banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
CHUYỆN VỀ MỘT PHONG TỤC ĐẸP TRONG ĐÊM GIAO THỪA
Cập nhật lúc 08:43 ngày 19/02/2015

Tôi sinh ra ở một làng quê đồng bằng sông Hồng nhưng tuổi thơ lại gắn liền với rừng cọ, đồi chè trung du Phú Thọ, nơi bố mẹ tôi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Người lớn ai cũng bận, bọn trẻ chúng tôi phải tự bày trò chơi với nhau. Ngày ấy, cọ nhiều lắm. Những cây cọ chen nhau mọc kín các quả đồi nên mới gọi là “rừng cọ”. Dưới bóng cọ râm mát, chúng tôi thả sức chạy nhảy, đùa nghịch, nhặt cả những quả cọ chín, chát xít để ăn, vừa nhăn mặt vừa khen “bùi nhỉ”. Hình ảnh về quê hương chỉ hiện lên qua những lời mẹ kể. Ở nơi xa xôi ấy, có ngôi làng được bao bọc trong những rặng tre già. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Những phiên chợ đông vui tấp nập. Những cái Tết rộn rã tiếng cười. Ừ! Mà chuyện Tết thì nhiều lắm. Ngay sau Giao thừa, không phải ai cũng ở nhà đón năm mới. Vào thời khắc thiêng liêng ấy, có người lại rời nhà đi bán một mặt hàng rất đặc biệt: “ Muối”. 

Ơ! sao lại bán muối sau Giao thừa nhỉ? Với suy nghĩ trẻ con của tôi thì vào giờ đó chỉ có người bán pháo thôi. Mẹ kể, đây là một phong tục do các cụ để lại. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, các cụ bảo thế. Mua muối thì tôi hiểu. Những ngày kháng chiến thật gian khổ, cơm toàn độn sắn, thức ăn quanh năm là đu đủ và măng rừng. Có được tí thịt phải cho rất nhiều muối để ăn dè. Bọn trẻ chúng tôi cũng đã quen với cuộc sống kham khổ ấy rồi. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phải thật tiết kiệm để dành cho các anh bộ đội đánh giặc, cứu nước. Thế còn “mua vôi”, mẹ bảo cả năm tiết kiệm nên cuối năm dành dụm được ít tiền mua vôi, gom góp sửa sang, xây nhà. Phương châm sống của các cụ ngày xưa được truyền lại cho con cháu thật giản dị. Hay thật! “Thế phong tục này có từ bao giờ, hở mẹ?”, mẹ bảo không biết. Ừ! Mẹ quanh năm chân lấm tay bùn, làm sao biết được. Tôi nghĩ, chắc phải có từ lâu lắm rồi, có khi từ thời Vua Hùng cũng nên (!). Tôi mơ ước lớn lên sẽ là nhà sử học để tìm hiểu các câu chuyện của ông cha để lại.

 

Nhưng tôi đã không là nhà nghiên cứu lịch sử mà trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc”. Sau 9 năm trong quân ngũ, tôi chuyển về công tác ở ngành chè. Hình như tôi có duyên với chè, nhưng không phải chỉ có chè Phú Thọ. Tôi đã đi khắp các vùng chè trong cả nước: Chè  Suối Giàng (Yên Bái) với những cây cổ thụ trăm năm tuổi, chè Tủa Chùa (Điện Biên) cao 20-30 mét, chè Bảo Lộc (Lâm Đồng) xanh mơn mởn, ngút tầm mắt, trải dài hàng chục cây số… Cuộc sống sôi động với bao con người, bao miền đất đã lôi cuốn tôi, làm cho tôi quên đi niềm mơ ước của tuổi thơ.

 

Chuẩn bị nghỉ hưu, gia đình tôi chuyển về sống ở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Giảng Võ là một làng cổ do Đức Vua Lý Thái Tổ lập nên khi rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long. Cùng với Liễu Giai, Ngọc Hà, Kim Mã… thành “Thập tam trại” ở phía Tây kinh thành. Giảng Võ có Đình thờ Bà Lý Thị Châu Nương - người con của đất Võ trại, một nữ tướng được Vua Trần Nhân Tông giao làm “Quản trưởng Quốc khố Công chúa” trông coi việc quân lương của triều đình. Bà đã anh dũng hy sinh và được tôn thờ là Thành hoàng làng Giảng Võ. Đình thờ Bà được nhân dân quen gọi là Đình thờ Bà Chúa Kho - Một di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng.

 

“Ai muối ơ..!”. 

Trong cái tĩnh lặng sau Giao thừa, có một tiếng rao trong trẻo vang lên. Tôi giật mình. “Ai muối ơ...!”. Đúng rồi! Tiếng rao của người bán muối trong đêm giao thừa! Những ký ức của tuổi thơ bật dậy rất nhanh. Tôi vội mở cửa bước ra. Người bán muối đây rồi! Ồ đây cái dáng tất tả, nụ cười thật hiền như lời mẹ kể năm xưa, chỉ khác là bây giờ người bán muối không quẩy đôi quang gánh mà đi xe đạp chở những hạt muối trắng ngần được đựng trong túi ni-lon tết nơ hồng rất xinh (thời buổi công nghiệp hóa mà). Tôi mua ngay hai túi muối, nhiều người cũng mở cửa để mua. Không có ai mặc cả, không có ai cân thử, chỉ có tiếng cười và lời chúc mừng năm mới vang lên rộn rã như giữa những người thân quen. À! Vậy ra phong tục này lâu nay vẫn được duy trì ở làng Giảng Võ, chỉ lạ với “dân lính mới”  là tôi  thôi.

 

“Ai muối ơ...!”. 

Tôi nghĩ các cụ ngày xưa tài thật! Để truyền dạy cho con cháu một kinh nghiệm sống, một phương châm tồn tại và phát triển trước những thử thách khắc nghiệt, các cụ đã chọn một cách thật đơn giản, dễ hiểu. Và cái thông điệp ấy lại được thực hiện vào một thời điểm rất đặc biệt, thời khắc chuyển giao thiêng liêng của trời đất, con người: Thời khắc Giao thừa. Thật tài tình, thật hiệu quả! Vì vậy, chỉ trong một đêm thôi, cái thông điệp ấy đã len lỏi vào từng gia đình, từng ngõ xóm, để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm trí con người, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến hôm nay và mai sau...

 

“Ai muối ơ..!”.

 

Nguyễn Khắc Thịnh