banner2019
 
Chủ nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024
Chủ nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024
Cách chọn măng khô an toàn
Cập nhật lúc 10:17 ngày 15/01/2016

Măng khô thường được dùng nhiều trong dịp Tết. Để giúp người dân có bữa ăn an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra một số hướng dẫn khi mua sản phẩm này.

Theo Cục An toàn thực phẩm, gần đây nhiều mẫu măng khô bị phát hiện có tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Lưu huỳnh (hay diêm sinh) thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp hơn. Có trường hợp lại ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm trắng hơn  đánh lừa người tiêu dùng.


Tại Việt Nam, lưu huỳnh được xác định là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá 20mg cho một kg sản phẩm.

Nếu sử dụng thực phẩm có lưu huỳnh nồng độ cao, lâu dài sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, sự phát triển của não… Trường hợp cấp tính thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực…. Nặng hơn có thể gây tổn thương phổi, mắt thậm chí còn gây nhiễm độc máu, suy thận…

Dưới đây là một số hướng dẫn khi chọn măng khô:

1. Chọn măng đảm bảo an toàn thực phẩm

– Măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày. Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được.

– Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.

– Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi nylon có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

2. Nhận biết măng không đảm bảo an toàn thực phẩm

– Măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng, khi ngửi sẽ có mùi SO2 rõ.

– Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.

– Không nên mua măng có màu sắc khác thường.

– Hạn chế mua măng chua trái mùa thu hoạch thông thường.

3. Cách xử lý măng trước khi chế biến

– Măng cần được rửa thật kỹ bằng nước sạch (riêng đối với măng khô cần rửa sạch sau đó đổ ngập nước, ngâm bằng nước ấm hoặc nước gạo trong thời gian một đêm).

– Luộc măng kèm thay nước 2 đến 3 lần (mỗi lần 30 phút).  

– Không sử dụng măng đã bị hỏng, mốc.

 Thu Hằng (St)