Với tinh thần chủ động nắm bắt tình hình, hiểu rõ thời cơ, thách thức để lường trước và xử lý những khó khăn, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có những giải pháp kịp thời, chủ động “đón” TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Áp lực đến từng ngày
“Việt Nam đã gia nhập TPP, nếu mình không nhanh sẽ tụt hậu, không có sức cạnh tranh, vươn ra thị trường thế giới. Mục tiêu của công ty là đến năm 2018, sản phẩm của Rạng Đông phải vào được các thị trường G7, G20. Muốn vậy, Rạng Đông phải hiểu rõ thị trường cần gì để sản xuất chứ không phải là sản xuất ra hàng hóa rồi mới dò dẫm tìm thị trường. Chúng tôi cảm nhận áp lực gia nhập TPP đến từng ngày”, Quản đốc Xưởng Điện tử - led và điện tử chiếu sáng Nguyễn Hoàng Khiêm, Ủy viên Thường vụ BCH Công đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nói.
Kể từ khi cổ phần hóa, Rạng Đông xác định giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu dựa trên ba chân trụ: Tiềm lực khoa học công nghệ, hệ thống quản trị tiên tiến và phát huy nhân tố con người. Với 26 năm liên tục tăng trưởng, năm 2015, doanh số của Rạng Đông đạt khoảng ba nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty đã hoàn thành chủ trương mua tỷ lệ lớn cổ phiếu RAL giao cho tổ chức công đoàn và đại diện tập thể công nhân lao động của Công ty nắm giữ. Nghĩa là tập thể NLĐ có quyền tự định đoạt vận mệnh của mình. Tết Bính Thân 2016 vừa qua, NLĐ phấn khởi nhận cổ tức bình quân 6,5 triệu đồng/người. Đó là minh chứng sống động nhất, thể hiện giá trị gia tăng mà mỗi NLĐ tự làm nên. Ước mơ của Quản đốc Nguyễn Hoàng Khiêm không phải không có cơ sở khi ba năm liên tục công ty được đứng trong danh sách top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
Quản đốc Nguyễn Hoàng Khiêm chia sẻ: "Trong quá trình hội nhập, chúng tôi xác định những thành công trước đây của công ty là trong môi trường cũ, đối thủ cũ, hoàn cảnh cũ. Khi gia nhập TPP, phải đối mặt cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh trên thế giới, họ hơn chúng ta rất nhiều về kỹ năng quản lý, sản xuất. Vì vậy, muốn giành thắng lợi trên sân nhà, Rạng Đông xác định phải thay đổi. Thay đổi đầu tiên mà mỗi NLĐ có thể tự thực hiện là xây dựng ý thức về một tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật, hình thành tính chuyên nghiệp từ trong tác phong công nghiệp tới hành động thường nhật. Đối với khối quản lý không ngừng nâng cao trình độ, vận dụng kiến thức quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng vào thực tiễn của công ty".
Nhằm tạo ý thức chủ động hội nhập TPP tới từng NLĐ, từng phân xưởng, bên cạnh những thông tin về gương người tốt, việc tốt, công nhân giỏi, các bản tin của công ty đều cập nhật những bài báo, những thông tin về quá trình gia nhập, những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP để NLĐ có thể tiếp cận, tìm hiểu bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào.
Người lao động giữ vai trò quyết định
Năm 2005, Công ty Giày Đông Anh tiến hành cổ phần hóa với mô hình hoạt động mới. Tuy nhiên, do sự mất đoàn kết trong tập thể ban lãnh đạo công ty, suốt tám năm sau đó, nội bộ lục đục, dẫn tới việc làm, thu nhập của NLĐ bấp bênh. Những bữa ăn đạm bạc, các chế độ tai nạn lao động, thai sản chi trả chậm khiến mâu thuẫn, bức xúc của NLĐ, cổ đông đẩy lên đỉnh điểm, dẫn tới những cuộc đình công quy mô lớn. Đến Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2014 - 2019, dưới sự điều hành của Ban quản trị mới, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Công đoàn công ty đã cương quyết, từng bước kiện toàn nhân sự, sáp nhập các phòng ban, chuẩn hóa các quy chế, nội quy, thỏa ước lao động tập thể, khôi phục lại các quan hệ với đối tác. Nhờ vậy, chỉ hai năm sau, đời sống NLĐ đã thay đổi, thu nhập tăng gấp đôi.
Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Giày Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết: "Chúng tôi đã xác định, Công đoàn phải luôn kề vai với chủ sử dụng lao động để làm tất cả những gì tốt nhất cho NLĐ. Là DN gia công cho đối tác nước ngoài, chúng tôi biết họ là người hiểu hơn ai hết việc Việt Nam gia nhập TPP là có lợi cho họ, bởi khi máy móc, con người, môi trường lao động ở Việt Nam được đầu tư, sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Nắm bắt được điều này, Công đoàn luôn đồng hành, chia sẻ với chủ DN cũng như đối tác nước ngoài, để ba bên đi tới quan điểm chung: NLĐ là tài sản quý nhất của mỗi DN, họ chính là những người quyết định sự phát triển, tồn tại bền vững của DN. Do đó, tất cả những đề đạt của tổ chức công đoàn liên quan tới quyền lợi của NLĐ luôn được Ban giám đốc, đối tác lắng nghe, chia sẻ và ủng hộ".
Công nhân Vương Thị Hiền, phân xưởng gò 2 phấn khởi nói: "Tôi vào công ty 14 năm, so với trước đây, mọi chế độ, đời sống của NLĐ đã thay đổi hoàn toàn. Ban giám đốc, công đoàn lo cho NLĐ từng bữa ăn ca, thay đổi thực đơn liên tục, bảo đảm dinh dưỡng, lắp điều hòa trong nhà ăn, xây nhà vệ sinh gần phân xưởng. Công ty còn trang bị máy lọc nước tinh khiết, máy làm sữa đậu nành phục vụ công nhân miễn phí. Tại các phân xưởng, các hệ thống quạt thông gió đều thay mới. Mọi chế độ thai sản, con ốm, được giải quyết ngay khi công nhân quay lại làm việc. Mỗi năm, chúng tôi được công ty cho đi nghỉ mát ba ngày, ngoài ra còn được tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao. Mấy chị em trong phân xưởng cũng nghe nói khi Việt Nam gia nhập TPP, NLĐ được tự mình lập tổ chức NLĐ để đấu tranh bảo vệ quyền lợi, nhưng nếu công ty cứ làm tốt các chế độ, chính sách, quan tâm đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần của NLĐ như hiện nay thì mắc mớ chi mà phải thành lập hội này, đoàn nọ. Thời gian ấy chúng tôi tập trung sản xuất, vừa lợi cho mình, lại góp phần làm cho công ty phát triển...".
Nhanh chóng nhập cuộc
Việt Nam tham gia TPP, cơ hội mở rộng thị trường lao động cho ngành công thương là rất lớn, với khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho NLĐ, nhưng cũng đòi hỏi chất lượng tay nghề, sản phẩm hàng hóa phải được nâng lên. Đồng nghĩa với việc phải nâng cao tiêu chuẩn về lao động, môi trường làm việc. Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng thừa nhận: Không dễ để hình thành một tác phong công nghiệp cho NLĐ theo yêu cầu của các chủ sử dụng LĐ, đặc biệt các chủ DN là các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh tay nghề tốt, NLĐ còn phải đáp ứng được các quy định do TPP đưa ra cũng như các thông lệ quốc tế phải tuân thủ. Công đoàn Công thương nhận thấy đó chính là trách nhiệm của mình trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho NLĐ nâng cao ý thức lao động, kỷ luật lao động, nâng cao tay nghề, tự tạo cho mình cơ hội tốt hơn trong lựa chọn việc làm, thậm chí là ngành nghề. Bởi lẽ, khi gia nhập TPP, sự dịch chuyển lao động do có sự cạnh tranh về đãi ngộ, tiền lương và điều kiện lao động là tất yếu.
Quy định NLĐ được tự nguyện liên kết thành lập tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình cũng là một thách thức lớn đối với cán bộ công đoàn. Ngay sau khi các thỏa thuận TPP đạt được, Công đoàn Công thương đã chủ động chỉ đạo các cấp công đoàn trong toàn hệ thống nắm sát tình hình hoạt động của DN, NLĐ, phối hợp chặt chẽ chủ DN chăm lo đời sống bảo đảm quyền lợi NLĐ. Có gần 95% đơn vị có thỏa ước, hơn 67% các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ như: tăng tiền ăn ca, bảo hộ lao động, môi trường lao động. Đó là những thuận lợi để NLĐ tin tưởng vào hệ thống công đoàn hiện nay. Công đoàn Công Thương tiếp tục chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động tham gia cùng chủ sử dụng lao động trong xây dựng thang bảng lương, xây dựng định mức lao động, các quy chế nội bộ, đặc biệt là xây dựng cơ chế sử dụng các quỹ phúc lợi nhằm chăm lo hơn nữa tới NLĐ.
Công đoàn Công Thương là đơn vị đi đầu trong hệ thống công đoàn, khi xuất bản cuốn sách “TPP - Việc làm, đời sống của NLĐ và hoạt động công đoàn”, được in 50 nghìn cuốn làm tài liệu cẩm nang hết sức hữu ích đối với mỗi cán bộ công đoàn. Đồng thời, giúp NLĐ nhằm kịp thời nắm bắt, hiểu cơ bản về Hiệp định TPP, những thời cơ, thách thức đối với nền kinh tế nói chung, NLĐ và tổ chức công đoàn nói riêng.
Những năm gần đây, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo’’ do các cấp công đoàn ngành Công Thương phối hợp chuyên môn tổ chức đã thật sự trở thành “bảo bối”, kích thích tinh thần làm việc, giúp NLĐ phát huy hết tiềm năng, giúp nhiều DN vượt khó trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Đồng thời, chính NLĐ cũng thể hiện được vai trò quyết định trong việc giữ việc làm và nâng cao thu nhập của mình. Sau nửa nhiệm kỳ, đã có hơn 55 nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 500 tỷ đồng, tiết kiệm nhiều vật tư nguyên vật liệu với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, 315 cá nhân ngành Công thương đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Đáng chú ý, nếu như những năm trước, phần lớn Bằng Lao động sáng tạo được trao cho các cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật thì đến nay, số NLĐ trực tiếp được tặng Bằng Lao động sáng tạo tăng rõ rệt. Nhờ sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu, khắc phục tình trạng hình thức.
Đối diện TPP, các phong trào thi đua thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Trọng tâm là các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ CNH-HĐH nông nghiệp phát triển nông thôn”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… Đặc biệt, phong trào tập hợp ý tưởng sáng tạo, sáng kiến tiết kiệm phải được phát triển lên tầm cao mới, thu hút trí tuệ, phát huy ý tưởng, sáng tạo của NLĐ. Đi cùng với đó là việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Bài và ảnh: Đặng Thanh Hà (Nguồn Báo Nhân dân)