banner2019
 
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
Nguyễn Chí Công - “Hạt giống đỏ” của Cao su Đà Nẵng
Cập nhật lúc 02:12 ngày 13/04/2021
Sinh năm 1979, đầu quân vào Công ty CP Cao su Đà Nẵng năm 2003, hơn 17 năm làm công việc của người kỹ thuật cho tới bây giờ, anh Nguyễn Chí Công –Từ Phó giám đốc Xí nghiệp săm lốp xe đạp xe máy, đến nay là Phó giám đốc Xí nghiệp lốp ô tô,  Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã trở thành một trong những “hạt giống đỏ” của Công ty.
Người kỹ sư yêu nghề
Mất khá nhiều thời gian để tôi hẹn gặp được anh Nguyễn Chí Công trong chuyến công tác Đà Nẵng của mình, bởi anh đang gặp phải một chấn thương ở bàn tay trái. “Tay bị thương thế này có ảnh hưởng nhiều đến công việc của anh không?” – tôi hỏi. Anh cười nhẹ trả lời: “Tôi mê chơi guitar để xả stress sau mỗi giờ làm việc căng thẳng nên vết thương này có ảnh hưởng đôi chút. Nhưng công việc thì không, vì tôi luôn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ đồng nghiệp của mình!”.
Trầm tính, nhẹ nhàng nhưng quyết liệt – có lẽ đó là cảm giác đầu tiên của không ít người khi tiếp xúc với người kỹ sư tài năng này. Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Giang - huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, song quá trình công tác của anh  lại gắn liền với mảnh đất Đà Nẵng. Năm 2001, tốt nghiệp Khoa cơ khí chế tạo trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đến năm 2003, anh chính thức làm việc tại DRC.
Với thâm niên công tác, cùng với sự gắn bó, không ít lần trải qua nhiều khó khăn, thử thách, anh đã quyết tâm rèn luyện ý chí, chuyên môn, phấn đấu tìm tòi học hỏi, đặc biệt trong lĩnh vực sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để mang đến lợi ích cho Công ty và người lao động.
“Với đặc thù công việc là Phó giám đốc phụ trách quản lý kỹ thuật nên nhiệm vụ tiên quyết của tôi là nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình “sức khỏe” hằng ngày của máy móc thiết bị. Đây là công việc không thể hiện bề nổi song đòi hỏi sự tận tụy, chính xác để hạn chế mức thấp nhất sự cố máy móc thiết bị, không để tình trạng vì sự cố mà ảnh hưởng đến tiến độ công việc của từng bộ phận trong xí nghiệp” – anh Công chia sẻ.
Sự nghiêm túc gắn bó với công việc đã giúp anh có nhiều sáng kiến làm lợi cho Công ty, giúp tăng năng suất, giảm giá thành, giảm tỉ lệ phế phẩm, góp phần đáng kể tăng cao lợi nhuận. 
Đơn cử, năm 2017, anh có sáng kiến Cải tiến thiết bị ép đùn để thực hiện dán van tự động trên dây chuyền ép đùn săm ф200, hiệu chỉnh hoàn thiện dán van tự động 100% trên các dây chuyền ép đùn. Cụ thể, trước khi có giải pháp, trên dây chuyền ép đùn ф200, phòng Kỹ thuật cơ năng thiết kế, Xí nghiệp cơ khí chế tạo hệ thống đột dán mô phỏng theo dây chuyền ALLWELLl. Tuy nhiên có nhiều chi tiết bất cập, đặc biệt là cơ cấu điều chỉnh dán lệch van khó, dễ gây lệch nên không sử dụng từ khi chế tạo, phải dán van thủ công.
Để khắc phục hạn chế này, anh Công đã nghiên cứu cải tạo các chi tiết máy tại cơ cấu đột dán van, đồng thời thiết kế cơ cấu dẫn động săm linh động phù hợp với thao tác điều chỉnh cho người công nhân, đặc biệt là khi dán lệch van. Thử nghiệm thành công, Xí nghiệp đã áp dụng dán 100% từ tháng 2 năm 2017, mang lại hiệu quả rõ nét.
Ở vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp nhưng Anh luôn lăn xả vào làm cùng nhân viên
Về mặt công nghệ, khi đưa công đoạn dán van tự động vào dây chuyền sản xuất, quá trình thực hiện chuyên nghiệp hơn, các thao tác điều chỉnh dể dàng, giải quyết tốt chất lượng mối ghép van lên thân săm.
Về hiệu quả kinh tế, giải pháp nâng cao được năng suất lao động, giảm được chi phí nhân công phục vụ và vật tư cho công đoạn này, giảm phế phẩm. Giải pháp đã mang lại hơn 600 triệu đồng lợi nhuận chỉ sau 4 tháng áp dụng vào thực tế.  
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục đề xuất áp dụng sáng kiến Quy hoạch lại mặt bằng các máy thành hình theo hướng tập trung, bố trí lại khu vực kiểm lốp vào hoạt động sản xuất. Cụ thể, trước khi có giải pháp, các máy thành hình lốp xe máy tay ga nằm rời rạc nhiều vị trí khác nhau nên việc tổ chức sản xuất rất khó khăn, mất nhiều thời gian, vận chuyển không hiệu quả. 
Mặt bằng của tất cả các khâu trong dây chuyền rất chật chội và cách xa nhau, từ khu vực thành hình, lưu hóa cho đến KCS nên mất rất nhiều công vận chuyển ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Công đoạn vận chuyển bán thành phẩm và thành phẩm đều bằng xe đẩy.
Khắc phục hạn chế này, anh đã đề xuất quy hoạch lại mặt bằng các máy thành hình theo hướng tập trung, bố trí lại khu vực kiểm lốp. Đề xuất lắp đặt hệ thống băng tải băng tải xích để tối ưu hóa quy trình sản xuất từ thành hình đến lưu hóa và từ lưu hóa đến khu vực kiểm tra KCS.
Giải pháp hoàn thiện từ tháng 10/2017, giúp giảm thời gian lưu chuyển bán thành phẩm, thành phẩm, đồng thời tạo mặt bằng làm việc thông thoáng, giảm nhiệt độ môi trường, đặt biệt là đối với khu vực lưu hóa (giảm 5 độ C), đáp ứng yêu cầu sản lượng sản xuất ngày càng cao, đảm bảo sức khỏe người lao động, tăng năng suất lao động. Sáng kiến giúp làm lợi 228.500.000 đồng.
Anh Nguyễn Chí Công (thứ 2 từ phải qua trái) nhận bằng khen của Công đoàn Hóa chất Việt Nam
Mang lại không ít lợi ích cho doanh nghiệp từ những sáng kiến của mình, song anh Nguyễn Chí Công vẫn rất khiêm tốn. Anh nói, đã trở thành cán bộ quản lý thì phải luôn thể hiện vai trò nêu gương thì công nhân mới tiến bộ được.
“Có lúc gặp phải những khó khăn thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua, tôi vẫn vẫn luôn nêu cao bản lĩnh chính trị cách mạng, luôn thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với mong muốn đem hết khả năng của mình để phục vụ Công ty  – anh Công bộc bạch.
Gần gũi, chan hòa với đồng nghiệp
 Ngoài công tác chuyên môn, theo dõi quản lý máy móc thiết bị quản lý, toàn bộ anh em kỹ thuật cơ điện xí nghiệp đến công tác công đoàn luôn được anh thường xuyên quan tâm. Hằng ngày, anh luôn tìm cách để gần gũi với người lao động, quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời mỗi khi gia đình cán bộ công nhân, người lao động trong xí nghiệp có chuyện buồn.
“Tôi quan điểm cho là nhận, nên luôn muốn cùng làm với anh em” – anh Nguyễn Chí Công cười xòa chia sẻ, đồng thời cho biết, dù là quản lý, có những việc không phải của mình nhưng do không có thói quen “chỉ tay 5 ngón” nên anh vẫn lăn xả vào làm cùng nhân viên. Điều này cũng giúp cho công nhân lao động Công ty có thêm kinh nghiệm thực tế sau quá trình công tác.
Với nhiệm vụ được giao, thời gian qua, anh Nguyễn Chí Công được xem là gương điển hình tiên tiến trong công tác lao động sáng tạo. Hằng năm, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh còn trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo xí nghiệp cũng như Công ty những việc mang lại lợi ích thiết thực.
Ngoài ra, các hoạt động phong trào, nhất là phong trào văn hóa văn nghệ anh luôn hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện. Những năm qua dù ở cương vị nào, anh vẫn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.
Nhờ đó, “hạt giống đỏ” của DRC đã 3 lần được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo. Bằng khen Bộ Công Thương, bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam. Trong suốt chặng đường 17 năm qua, anh luôn được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng lao động sáng tạo của Cao su Đà Nẵng.
Trần Bản (nguồn: tapchicongthuong.vn)