banner2019
 
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024
Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024
Chủ tịch Công đoàn cơ sở với việc tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở
Cập nhật lúc 03:36 ngày 10/10/2015

1. Đại hội công đoàn cơ sở.

Đại hội công đoàn cơ sở là đợt sinh hoạt chính trị của đoàn viên và CNVC-LĐ ở cơ sở, nhiệm vụ của đại hội công đoàn cơ sở là dân chủ thảo luận các báo cáo của Ban Chấp hành, thảo luận, quyết định nhiệm vụ của công đoàn cơ sở nhiệm vụ tới, tham gia xây dựng các dự thảo văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên nếu có, bầu Ban chấp hành công đoàn mới và bầu đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Công đoàn cấp trên (nếu có).

Hình thức đại hội công đoàn cơ sở.

Có các hình thức đại hội công đoàn cơ sở sau:

- Đại hội đại biểu: là đại hội được tiến hành gồm những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho cán bộ, đoàn viên công đoàn được đại hội hoặc hội nghị công đoàn các cấp bầu ra. Đối với công đoàn cơ sở được tổ chức đại hội đại biểu phải có 150 đoàn viên trở lên, trường hợp có dưới 150 đoàn viên thì phải có các điều kiện sau: hoạt động phân tán, lưu động khó khăn trong tổ chức đại hội toàn thể và phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.

- Đại hội toàn thể: là đại hội của tất cả đoàn viên công đoàn (trừ đoàn viên đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian chấp hành các hình phạt của tòa án) được tổ chức ở công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận có dưới 150 đoàn viên. Trường hợp có từ 150 đoàn viên trở lên, có thể tổ chức đại hội toàn thể nếu đoàn viên yêu cầu và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.

Nhiệm kỳ đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn:

Nhiệm kỳ đại hội công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X quy định tổ chức 5 năm 2 lần. Những công đoàn cơ sở được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần phải có đủ các điều kiện sau và phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.

- Đối với CĐCS đóng trên địa bàn một tỉnh, thành phố phải có 2 điều kiện sau:

+ Có 3000 đoàn viên trở lên.

+ Có từ 5 CĐCS thành viên trở lên.

- Đối với CĐCS hoạt động phân tán, lưu động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, phải có đủ hai điều kiện sau:

+ Có từ 1000 đoàn viên trở lên.

+ Có từ 5 CĐCS thành viên trở lên.

Trường hợp có những cơ sở có những biến động về tổ chức sản xuất kinh doanh do điều kiện quá khó khăn hoặc có vấn đề về nội bộ, cán bộ lãnh đạo bị tố cáo chưa kiểm điểm và làm rõ đúng, sai thì có thể báo cấp trên trực tiếp xem xét quyết định kéo dài nhiệm kỳ của đại hội.

Để tiến hành đại hội CĐCS thiết thực và có hiệu quả, Chủ tịch công đoàn cơ sở, người đứng đầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần quan tâm chỉ đạo BCH tiến hành tiến hành chuẩn bị đại hội một cách chu đáo.

2. Công tác chuẩn bị đại hội công đoàn cơ sở:

- Quyết định thành lập ban chuẩn bị đại hội, ban chuẩn bị đại hội có thể có các tiểu ban sau: tiểu ban tổ chức, tiểu ban khánh tiết, tuyên truyền…

- Giao nhiệm vụ cụ thể của công tác chuẩn bị đại hội công đoàn cơ sở cho các tiểu ban thực hiện.

- Phân công các ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở chuẩn bị nội dung từng công việc liên quan đến đại hội CĐCS.

a. Đối với tiểu ban tổ chức có thể phân công những nhiệm vụ sau:

- Lập kế hoạch, tiến độ tổ chức đại hội công đoàn các cấp, dự kiến phân công các cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở đi dự đại hội tổ công đoàn; công đoàn bộ phận (công đoàn cơ sở thành viên) để trực tiếp chỉ đạo đại hội và kịp thời nắm bắt các thông tin từ đại hội công đoàn các cấp.

- Chuẩn bị dự thảo báo cáo của Ban chấp hành CĐCS, xây dựng dự thảo phương hướng, nhiệm vụ và nghị quyết của Ban chấp hành CĐCS nhiệm kỳ tới.

- Dự kiến số lượng đại biểu và dự kiến phân bổ đại biểu cho các đơn vị theo tỷ lệ quy định (nếu là đại hội đại biểu). Theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X, số lượng đại biểu dự đại hội cấp nào do Ban chấp hành công đoàn cấp đó quyết định và triệu tập. Đại biểu chính thức dự đại hội Công đoàn cơ sở gồm:

Đại biểu do công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên bầu theo số lượng được công đoàn cơ sở phân bổ.

Đại biểu đương nhiên dự đại hội công đoàn cơ sở là các ủy viên BCH công đoàn cơ sở.

Các đại biểu do Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập chỉ định với số lượng không quá 3% tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

- Xây dựng chương trình đại hội công đoàn cơ sở.

- Nhận danh sách đại biểu dự đại hội từ các tổ công đoàn trực thuộc, công đoàn bộ phận gửi lên và chuẩn bị các thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra tư cách đại biểu.

- Chuẩn bị trước các thủ tục, điều kiện cho việc bầu cử Ban Chấp hành, bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên nếu có, như hòm phiếu, phiếu bầu, mẫu biên bản kiểm phiếu…

b. Nhiệm vụ của tiểu ban tuyên truyền, khánh tiết phục vụ đại hội.

- Lập kế hoạch kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền trước, trong và sau đại hội; kế hoạch ăn nghỉ cho các đại biểu (nếu là công đoàn cơ sở nằm trên địa bàn nhiều tỉnh) và các chi phí khác của đại hội… để tuyên truyền về đại hội công đoàn cơ sở; phát động thi đua chào mừng đại hội; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm tạo khí thế sôi nổi trong CNVCLĐ chào mừng đại hội công đoàn cơ sở…

- Chuẩn bị trang trí, khánh tiết hội trường nơi tổ chức đại hội. Theo quy định, đại hội công đoàn các cấp thống nhất hình thức trang trí và tiêu đề như sau:

Phía trái hội trường (từ dưới lên) là cờ tổ quốc. Tượng hoặc ảnh Bác Hồ đặt dưới cánh sao vàng 25-30 em. Phía bên phải hội trường là dòng chữ tiêu đề đại hội. Huy hiệu Công đoàn Việt Nam đặt trên khoảng 25-30 em và chính giữa dòng chữ tiêu đề đại hội. tiêu đề đại hội công đoàn cơ sở thống nhất như sau:

Đại hội công đoàn cơ sở (công đoàn cơ sở thành viên)…lần thứ…ngày…tháng…năm…

- Khi xây dựng, hoàn thiện kế hoạch đại hội các tiểu ban trình Ban Chấp hành CĐCS để bàn thống nhất, khi chương trình, kế hoạch được Ban Chấp hành thông qua, thì Ban Chấp hành công đoàn cơ sở báo cáo xin ý kiến cấp ủy Đảng cùng cấp và làm việc với chuyên môn về thời gian, kinh phí và các điều kiện khác, để đại hội công đoàn cơ sở được tiến hành đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp.

c. Công tác chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng, nhiệm vụ kỳ tới của công đoàn cơ sở.

Khi tiến hành chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động công đoàn cơ sở nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cần bám sát Nghị quyết đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ trước để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của công đoàn cơ sở. Mặt khác Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cần căn cứ vào báo cáo kiểm điểm, đánh giá hoạt động cơ sở các quý, năm của Ban Chấp hành, căn cứ vào các báo cáo tổng kết hoạt động của các tổ công đoàn, công đoàn bộ, công đoàn cơ sở thành viên và căn cứ đánh giá vào công đoàn cấp trên trực tiếp đối với công đoàn cơ sở, đặc biệt là Ban Chấp hành công đoàn cơ sở còn phải căn cứ vào đánh giá thực hiện nghị quyết của cấp Ủy Đảng và đánh giá thực hiện nhiệm vụ công tác, sản xuất, kinh doanh của chuyên môn của đơn vị để dự thảo báo cáo tổng kết sát thực, đầy đủ.

Để chuẩn bị dự thảo báo cáo được tốt, sát với tình hình thực tiễn, cán bộ công đoàn được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo báo cáo cần liên hệ mật thiết với đoàn viên, công nhân, lao động để nắm được những thông tin thực tế, phục vụ cho việc chuẩn bị báo cáo.

3. Chương trình đại hội công đoàn cơ sở.

3.1. Chào cờ

3.2. Khai mạc đại hội, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu dự đại đội.

3.3. Bầu đoàn chủ tịch, ban tổ chức dự kiến Đoàn chủ tịch đại hội và xin ý kiến đại hội bằng biểu quyết giơ tay.

Đoàn Chủ tịch đại hội công đoàn cơ sở là những đại biếu thính thức của đại hội. Nếu thấy thật sự cần thiết ban tổ chức đại hội có thể mời khách mời của đại hội là lãnh đạo công đoàn cấp trên tham gia đoàn chủ tịch với tư cách là thành viên danh dự, không trực tiếp tham gia điều hành đại hội.

Số lượng thành viên danh dự tham gia đoàn chủ tịch không quá 1/5 tổng số thành viên đoàn chủ tịch đại hội.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn chủ tịch đại hội:

+ Đoàn Chủ tịch đại hội làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, có nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành các hoạt động của đại hội, trực tiếp phân công thành viên điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội biểu quyết thông qua, chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết.

+ Điều hành thảo luận báo cáo của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, thực hiện các bước công việc trong bầu cử, như điều hành thảo luận, cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng Ban chấp hành công đoàn cơ sở, giới thiệu ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành, giới thiệu ban kiểm phiếu, quyết định các trường hợp cho rút hoặc không cho rút khỏi danh sách đề cử.

+ Sau khi bầu cử Ban chấp hành, nhận biên bản kết quả bầu cử và phiếu bầu đã niêm phong từ ban bầu cử để bàn giao cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở khóa mới.

+ Chỉ định triệu tập viên kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở sau khi công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành công đoàn (trường hợp đối với Công đoàn cơ sở không bầu trực tiếp Chủ tịch công đoàn cơ sở).

3.4. Ban tổ chức giới thiệu đoàn thư ký đại hội và xin ý kiến đại hội bằng biểu quyết giơ tay.

Nhiệm vụ của Đoàn thư ký đại hội:

+ Ghi biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội.

+ Quản lý và phát hành tài liệu có liên quan đến đại hội theo sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch đại hội.

+ Trưởng đoàn thư ký chịu trách nhiệm trước Đoàn chủ tịch đại hội về nhiệm vụ của đoàn thư ký, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

3.5. Giới thiệu Ban thẩm tra tư cách đại biểu và xin ý kiến bằng biểu quyết giơ tay.

Ban thẩm tra tư cách đại biểu là những đại biểu chính thức của đại hội. Đối với đại hội toàn thể đoàn viên thì không bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu, mà Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm báo cáo với đại hội về số lượng và tư cách đoàn viên tham dự đại hội.

Nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu:

Nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến đại biểu dự đại hội, do Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội cung cấp. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu dự đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu xem xét tư cách đại biểu.

Tổng hợp, phân tích và báo cáo về số lượng, chất lượng, cơ cấu và tư cách đại biểu trước đại hội (để thực hiện được nhiệm vụ này ban thẩm tra tư cách đại hội cần phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức đại hội).

Ban thẩm tra tư cách đại biểu xem xét trình bày tại đại hội các đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu dự đại hội gửi đến trước ngày đại hội khai mạc chính thức 10 ngày. Các đơn thư khiếu nại có liên quan đến đại biếu dự đại hội gửi sau ngày khai mạc đại hội 10 ngày, ban thẩm tra tư cách đại biểu không có trách nhiệm giải quyết trong đại hội, mà chuyển Ban chấp hành mới hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

3.6. Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội:

+ Giới thiệu chủ tịch (hoặc phó chủ tịch công đoàn cơ sở) trình bày báo cáo tổng kết hoạt động công đoàn cơ sở nhiệm kỳ trước và phương hướng nhiệm vụ hoạt động công đoàn cơ sở nhiệm kỳ tới.

+ Giới thiệu ban thẩm tra tư cách đại biểu công bố kết quả thẩm tra tư cách đại biểu.

Đại biểu thảo luận tư cách đại biểu và biểu quyết giơ tay. Tư cách đại biểu được công nhận khi có trên 50% số đại biểu chính thức có mặt tại đại hội biểu quyết nhất trí. Trường hợp đại hội toàn thể thì không biểu quyết công nhận tư cách đại biểu.

+ Đoàn chủ tịch hướng dẫn đại biểu thảo luận báo cáo tổng kết, phương hướng, nhiệm vụ của công đoàn cấp mình và báo cáo của công đoàn cấp trên nếu có (chú ý cấn gợi ý các vấn đề đại hội cần tập trung thảo luận).

3.7. Giới thiệu đại biểu Đảng, chính quyền và công đoàn cấp trên phát biểu.

3.8. Tiến hành bầu cử Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Để tiến hành bầu cử Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Đoàn chủ tịch đại hội cần tiến hành một số công việc sau:

+ Nêu tiêu chuẩn ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

+ Báo cáo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử của các tổ công đoàn trực thuộc, các công đoàn bộ phận gửi lên.

+ Xin ý kiến ứng cử, đề cử thêm.

Về quyền đề cử, ứng cử vào Ban châp hành công đoàn cơ sở, theo Điều lệ của Công đoàn Việt Nam khóa X: Tất cả các đoàn viên công đoàn là đại biểu hoặc không là đại biểu dự đại hội đều có quyền ứng cử vào Ban chấp hành công đoàn các cấp. Đối với những người ứng cử không phải là đại biểu đại hội chính thức, thì phải có đơn và nhận xét của Ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi công tác, trích ngang sơ yêu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền gửi cho đoàn chủ tịch đại hội. Riêng bầu cử đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên, thì chỉ bầu những người là đại biểu chính thức của đại hội.

+ Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội có quyền giới thiệu người vào danh sách bầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở khóa mới, giới thiệu người vào danh sách bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên nếu có, nếu Ban chấp hành công đoàn giới thiệu người vào danh sách bầu cử Ban chấp hành hoặc bầu cử vào đoàn đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên thì phải có trách nhiệm cung cấp lý lịch trích ngang từng người được giới thiệu.

+ Các đại biểu chính thức của đại hội có quyền đề cử người là đại biểu hoặc không là đại biểu đại hội vào danh sách bầu Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Trường hợp người được đề cử không phải là đại biểu chính thức của đại hội, thì người giới thiệu có trách nhiệm cung cấp cho đại hội trích ngang sơ yếu lý lịch người mình giới thiệu và nhất thiết phải được sự đồng ý của người được giới thiệu.

+ Đoàn Chủ tịch đại hội có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ danh sách đề cử, ứng cử vào Ban Chấp hành công đoàn cơ sở khóa mới, kể cả những người xin rút khỏi danh sách để đại hội thảo luận chốt danh sách bầu cử vào Ban Chấp hành khóa mới. Danh sách bầu cử vào Ban châp hành công đoàn cơ sở khóa mới được đại hội thông qua bằng biểu quyết giơ tay.

3.9. Đoàn Chủ tịch giới thiệu ban bầu cử, trưởng, phó ban.

Ban bầu cử gồm những đại biểu chính thức trong đại hội và không có tên trong danh sách bầu cử. Đại hội thông qua danh sách ban bầu cử, do Đoàn chủ tịch giới thiệu bằng biểu quyết giơ tay.

- Nhiệm vụ của ban bầu cử.

+ Phổ biến nguyên tắc, thể lệ bầu cử, hướng dẫn cách bỏ phiếu, phát phiếu, kiểm tra thùng phiếu trước khi bỏ phiếu và niêm phong thùng phiếu sau khi bỏ phiếu song (nếu mang thùng phiếu đi nơi khác để kiểm phiếu).

+ Kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử, kết quả trúng cử, niêm phong phiếu bầu, giao cho Đoàn chủ tịch đại hội.

Những người trúng cử vào Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải đạt quá 1/2 số phiếu bầu, trường hợp số người có số phiếu bầu quá 1/2  nhiều hơn số lượng Ủy viên Ban chấp hành đã được đại hội biểu quyết thì người trúng cử được lấy thứ tự từ người có số phiếu cao đến người có số phiếu thấp hơn cho đến khi đủ số lượng. Trường hợp có nhiều người có số phiếu ngang nhau và đều quá 1/2 tổng số phiếu bầu, nhưng chỉ lấy một hoặc một số người cho đủ số lượng cần bầu thì phải xin ý kiến đại hội quyết định bầu tiếp trong số những người có số bầu ngang nhau để chọn người có số phiếu cao hơn (không cần phải đạt số phiếu bầu quá 1/2 so với số phiếu bầu).

3.10. Đại hội tiến hành bầu cử Ban chấp hành, bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có).

Ban bầu cử báo cáo kết quả kiểm phiếu và danh sách trúng cử Ban chấp hành công đoàn cơ sở (bằng biên bản theo mẫu).

3.11. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mới ra mắt và đại diện Ban Chấp hành mới phát biểu.

Đoàn Chủ tịch đại hội có trách nhiệm chỉ định một đồng chí trong Ban Chấp hành mới triệu tập phiên họp Ban chấp hành đầu tiên, để tiến hành công tác tổ chức sau đại hội.

3.12. Thư ký đại hội đọc dự thảo nghị quyết đại hội.

Chủ tịch đoàn thông qua từng vấn đề trong nghị quyết đại hội bằng giơ tay.

3.13. Chủ tịch đoàn bế mạc đại hội công đoàn cơ sở lần thứ nhất.

4. Họp Ban chấp hành công đoàn cơ sở lần thứ nhất.

Nội dung họp Ban chấp hành công đoàn cơ sở lần thứ nhất gồm: Bầu Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Chấp hành, bàn thống nhất lề lối làm việc và chương trình kế hoạch hoạt động công đoàn cơ sở tháng đầu, quý đầu.

- Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam: Chỉ bầu Ban Thường vụ trong số Ủy viên Ban chấp hành và tiến hành bầu bằng bỏ phiếu kín.

Trước khi tiến hành bầu cử Ban thường vụ. Theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, số lượng Ban Thường vụ công đoàn cơ sở không quá 1/3 số Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở…

- Sau khi bầu Ban thường vụ, Ban chấp hành công đoàn cơ sở, tiến hành bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn cơ sở bằng phiếu kín trong số ủy viên Ban Thường vụ. Lưu ý khi tiến hành bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch không tiến hành bầu hai chức danh cùng một phiếu, thủ tục và các bước để tiến hành bầu tương tự như bầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Ban Chấp hành công đoàn cơ sở bầu Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra bằng bỏ phiếu kín.

- Sau khi hoàn thành công tác bầu cử các chức danh, Chủ tịch công đoàn cơ sở mới được bầu thực hiện nhiệm vụ điều khiển cuộc họp Ban chấp hành, nhằm phân công nhiệm vụ cho từng ủy viên BCH công đoàn cơ sở và yêu cầu các ủy viên BCH xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của mình theo nhiệm vụ được phân công. Chủ tịch công đoàn cơ sở điều khiển họp để BCH CĐCS bàn, thống nhất lề lối làm việc, thông qua chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn trong tháng, quý đầu tiên của nhiệm kỳ mới.

- Ban chấp hành CĐCS thông qua nghị quyết đại hội, sau khi đã tiếp thu ý kiến đại hội để hoàn thiện.

- Ngay sau hội nghị Ban chấp hành CĐCS lần thứ nhất, Ban Thường vụ công đoàn khóa mới cần sớm hoàn chỉnh các thủ tục để báo cáo bằng văn bản lên công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận kết quả bầu cử ban Chấp hành công đoàn cơ sở, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra công đoàn.

* Để hoạt động của Công đoàn cơ sở đi vào nề nếp, đạt hiệu quả cao, thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở, Chủ tịch CĐCS cần quan tâm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy chế hoạt động (hoặc bổ sung quy chế đã có) của công đoàn cơ sở và tổ chức thực hiện theo quy chế đó.

Thùy Dương