Với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng hợp ý kiến của nhiều bên liên quan.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực.
Điều này nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng không quá 300 giờ/năm.
Phía bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng không vượt quá 300 giờ/năm.
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.
Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng. Đồng thời, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.
Bên cạnh đó là các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất. Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.
Anh Thư (nguồn: laodong.vn)