banner2019
 
Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
Các trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp và những điểm cần lưu ý
Cập nhật lúc 11:33 ngày 02/06/2020
Các trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 49 Luật Việc làm 2013)
1. Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
2. Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
3. Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
4. Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
5. Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
6. Chết;
7. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
8. Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
9. Người lao động không nộp hồ sơ hoặc nộp không đầy đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
10. Không được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Những điểm cần lưu ý về thời gian xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp:
Theo mục 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP:
- Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. 
+ Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
+ Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị.
+ Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị.  
- Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp người lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mới được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm.
Thanh Huyền tổng hợp