banner2019
 
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024
Bộ Công Thương kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19
Cập nhật lúc 12:30 ngày 09/04/2020
Chiều 8/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chuẩn bị nội dung cho Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã báo cáo sơ bộ những giải pháp của Bộ Công Thương và nêu nhiều kiến nghị xác đáng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Duy trì xuất khẩu, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nước
Báo cáo về những tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19 đến các lĩnh vực sản xuất thuộc ngành Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Rất nhiều đối tác, bạn hàng nước ngoài (nhất là tại châu Âu và Mỹ) của các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện giãn, hoãn các đơn hàng và thời gian giao hàng trong tháng 4 và tháng 5, đồng thời chưa thực hiện đàm phán các đơn hàng mới từ tháng 6 do chính bản thân họ cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hoá.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chính phủ cần báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có một chính sách miễn, giảm các khoản thuế trong giai đoạn hiện nay cho doanh nghiệp
“Bộ Công Thương đánh giá, tình hình này sẽ nghiêm trọng hơn so với những khó khăn do đứt gãy nguồn cung và thiếu hụt nguyên liệu từ phía Trung Quốc trong hai tháng đầu năm” – Thứ trưởng Khánh phân tích, việc không giao được hàng đồng nghĩa với việc không được thanh toán, không có dòng tiền để duy trì hoạt động, trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không được hoặc nhận được rất ít sự chia sẻ từ đối tác nước ngoài, thậm chí, các đối tác còn vận dụng những điều khoản bất khả kháng để miễn trừ nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ rõ những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, như: dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ, điện tử và điện thoại di động...., Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin, hệ luỵ không chỉ là doanh nghiệp gặp khó khăn mà người lao động cũng bị ảnh hưởng. Điển hình riêng ngành dệt may, da giày sẽ có khoảng 4 triệu người lao động chịu tác động trực tiếp.
Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với các giải pháp hạn chế, khắc phục việc gián đoạn nguồn cung và cầu hàng hoá thì Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công.
“Chính phủ đóng vai trò là người chi tiêu cuối cùng giúp đỡ cho sản xuất” – Thứ trưởng Khánh đề xuất và cho rằng, nguồn vốn đầu tư công cần tập trung vào các lĩnh vực có sức lan toả rộng và chủ yếu cho những lĩnh vực là đầu vào sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư công.
Về các giải pháp của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Khánh chia sẻ, trước hết Bộ sẽ tập trung các giải pháp duy trì tối đa đối với hoạt động, duy trì các thị trường còn dư địa. Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp với các địa phương khu vực phía Bắc để tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia chung đường biên giới, vừa đảm bảo phòng dịch nhưng không gây gián đoạn quá mức cần thiết đến hoạt động lưu chuyển hàng hoá, hoạt động thương mại giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang cùng với các doanh nghiệp xem xét chuyển hướng sang sản xuất những mặt hàng thế giới hiện nay có nhu cầu như: bộ đồ bảo hộ, găng tay y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn… Đồng thời, sẽ tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi trong các Hiệp định Thương mại tự do, nhằm duy trì tối đa xuất khẩu, cố gắng giảm thiểu khó khăn.
Đối với hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào việc bảo đảm thông suốt các kênh lưu thông, không để nhân dân thiếu hụt hàng hoá, nhu yếu phẩm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt là bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, một trong những giải pháp quan trọng sẽ được Bộ Công Thương thực hiện là cùng các doanh nghiệp kích cầu sản xuất trong nước, phối hợp và đề xuất với ngành ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý hơn để duy trì nhu cầu trong nước. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ sớm kích hoạt một đề án khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường sử dụng thương mại điện tử trong các giao dịch thương mại.
Cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn
Nhấn mạnh rằng, việc trong ngày hôm nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường lấy ý kiến vào các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 do Chính phủ đề xuất là rất cần thiết, song Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền tuy là thực chất và kịp thời, song đối với doanh nghiệp cần phải sử dụng công cụ tài khoá, tiền tệ.
“Việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp cơ cấu lại các khoản vay, không để cho doanh nghiệp bị chuyển sang danh sách nợ xấu; giãn, hoãn thời gian trả nợ… là những biện pháp hết sức có ý nghĩa” – Thứ trướng đánh giá. Tuy nhiên, dù ngân hàng đã giảm lãi suất, giãn, hoãn nộp thuế, trả lãi vay, song thực chất là chưa thu lúc này mà chuyển sang thu vào cuối năm. Từ yếu tố này, Thứ trưởng Khánh đề xuất Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chính sách miễn, giảm các khoản thuế trong giai đoạn hiện nay cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp bớt khó khăn và có thể thể bảo đảm khả năng phục hồi sau khi dịch bệnh kết thúc.
Về phía ngành Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị sớm xem xét, quyết định đề xuất giảm giá điện đã trình Chính phủ, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Báo cáo thêm, Thứ trưởng Khánh cũng nêu những khó khăn và đưa ra đề xuất cụ thể với các ngành: gỗ; xăng dầu… và kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để hỗ trợ những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đảm bảo duy trì hoạt động và phục hồi sau dịch bệnh.
Hoàng Châu (nguồn: congthuong.vn)