banner2019
 
Thứ sáu, ngày 01 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 01 tháng 11 năm 2024
Nguy cơ kép với thị trường lao động Việt Nam
Cập nhật lúc 08:30 ngày 12/04/2016

Cộng đồng kinh tế ASEAN  (AEC) thành lập, lao động một số nghề được tự do dịch chuyển trong khối. Khi đó, thị trường lao động Việt Nam nhiều khả năng chịu nguy cơ kép, bởi lao động có chất lượng sẽ sang nước khác làm việc, trong khi một số ngành nghề sẽ bị lao động nước ngoài chiếm lĩnh.

  

Có đến 71% lãnh đạo cấp trưởng phòng, giám đốc các công ty đa quốc gia cho biết, họ sẽ chọn Singapore là điểm đến tốt nhất để làm việc. Đây là con số vừa được công bố từ Báo cáo về các cơ hội dịch chuyển lao động đối với nhân sự cấp trung trong AEC, do Navigos Search và En world Group thực hiện đối với hơn 1,600 ứng viên là trưởng phòng, giám đốc từ các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore. 

Mức độ sẵn sàng ở lại làm việc tại nước ngoài của lao động Việt Nam cũng ở mức cao nhất với 48% số người được khảo sát, trong khi đó số người này tại Thái Lan là 32% và Singapore là 40%. Lý do mà họ muốn chọn Singapore làm nơi làm việc đều liên quan trực tiếp đến cơ hội về việc làm với mức lương, thưởng cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành Navigos Search nhận xét: “Việc đội ngũ nhân sự cấp trung người Việt sẵn sàng dịch chuyển nếu có cơ hội việc làm và cũng sẵn sàng ở lại nước tiếp nhận cho thấy, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải đối diện với vấn đề chảy máu chất xám nhất là về đội ngũ nhân sự cấp trung”.

Theo ông Simon Matthews, Giám đốc ManpowerGruop tại Việt Nam, không chỉ nguy cơ cháy máu chất xám, mà Việt Nam còn có nguy cơ lao động mất việc làm ngay trên sân nhà do không cạnh tranh được với lao động các nước trong khối ASEAN. Nếu tính về lợi thế so sánh, thì lao động Việt Nam có khả năng học hỏi nhanh với sự thay đổi. Trong khi đó, người lao động tại Singapore và Thái Lan có thế mạnh về kỹ năng tiếng Anh, tư duy làm việc mang tính toàn cầu và khả năng làm việc độc lập.

Như vậy, về lợi thế so sánh, thế mạnh tự đánh giá người lao động Việt Nam không có nhiều nổi trội để có thể giúp họ tự tin với các cơ hội dịch chuyển việc làm mang tính quốc tế. ASEAN đã hội nhập theo tiêu chuẩn chung, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ chung (tiếng Anh) để sử dụng. Nhưng tiêu chuẩn nghề quốc gia của Việt Nam hiện nay mới có tiếng Việt. Nếu lao động Việt Nam không nâng được tầm chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện thái độ làm việc, kiến thức, kỹ năng thì có thể bị thua ngay trên sân nhà. Lúc đó, lao động của các nước khác sẽ vào Việt Nam, đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tăng lên.

Ba nước Singapore, Thái Lan và Maylaysia được dự báo là điểm đến chính của người lao động sau khi AEC hoạt động. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Châu Á (ADB) dự báo, tới năm 2025, nhu cầu sử dụng lao động có kỹ năng trung bình của Việt Nam sẽ tăng khoảng 28%. Tổ chức ILO cũng đưa ra cảnh báo, khi AEC hoạt động hiệu quả thì những lao động lành nghề được chứng nhận về trình độ, kỹ năng sẽ được di chuyển tự do. Đây sẽ là vấn đề khó khăn cho những nước không đào tạo kịp những lao động lành nghề, trình độ cao và buộc phải chấp nhận lao động di cư.

Khả năng Việt Nam có thể phải tiếp nhận lao động nhập cư là rất lớn, khi mục tiêu trong Luật Giáo dục nghề nghiệp đưa ra phải tới năm 2020, Việt Nam mới xây dựng được các trường chất lượng cao tiếp cận trình độ quốc tế, đồng thời đào tạo các nghề trọng điểm được các nước trong khu vực ASEAN và Thế giới công nhận.

Như vậy, Việt Nam vừa đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám, đồng thời cũng phải đối mặt với việc lao động bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà. Điều này đặt ra với các cơ quan quản lý của Việt Nam phải sớm có biện pháp. Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống dạy nghề phải được đầu tư, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, lao động cho các doanh nghiệp. Vấn đề tiền lương, đãi ngộ với lao động chất lượng cao phải xứng đáng để giữ chân người lao động giỏi. Bên cạnh đó, để bảo vệ các vị trí việc làm trong nước, kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực cho thấy, họ đang xây dựng lên những rào cản kỹ thuật để hạn chế lao động nhập cư. Chẳng hạn, tại Singapore quy định, bên sử dụng lao động phải đăng tuyển dụng tại ngân hàng việc làm Chính phủ ít nhất 14 ngày trước khi được lao động nước ngoài được phép dự tuyển. Còn tại Maylaysia, nếu một kỹ sư muốn đến làm việc ở nước này, cơ quan nhập cư sẽ yêu cầu anh ta chứng minh rằng mình đang làm một công việc hoặc dự án mà trong đó không có người Maylaysia nào đủ năng lực. Ở Thái Lan, nước này có khoảng 40 nghề cấm người nước ngoài làm việc, trong đó có những nghề thuộc nhóm tự do dịch chuyển của ASEAN.

Tương tự, Việt Nam cũng cần có động thái bảo vệ người lao động trong nước như Singapore hay Maylaysia đã và đang thực hiện, nhằm ưu tiên cho lao động trong nước. Việt Nam vừa đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám, đồng thời cũng phải đối mặt với việc lao động bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.

  Dương Tuấn (Theo Báo Đầu tư)