cuộc tụ họp xã hội,... Thực hiện đủ và đúng mô hình với 8 bước trên, doanh nghiệp sẽ hạn chế tới mức tối đa các nguy cơ rủi ro do tai nạn và dịch bệnh gây ra, đảm bảo sản xuất an toàn trong tình hình mới, nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe NLĐ – nguồn nhân lực và là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(Nguồn: cuocsongantoan.vn)