banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Những vần thơ của Bác Hồ ca ngợi phụ nữ Việt Nam
Cập nhật lúc 12:15 ngày 01/10/2017
Thơ Bác Hồ viết về phụ nữ, dành cho phụ nữ có những nét riêng phù hợp tâm lý, tình cảm và nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam.

Đầu xuân 1968, sau cuộc họp giao ban tuyên truyền buổi sáng, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) nhắc tôi đến Phòng Tư liệu chỗ ông Phạm Gia tìm những bài thơ của Bác Hồ: “Phụ nữ ca”, “Công nhân ca” , “Quốc tế ca” có câu Hỡi ai nô lệ trên đời/ Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên… từ trước Cách mạng tháng 8/1945, rồi chuyển cho chị Châu Loan, Hồng Lê hát Vè Huế; hoặc chị Kim Đức, Như Hoa hát Tróng quân, Cò Lả… để thêm tiết mục trong chương trình Dân ca.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949.
Tôi đến Phòng Tư liệu, ông Phạm Gia sau khi đưa cho tôi 3 bài thơ ấy, còn đưa một tập đánh máy những bài thơ khác của Hồ Chủ tịch viết về Phụ nữ. Càng đọc chúng tôi càng khâm phục ngòi bút tuyên truyền cổ động của Bác Hồ trong thời kỳ cách mạng còn nhiều khó khăn.
Ngoài 22 bài thơ chúc Tết ngày Xuân hàng năm của Người, thì khối lượng lớn thơ cổ động tuyên truyền được sáng tác liên tục dọc theo đời hoạt động của Bác dành cho nhiều đối tượng, trong đó phụ nữ. Những bài thơ Bác viết về phụ nữ là những bài thơ đặc sắc, xúc động.
Trong những nét chung thơ tuyên truyền cổ động của Bác giản dị, thiết thực, dễ hiểu, có lý, có tình, đậm đà tính chất dân tộc, phù hợp tâm lý, nếp nghĩ nếp cảm và trình độ của đông đảo công chúng nông dân Việt Nam trước cách mạng. Thơ Bác viết về phụ nữ, dành cho phụ nữ lại có những nét riêng phù hợp tâm lý, tình cảm và nguyện vọng của phụ nữ. Tình cảm chân thành, sự cảm hiểu, trân trọng. Đặc biệt là giọng điệu tâm tình vừa khuyên nhủ, vừa khích lệ khiến những bài thơ của Bác có sức truyền cảm và tác động trực tiếp, mạnh mẽ, sâu đậm trong đông đảo giới phụ nữ.
Trong bản diễn ca Lịch sử nước ta, dài 210 câu viết năm 1942, ngợi ca những trang sử hào hùng của dân tộc từ thời dựng nước, qua 4.000 năm lịch sử, Bác đã dành những vần thơ sảng khoái, đầy trân trọng ca ngợi truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường – Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.
Công đức của Bà Trưng, Bà Triệu được trân trong khắc ghi cùng những tấm gương anh hùng của dân tộc: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Phan Đình Phùng...
Hai Bà Trưng có đại tài
Phất cờ khởi nghĩa đánh người tà gian
Ra tay khôi phục giang san
Tiếng thơm ghi tạc đá vàng nước ta
Tỉnh Thanh Hóa có một bà
Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi
Tài năng dũng cảm hơn người
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu hương
Một sự công bằng như vậy để đánh giá, khẳng định vị trí, tài đức và phần đóng góp quý giá của người phụ nữ Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, những lời thơ ấy có tác động không nhỏ đối với đông đảo các thế hệ phụ nữ.
Sau khi Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập, bám sát mười chính sách của mặt trận, Bác sáng tác bài ca dài 212 câu, nhằm tuyên truyền những chính sách mới, tiến bộ về chương trình hoạt động của Việt Minh, trong đó có hai câu thơ ngắn, gọn, dung dị:
Đàn bà cũng được tự do
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền.
Bác đã dõng dạc khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội: Bình đẳng trong cả quyền lợi và nghĩa vụ. Sau bao năm lầm lụi sống trong lễ giáo phong kiến “Trọng nam, khinh nữ”, hai câu thơ của Bác mang ý nghĩa “tuyên ngôn nhân quyền” cho giới phụ nữ, một sự thanh toán sòng phẳng với quá khứ gò bó, trói buộc, để họ có thể tự tin và hồ hởi đi lên cùng dân tộc.
Ngoài những bài ca chung, ở đó phụ nữ được Bác nói như một “giới mạnh”, Bác còn dành viết những bài ca riêng về phụ nữ. Ví như bài thơ “Ca phụ nữ” (đăng báo Việt Nam độc lập, số 4 ngày 1/9/1941) là bài ca đặc sắc. Bài ca khơi gợi truyền thống anh hùng với những cống hiến, hy sinh lớn lao của phụ nữ Việt Nam từ thời tiền sử đến những tấm gương anh dũng tuyệt vời “lòng vàng gang sắt nào đà kém ai?”, rồi trong thời kỳ trứng nước của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân: Kìa như chị Nguyễn Minh Khai/ Bị làm án tử đến hai ba lần.
Và những người phụ nữ mới đang hồ hởi gánh vác những nhiệm vụ lịch sử trọng đại, vừa thiết thực của dân tộc: “Đánh Tàu, đuổi Nhật, cứu dân, cứu nhà”. Bằng giọng tâm tình, Bác vừa khích lệ, vừa đồng thời nhắc nhở trách nhiệm của người phụ nữ; phải kế tiếp được truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam và của cả dân tộc: “Làm cho rõ mặt con Rồng, cháu Tiên”.
Không chỉ đòi hỏi ở phụ nữ sự hy sinh, cống hiến chịu đựng, những vần thơ của Bác cũng đồng thời đề cập tới quyền lợi thực tế của người phụ nữ. Quyền lợi ấy nằm trong và được đặt trong quyền lợi chung của cả dân tộc. Bác phân tích thấu lý đạt tình: “Trước giúp nước, sau giúp mình”. Cái chung và cái riêng, quyền lợi và nghĩa vụ, tình và lý...
Sự hòa quyện tuyệt diệu, nhuần nhị ấy khiến thơ Bác, do vậy không chỉ dừng lại ở sự kêu gọi, tuyên truyền mà có sức nặng của những chân lý cụ thể và thiết thực. Thơ có sự thấm đậm sâu trong suy tư, tình cảm và có sức gọi khơi, nhân dậy tiềm năng đóng góp của phụ nữ. Sức thuyết phục và khả năng động viên, giục giã đó là sức mạnh đặc biệt tiềm ẩn trong thơ tuyên truyền của Bác.
Là trung tâm của gia đình, sức mạnh của người phụ nữ không chỉ là sức mạnh của riêng họ mà còn là sức mạnh vô biên, tiềm ẩn có thể nhân dậy sức mạnh ở chồng, ở con, ở cháu… một sức mạnh của “hậu phương”. Người lính ra trận sẽ chỉ thực sự yên lòng, chỉ thực sự có sức mạnh khi hậu phương của mình vững chãi. An ủi, động viên, làm ấm lòng người đi chiến đấu, không ai có thể thay thế được vị trí ấy của người vợ, người mẹ.
Ý thức sâu sắc về vị trí đặc biệt và sức mạnh tuyệt diệu đó của phụ nữ, Bác luôn có ý thức thông qua phụ nữ để tuyên truyền, vận động các giới, các đối tượng khác. Với bài “Thơ vợ gửi chồng đi làm cách mạng”, sức nặng thơ Bác được nhân lên qua tình cảm và lời nhắn nhủ thủ thỉ, thân thương, thấm thía của người vợ: “Em xin anh chớ phiền lòng/ Em tuy hèn yếu quyết thay chồng tranh đấu đến nơi”.
Sự tự nguyện ấy chỉ có được khi người phụ nữ hiểu thấu ý nghĩa công việc chồng chị đang gánh vác: “Vì anh tranh đấu mấy phen/ Vì anh mong giải phóng cho cháu Tiên, con Rồng”, chỉ có được khi chị đã thấy tương lai. Cái đích ở chặng cuối của những hy sinh, chịu đựng ấy là sự chiến thắng, là cuộc sống sum họp, hạnh phúc: “Mai sau anh trở lại nhà/ Ánh trăng càng tỏ, màu hoa càng nồng”.
Tình cảm cách mạng mới mẻ, chân thành, sự phân tích thấu lý đạt tình đã có sức chuyển tải cả một nội dung mới, không khí đời sống mới, tâm tư tình cảm của những người phụ nữ mới trong những vần thơ dung dị nôm na. Bài thơ, do vậy, từ những câu đầu rất gần với hơi thơ Chinh phụ ngâm: “Anh hỡi anh, chồng hỡi chồng/ Từ ngày ly biệt thiếp nay trông, mai chờ/ Cha già, mẹ yếu, con thơ/ Nuôi già dạy trẻ em cậy nhờ vào đâu?...
Đến cuối bài, đã bừng trỗi dậy những tình cảm cách mạng trong trẻo, khỏe khoắn không ngờ.
Mượn những gì đã đến và bắt rễ sâu trong đời sống tinh thần của dân tộc, truyền thống thơ ca dân gian, để truyền đạt trực tiếp, để chuyển tải những nội dung mới của cách mạng, những vần thơ của Bác do vậy có thể tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới quần chúng bằng con đường ngắn nhất.
Ngồi nghe lại những bài thơ tuyên truyền của Bác Hồ được các nghệ sĩ quen thuộc hát theo các làn điệu dân ca ba miền Bắc Trung Nam phát trên sóng Đài TNVN, tôi càng thấm thía thêm về nghiệp vụ báo chí mà mình đã và đang theo đuổi, dù thời gian và không gian có khác nhau.
Làm thơ vốn không phải là mục đích duy nhất và cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, hiểu rõ tác động mạnh mẽ của thơ ca, dùng thơ ca làm một phương tiện tuyên truyền, phục vụ cho cách mạng, kháng chiến, đó lại là ý thức thường trực của Bác, là mục đích quán xuyến của thơ Bác.
Đó cũng là nét riêng độc đáo trong toàn bộ thơ ca cổ động, tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta./.
Nhạc sĩ Dân Huyền