banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Hồ Chí Minh - Biểu tượng bản lĩnh Việt Nam
Cập nhật lúc 01:49 ngày 19/05/2022
Cách nay gần 111 năm, vào ngày 5-6-1911, con tàu buôn của Pháp (Latouche-Tréville) rời Bến cảng Nhà Rồng, mang theo một con người đặc biệt, sau này được nước Pháp khắc họa chân dung trên bức tường thời đại, được vinh danh là một trong những người làm nên thế kỷ XX. Người đó là Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí, bản lĩnh và niềm tin dân tộc Việt Nam trường tồn vượt qua mọi thách thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu
1. Thế kỷ XX là thế kỷ của thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ thực dân, đế quốc, phát xít, mở ra chân trời mới cho các dân tộc bị áp bức, thống trị ở hầu khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh.
Trong dòng thác cách mạng ấy, lịch sử thế giới không thể không nhắc tới Hồ Chí Minh và Việt Nam. Bởi chính Hồ Chí Minh là người mở lối thoát khỏi lịch sử mất nước cho dân tộc Việt Nam. Suốt quãng đời 79 tuổi với hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Người đã sống trọn đời mình với ý chí: Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Mục tiêu lịch sử, mục tiêu thời đại được thắp sáng từ truyền thống yêu nước thương nòi, được thổi bùng thành ngọn lửa cách mạng vô sản, được bồi đắp bằng sự trải nghiệm cuộc sống lao động tự kiếm sống để nuôi hoài bão cách mạng, tham gia lăn xả vào phong trào cộng sản quốc tế, tiếp cận và lĩnh hội tinh hoa văn hóa thế giới, đặc biệt đỉnh cao là sự giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, khi đối mặt với thực dân đế quốc, hay phải lao động cực khổ nơi đất khách quê người, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc vẫn không hề nao núng, nhất quyết đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Khi đã định hình được con đường giải phóng dân tộc là theo cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc gấp rút chuẩn bị các điều kiện thành lập chính Đảng vô sản ở Việt Nam. Một mặt tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, mặt khác Người tổ chức tập huấn bồi dưỡng lý luận cách mạng cho những hạt giống đỏ của cách mạng vô sản ở Việt Nam, đặt tiền đề cho hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, khởi thảo các văn kiện đầu tiên của Đảng. Khi điều kiện cho phép, Người thay mặt Quốc tế Cộng sản đứng ra triệu tập, chủ trì thành công Hội nghị thành lập Đảng, tránh được nguy cơ nhãn tiền về sự cát cứ, phân rã lực lượng lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam.
15 năm trực tiếp lãnh đạo cách mạng chuẩn bị các điều kiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hồ Chí Minh cũng cho thấy ý chí giải phóng dân tộc không gì lay chuyển được. Dù phải náu mình trong hang đá và rừng sâu để nuôi chí vùng lên cướp chính quyền; dù phải chịu sự hành hạ, tra tấn thể xác trong lao tù đế quốc, nhưng trong tâm trí của Người vẫn là “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Cười cợt với đau khổ, đó chỉ có thể là tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của bậc đại trí, đại nhân, đặt Tổ quốc và đồng bào trong con tim, khối óc người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc tầm vóc quốc tế. Có như thế, Hồ Chí Minh mới đủ tầm đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay quần chúng cách mạng.
Khi đã ở tư thế một dân tộc thực sự độc lập, Hồ Chí Minh hóa thân vào tầm vóc một chế độ mới, tuy còn non trẻ nhưng đã đủ nguồn lực nội sinh, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để kiên cường đánh bại thù trong giặc ngoài. Hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống những siêu cường đế quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục là biểu tượng của ngọn lửa yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, khát vọng hòa bình, thống nhất. Tự lực, tự cường, lấy sức ta mà giải phóng cho ta là tư tưởng chủ đạo, làm nên biểu tượng Việt Nam, hiện thân cho phẩm giá và lương tri nhân loại, đủ sức quét sạch quân xâm lược, làm nên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tiên phong, ngược dòng thử thách lịch sử, làm rạng ngời chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
2. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh là biểu tượng tinh thần của dân tộc Việt Nam từ cõi chết đã được hồi sinh bằng chính nội lực của mình. Ngày 2-9-1969, Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng tôn kính, biết ơn, tiếc thương vô hạn mà đồng bào ta trên mọi miền đất nước dành cho vị lãnh tụ tinh thần của mình khi Người trở về “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”. Khác với các vị vua trong chế độ phong kiến, Hồ Chí Minh là biểu tượng của một vị lãnh tụ trong lòng dân, giản dị trong cách ăn mặc nhưng thật đằm thắm, trìu mến trong giao tiếp, ứng xử với người dân và cán bộ, chiến sĩ; rất minh triết trong đối ngoại với khách quốc tế. Hồ Chí Minh có một nơi chôn nhau cắt rốn, lưu giữ tuổi thơ, nhưng nỗi lòng của Người bao trùm tới mọi vùng miền Tổ quốc, là nhịp cầu nối đưa văn hóa Việt Nam giao thoa với văn hóa nhân loại.
Sở dĩ Hồ Chí Minh là hiện thân sự khơi nguồn văn hóa Việt Nam trở thành một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là vì Người luôn coi tất thảy mọi cộng đồng dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam như cây một cội, như con một nhà, nghĩa đồng bào được Người coi là điều thiêng liêng nhất. Người biết đau nỗi đau khi dân đói rách, bệnh tật; Người thấy vui khi dưới bàn tay bắt nhịp của mình, muôn triệu đồng bào ca bài ca kết đoàn không chỉ bằng lời mà bằng nhịp đập của trái tim yêu nước, thương nòi. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, Người biết khai phóng tinh thần hiếu học. Một dân tộc yếu là một dân tộc cam chịu bị ngoại bang thống trị, Người làm cho dân ta ngẩng cao đầu “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người còn tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang mang bản chất và sức mạnh chiến tranh nhân dân. Một dân tộc lạc hậu là vì chưa được thúc đẩy khoa học, công nghệ, Người khích lệ và tổ chức cho con em nhân dân được đến trường, đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Một dân tộc thiếu văn minh là một dân tộc khư khư ôm lấy hủ tục, Người làm cho đồng bào mình thấy được sự cần thiết dựng xây nền văn hóa mới gắn với kiến tạo chế độ mới, do con người mới có đủ đức, đủ tài làm chủ nhân đất nước. Từ thân phận vong quốc nô, không cam chịu làm tôi đòi cho thực dân đế quốc, Hồ Chí Minh đã giác ngộ, đoàn kết, tạo sức mạnh “Phù Đổng” đánh đuổi quân xâm lược, không e dè đưa bàn tay bít họng đại bác ngay trên đất nước của kẻ thù xâm lăng.
Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, đó là sự công bằng của lịch sử. Dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên Hồ Chí Minh từ truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm và chính Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam, đồng thời còn là hiện thân cho nền văn hóa yêu thương đồng loại, xây nền hòa bình nhân loại. Khát vọng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam cũng như của những người cùng khổ được hiện thực hóa bằng cuộc đấu tranh kiên định, đầy hy sinh gian khổ, hết đời này qua đời khác với bao thách thức, khó khăn, quyết tâm đi tới cùng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc vạn lý trường chinh để đưa dân tộc mình thoát khỏi bóng đêm thực dân, phong kiến, Hồ Chí Minh luôn hướng về tương lai với niềm tin tất thắng. Đó là niềm tin có lý trí, tình cảm và bản lĩnh, được bồi đắp trên nền tảng văn hóa yêu nước, giải phóng giai cấp, gắn liền với giải phóng dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý trí, tình cảm và bản lĩnh của Hồ Chí Minh nâng lên tầm cao thời đại là chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, cao cả, kết nối các dân tộc bị áp bức xích lại gần nhau, đoàn kết muôn dân nước Việt dưới cờ Đảng quang vinh, tạo thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ cuốn phăng, nhấn chìm mọi kẻ thù, mở ra tương lai tươi sáng cho dân tộc, cho nhân loại.
Hồ Chí Minh là biểu tượng cho văn hóa Việt Nam, hiện tại và tương lai, đồng thời cũng là ánh đuốc soi đường cho hết thảy mọi dân tộc, mọi giai tầng xã hội đã và đang khát vọng kiến tạo cuộc sống hòa bình, tự lực, tự cường, phồn vinh, hạnh phúc. Ý chí tự lực, tự cường, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính là sự kết tinh truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa.
Hồ Chí Minh là ngọn đuốc văn hóa soi sáng lịch sử dân tộc Việt Nam đi từ đêm trường nô lệ ra cánh đồng vui của độc lập, tự do. Thời đại mà chúng ta đã và đang sống là thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là tiền đồ lịch sử được Đảng, Bác Hồ chỉ lối soi đường; là nền tảng, bệ phóng cho Việt Nam tiếp tục vượt thách thức vững bước đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Hà Nội Mới