banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
Tổ chức công đoàn: Thách thức đổi mới để hội nhập
Cập nhật lúc 06:15 ngày 20/07/2016

Khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN, những cam kết trong TPP, sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức công đoàn.

Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức lao động là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên thái Bình Dương TPP, chức năng này càng được phát huy và đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động để có thể giữ người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

 

Thách thức đổi mới

Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã làm tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhằm phát huy dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và giải quyết  tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, công đoàn đã chủ động tham gia, phối hợp tốt với chính quyền, chuyên môn đồng cấp từng bước nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.

Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, tổ chức công đoàn đã kiến nghị các cơ quan chức năng có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, tập trung ở khu vực ngoài nhà nước, chủ yếu liên quan đến quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trả lương thấp, nợ lương, vi phạm những qui định về giao kết hợp đồng lao động, không thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động... Công đoàn cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tham gia cải cách chính sách tiền lương.

Chị Nguyễn Thanh Hương, Công nhân công ty Canon Việt Nam cho biết: “Tổ chức công đoàn có nhiều hoạt động và diễn ra đều đặn hàng năm như tổ chức các buổi hát cho công nhân nghe và nghe công nhân hát, hỗ trợ xây nhà cho công nhân lao động khó khăn... Tôi mong muốn thời gian tới, tổ chức công đoàn quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống của anh chị em công nhân, tổ chức nhiều hơn các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ để gắn kết công nhân của các công ty với nhau; tuyên truyền nhiều hơn cho công nhân hiểu về luật công đoàn, luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…”.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của công nhân viên chức lao động thì hoạt động công đoàn ở một số nơi chưa thật sự phát huy tác dụng. Thời gian tới, khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là gia nhập TPP, những cam kết về công đoàn trong TPP đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức công đoàn.

Người lao động sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của mình. Điều này đòi hỏi tổ chức công đoàn phải thay đổi tổ chức và phương thức hoạt động để thích nghi.

Ông Ngô Văn Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng: Khi bước vào sân chơi lớn, tổ chức và hoạt động công đoàn chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn để có thể giữ người lao động tham gia tổ chức công đoàn. Muốn tồn tại, công đoàn phải đổi mới tư duy, cách làm. Đối với cán bộ công đoàn phải dấn thân để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Để xứng đáng là chỗ dựa của người lao động

Ngay từ đầu năm 2016, Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất lấy chủ đề “Năm phát triển đoàn viên”, chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới các hoạt động hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động, thiết thực chăm lo trực tiếp đến các vấn đề thiết thân với người lao động như thu nhập, đời sống, việc làm, bữa ăn giữa ca, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn cũng phát huy vai trò thành viên của Hội đồng tiền lương Quốc gia, tích cực tham gia vào phương án điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu.

Bà Hoàng Thị Thanh, Trưởng Ban đối ngoại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Chính những thách thức khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do là động lực thúc đẩy tổ chức công đoàn đổi mới để phù hợp với nhiệm vụ hiện nay. Về văn bản pháp luật, tổ chức công đoàn tiếp tục tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ sửa đổi Bộ luật lao động, Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, công đoàn đổi mới hoạt động hướng về cơ sở.

“Đổi mới quy trình, phương thức để vận động đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo phương pháp mới. Trước đây, cứ cấp trên vận động thành lập công nhận công đoàn cơ sở đó. Bây giờ phải vận động người lao động tự thành lập công đoàn, tự bầu ra ban chấp hành công đoàn. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn từ tổ công đoàn trở lên, thường xuyên phải đối thoại, thương lượng và đổi mới công tác cán bộ theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp trên. Còn tại công đoàn cơ sở, các đơn vị có hơn 1.000 lao động thì sẽ có cán bộ công đoàn chuyên trách” – bà Thanh nói.

Trong bối cảnh hội nhập, tổ chức công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương pháp hoạt động để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người lao động. Ưu tiên hàng đầu của công đoàn cơ sở là tập trung thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến quan hệ lao động, đồng thời đẩy mạnh công tác chăm lo cho người lao động.

Để làm được điều đó, công đoàn cơ sở phải chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, từ đó phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết dứt điểm nhằm ngăn ngừa tranh chấp từ gốc.

Phương Thoa (Theo Đài tiếng nói VN)