Theo các chuyên gia, cần có chiến lược tiếp cận tổng thể đối với vấn đề nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam. Trong đó, trọng tâm bao gồm khuyến khích các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính và tri thức tiếp thu và phát triển công nghệ từ trên thế giới đồng thời tạo môi trường lan tỏa tri thức và công nghệ xuống cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước; chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ…
Câu chuyện năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp nhất khu vực và thế giới khiến chúng ta không khỏi giật mình. Theo thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu VND, tăng 6,42% so với năm 2014, bình quân giai đoạn 2005- 2015 tăng 3,9%/năm. Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam vẫn thuộc dạng thấp nhất trong khu vực. Đến năm 2014, NSLĐ của Việt Nam tương đương 40,36% của Trung Quốc, 6,41% của Singapore, 13,56% của Hàn Quốc, 55,58% của Philippines.
Nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ ra như lao động chủ yếu làm việc trong khu vực có năng suất lao động thấp; phương tiện sản xuất chậm đổi mới; chất lượng lao động thấp; môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh. Cụ thể hơn, hiện tại, trên 45% lao động vẫn đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, là khu vực có năng suất lao động thấp nhất trong nền kinh tế. Chưa kể, phần lớn lao động làm trong phần lớn lao động của Việt Nam làm việc ở khu vực kinh tế hộ gia đình phi chính thức.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1.2016 của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đến hết năm 2015 thì có tới gần 70% lực lượng lao động đang làm việc ở Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức. Ước tính, NSLĐ của khu vực phi chính thức chỉ bằng già nửa NSLĐ trung bình của khối doanh nghiệp. Năng suất lao động thấp của khu vực này là yếu tố then chốt làm cho NSLĐ của toàn nền kinh tế thấp.
Ngay trong khu vực doanh nghiệp, năng suất lao động cũng có sự chênh lệch giữa các loại hình doanh nghiệp. Có thể ước lượng NSLĐ của lao động trong các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chỉ bằng khoảng 70% NSLĐ của các doanh nghiệp vừa và lớn. Trong lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta, vốn chiếm lượng lao động đông đảo, hiện nay chủ yếu là hoạt động sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị tăng thêm kết tinh trong sản phẩm rất thấp.
Nếu như đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn của tăng trưởng thì với Việt Nam, công nghệ và sáng tạo vẫn là “vùng trũng nhất” kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014- 2015, Việt Nam được xếp hạng chung là 68, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều. Cụ thể, năng lực hấp thụ công nghệ: 121; Chuyển giao công nghệ từ FDI: 93; Độ sâu của chuỗi giá trị: 112; Mức độ phức tạp của quy trình sản xuất: 116; Chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học: 96;…
Xét về chất lượng lao động, Báo cáo của CIEM cho hay, cả nước hiện có trên 43,1 triệu người, chiếm 81,8% tổng số lao động, chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Trong khi ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 33,7%, thì ở nông thôn chỉ có 11,2%. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động. Bên cạnh tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của nước ta chiếm tỷ lệ thấp, việc khai thác và sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cũng chưa hiệu quả.
Câu chuyện thiếu lao động trình độ cao, công nhân lành nghề trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, đặc biệt là thiếu chuyên gia dự báo, tư vấn pháp luật quốc tế, chuyên gia cấp cao về quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế; thiếu các tổng công trình sư trong các công trình, dự án lớn… vẫn đang là câu chuyện nóng hổi chưa được giải quyết.
Tăng NSLĐ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1.2016 do TS Nguyễn Đình Cung chủ trì soạn thảo đưa ra khuyến nghị, cần có chiến lược tiếp cận tổng thể đối với vấn đề đẩy mạnh nâng cao cao NSLĐ ở Việt Nam. Mũi nhọn của chiến lược chính là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính và tri thức tiếp thu và phát triển công nghệ từ trên thế giới đồng thời tạo môi trường lan tỏa tri thức và công nghệ xuống cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước.
Trọng tâm thứ hai là phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và lớn đồng thời khuyến khích phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ để thu hút lực lượng lao động từ khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức có NSLĐ cao hơn.
Trọng tâm tiếp theo mà Báo cáo của CIEM khuyến nghị là thúc đẩy chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông, lâm, thủy sản có NSLĐ thấp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có NSLĐ cao hơn, nhờ đó tăng NSLĐ nói chung và tạo điều kiện áp dụng sản xuất ở quy mô lớn trong nông nghiệp. Thứ nữa, cần có chính sách tập trung vào mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo dạy nghề để nhanh chóng khắc phục tình trạng phần lớn lao động chưa qua đào tạo.
Trước đó, Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cũng đã nhận định rằng, Việt Nam hiện còn đủ thời cơ để tái khởi động tăng năng suất lao động mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng thu nhập vào năm 2035. Theo đó, cần tiến hành các cải cách có tác động ngay lập tức như phải ưu tiên tăng cường nền tảng kinh tế vi mô của nền kinh tế thị trường Việt Nam và phải đạt được những thành quả quan trọng. Điều này sẽ giúp chặn đà suy giảm tăng năng suất và thông qua việc tạo điều kiện cho sự tham gia mạnh hơn và hiệu quả hơn của khu vực tư nhân, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tiếp theo.
Đi cùng với đó, theo Báo cáo Việt Nam 2035, cần phải thực hiện các cải cách có tác động trong trung hạn. Bao gồm các biện pháp hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc tái cơ cấu đang diễn ra và làm sâu sắc hơn tiến trình hội nhập toàn cầu bằng cách hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực nông nghiệp, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thể chế kinh tế vĩ mô vững chắc và tin cậy hơn. Cuối cùng là cần phải tiến hành những cải cách và đầu tư có tác động trong dài hạn. Trọng tâm lâu dài là khuyến khích học tập và sáng tạo, thúc đẩy tích tụ đô thị và bảo đảm phát triển bền vững về môi trường.
Nguồn molisa.gov.vn