banner2019
 
Thứ sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024
Thứ sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024
Người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể nghỉ hưu sớm
Cập nhật lúc 08:51 ngày 04/04/2024
Theo đề xuất, người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể nghỉ hưu sớm nếu thuộc nhóm đối tượng sau.
Vừa qua, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định, trong đó có quy định mới liên quan đến người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 đã đóng 20 năm sẽ được hưởng lưu hưu khi đủ 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ.
So với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ hồi tháng 8/2023, bản mới nhất đã thay đổi mốc thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được nghỉ hưu sớm từ trước ngày 1/7/2025 thành trước ngày 1/1/2021. Đồng nghĩa với việc thu hẹp phạm vi người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được nghỉ hưu sớm.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình
Theo quy định hiện nay, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021. Tuổi nghỉ hưu của lao động nam mỗi năm tăng thêm 3 tháng. Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mỗi năm tăng thêm 4 tháng.
Năm 2024, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam đã là 61 tuổi và lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng. Tuổi nghỉ hưu của người lao động tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Như vậy, nếu quy định trên được thông qua, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 đã đóng 20 năm sẽ được về hưu sớm hơn 2 - 5 năm so với người tham gia sau mốc thời gian này.
So với quy định hiện hành, người lao động sẽ được lợi hơn khi không bị trừ tỉ lệ 2% do nghỉ hưu trước tuổi
Quy định này không áp dụng với người lao động thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau ngày 1/1/2021 và người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc muốn hưởng lương hưu vẫn phải đóng đủ 20 năm, sắp tới giảm xuống 15 năm và đủ tuổi về hưu theo lộ trình. Nếu nghỉ hưu sớm trước tuổi, người lao động sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng mỗi năm.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi dừng đóng.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội được điều ước quốc tế công nhận.
Ngọc Châm (nguồn: tapchicongthuong.vn)