banner2019
 
Thứ sáu, ngày 01 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 01 tháng 11 năm 2024
Ngành cơ khí, chế tạo trước sức ép đổi mới
Cập nhật lúc 08:00 ngày 30/06/2016

Giống như các lĩnh vực kinh tế khác, ngành cơ khí - chế tạo đang đứng trước sức ép phải đổi mới và tăng năng lực cạnh tranh để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.

                           

Sức ép tăng năng lực cạnh tranh được đặt ra khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, các liên minh kinh tế trong khu vực, trên thế giới đang và sắp có hiệu lực.

Nhìn vào điểm yếu lớn nhất của ngành mình, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn chưa thực hiện được nguyên tắc cơ bản là chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng để mang lại hiệu quả cao. Đây là hậu quả của sự “chia tách” giữa cơ khí quốc doanh, cơ khí dân doanh, cơ khí Trung ương, cơ khí địa phương, cơ khí ngành và cơ khí của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Cũng còn có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác như đầu tư để phát triển ngành cơ khí còn chưa tương xứng; quản lý đối với ngành cơ khí chế tạo không phù hợp dẫn tới năng lực cạnh tranh yếu kém và thích ứng chậm với tiến trình hội nhập.” - ông Thụ phân tích.

Cho đến nay, các chính sách hỗ trợ như đấu thầu, tín dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ hay xây dựng thương hiệu và bảo vệ thị trường cho cơ khí Việt Nam chưa được chú trọng, nên chưa kích thích các doanh nghiệp cơ khí phát triển.

Thậm chí, các doanh nghiệp cơ khí nội địa có phần chịu thua thiệt hơn so với các doanh nghiệp FDI về cơ chế ưu đãi thuế, cho thuê đất kéo dài… nên sau 15 năm xây dựng và phát triển, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam chỉ sản xuất được thép xây dựng chất lượng thấp.

Các sản phẩm cơ khí khác như ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng… chủ yếu chỉ dừng ở mức lắp ráp các linh kiện nhập khẩu, không có thương hiệu “Made in Vietnam” có uy tín để cạnh tranh quốc tế.

Viễn cảnh trở thành một “Trung tâm chế tạo mới của thế giới” đối với Việt Nam sẽ không dễ thực hiện, nếu không có sự thay đổi tư duy của các cấp, ngành quản lý Nhà nước; không có động lực thúc đẩy và ý thức tự vươn lên của các doanh nghiệp cơ khí nội địa.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam cho biết, chỉ bằng con đường chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa đầu tư các dây chuyền thiết bị có trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, với mức độ tự động hóa cao mới có thể sản xuất ra các loại sản phẩm chất lượng cao, ổn định, giá thành hợp lý và không tác động xấu tới môi trường.

Vậy nên, để ngành đúc phát triển mạnh và bền vững, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ và rõ ràng về công tác thị trường, cơ chế đầu tư, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ về tài chính để giúp doanh nghiệp không chỉ có thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới, mà còn có thể chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Hà nhấn mạnh.

 Bà Đàm Thị Hồng Lan, Giám đốc, Công ty tư vấn và kinh doanh Vietbay cho biết, qua hợp tác với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Honda Việt Nam, LG, Samsung SDI, Panasonic, Yamaha Motor Việt Nam, Canon Việt Nam, Công ty cơ khí chính xác Việt Nam 1…, doanh nghiệp nhận ra rằng, để giành thị phần và đứng vững trên thị trường cần phải ứng dụng được thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là công nghệ phần mềm thiết kế, phân tích và gia công sản phẩm. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành và tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Bà Lan nhận định, tại đa phần các doanh nghiệp ngành cơ khí, trình độ và năng lực của đội ngũ kỹ sư thiết kế còn hạn chế. Việc tuân thủ bản quyền sở hữu trí tuệ phần mềm và đầu tư mua sắm hiệu quả vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới năng suất lao động thấp.

Trong khi đó, mẫu mã sản phẩm chậm thay đổi, công nghệ ứng dụng chưa đồng bộ, kỹ sư chưa tận dụng được tối đa khả năng của phần mềm và doanh nghiệp không thấy được hiệu quả đột phá do công nghệ mang lại.

Mong muốn xây dựng thương hiệu đóng mác “Made in Vietnam” và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phụ trợ ra nước ngoài, bà Phan Thị Minh, Giám đốc Công ty Nhật Minh – một trong nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất, thiết kế, gia công khuôn nhựa và khuôn dập chính xác, linh kiện nhựa chính xác cho các công ty như Canon, Kyoei, Fuji Seirok… bày tỏ sự trăn trở, không phải cứ có nhà máy, máy móc là làm được công nghiệp phụ trợ.

Câu chuyện khó và đòi hỏi yếu tố quan trọng nhất là con người, sau mới đến hệ thống và quan điểm của doanh nghiệp. “Sẽ không có thành công nào, nếu chúng ta không đầu tư trước, hy sinh và trả giá trước để có thể được bước chân vào hệ thống của các tập đoàn công nghiệp lớn” - bà Minh nhấn mạnh.

Theo bà Minh, doanh nghiệp cần phải có quyết tâm làm việc khó để có cơ hội học hỏi và nâng tầm chính mình. Với nỗ lực đến cùng trong việc ổn định chất lượng sản phẩm, là hướng đi giúp doanh nghiệp ngành cơ khí phát triển bền vững. Nhà nước cũng cần thay đổi quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà nước không chỉ hỗ trợ, mà nên cùng đầu tư với doanh nghiệp để phát triển. Làm được như thế sẽ giúp doanh nghiệp ngành cơ khí mạnh lên.

Nguồn TC Cơ khính Trang