banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
Thay đổi công nghệ tác động như thế nào đến với người lao động?
Cập nhật lúc 06:15 ngày 15/07/2016

Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng Các hoạt động của giới sử dụng lao động (thuộc Tổ chức Lao động quốc tế- ILO) cho thấy, thời đại sử dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất đã trở thành một thực tế tại các nước Đông Nam Á.

Nghiên cứu được tiến hành trên 5 lĩnh vực của các nước Đông Nam Á: Sản xuất và lắp ráp ô tô; điện và điện tử; dệt may và giầy da; business process outsourcing (tạm dịch: thuê ngoài một số lĩnh vực sản xuất cụ thể) và bán lẻ.


Hơn 60% các DN được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á cho thấy những công nghệ mới có tác động tích cực cho tăng doanh số bán hàng; năng suất lao động và tuyển dụng của những CN có tay nghề cao.

Những DN được khảo sát đã từng bước triển khai tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng, sự ổn định và an toàn nơi làm việc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là việc sử dụng rộng rãi robot không tự động dẫn đến việc thay thế công việc của NLĐ, mà lại được triển khai theo hướng hợp tác và coi con người là trung tâm để nâng cao săng suất và việc tuyển dụng của những NLĐ có tay nghề cao hơn.

Tuy nhiên, tại những lĩnh vực sử dụng nhiều LĐ, như dệt may và giày da (với hơn 9 triệu việc làm tại các nước Đông Nam Á, trong đó hầu hết là phụ nữ trẻ tuổi) có tình trạng khác. Tại những lĩnh vực này, những công việc chỉ cần tay nghề thấp dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của công nghệ. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường ở Châu Âu; và Hoa Kỳ có thể chuyển các nhà máy về nước. Các hệ quả xã hội tiếp theo có thể là đặc biệt đáng lưu tâm đối với một số các nền kinh tế như Campuchia và Việt Nam.

Nghiên cứu đưa ra cảnh báo, trong khi sự thay thế việc làm trên diện rộng chưa xảy ra sớm, thì điều này xảy ra ngày càng nhiều đối với những việc làm có kỹ năng thấp tại các nước ASEAN. Bởi lẽ, chi phí của việc áp dụng này giảm và việc cải tiến trở nên dễ tiếp cận ngay cả tại những DN nhỏ. Báo cáo ước tính khoảng 56% của tất cả những công việc làm công ăn lương (tạm dịch từ salaried employment) tại các nước Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam “nằm trong vòng nguy hiểm” bị thay thế bởi công nghệ trong vòng 2 thập kỷ tới.

Giám đốc Văn phòng Các hoạt động của giới sử dụng lao động Deborah France-Massin cho biết: “Những quốc gia cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ cần thay đổi. Lợi thế về giá không còn là đủ nữa. Những nhà lập pháp cần tạo ra môi trường lành mạnh hơn, theo đó, tập trung hướng tới đầu tư về nguồn lực con người; nghiên cứu và phát triển; và sản xuất giá trị cao”.

Báo cáo cũng khuyến cáo lực lượng lao động cần phải được đào tạo phù hợp với những kỹ năng quan trọng một cách vững chắc để họ có thể vận hành được công nghệ mới và làm việc hiệu quả cùng với máy móc được tự động hóa. 

Nguồn Báo Lao động