banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023): Học tập đạo đức Hồ Chí Minh từ những điều giản dị!
Cập nhật lúc 08:18 ngày 19/05/2023
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Báo New York Times, số ra ngày Chủ nhật 28-3-1965, trong bài Bác Hồ bất chấp chú Sam, đã viết: "Khuất trong rặng hoa và cây xanh bao quanh tòa nhà của cựu Toàn quyền Pháp ở Hà Nội là một ngôi nhà nhỏ với những đồ đạc giản dị. Trước đây là căn phòng của người làm vuờn, nay là nhà của một cụ già mảnh khảnh có nụ cười luôn ấm lòng người khác. Cụ chính là người đã phá tan hệ thống thuộc địa Pháp ở Đông Dương và giờ đây lại bất chấp sức mạnh của Mỹ trong cuộc chiến tranh mới, có thể là tiền đề cho một sự sụp đổ hoặc một chiến thắng vĩ đại nhất" – Một nhận xét rất khách quan của người nước ngoài về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Học tập Bác nếu chỉ dừng ở việc học những lời dạy của Bác thôi thì chưa đủ. Bên cạnh những bài viết, bài nói thể hiện tư tưởng, đường lối cách mạng, thì chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là minh chứng sinh động nhất, dễ thuyết phục nhất. Vì như Người đã viết: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có đủ tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Và chính người là biểu tượng cao đẹp của một công bộc của Nhân dân, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho dân tộc.
Học tập Bác, trước hết chúng ta học tập đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu vì Nhân dân của Bác. Bác luôn coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Cái lớn nhất trong đạo đức của Bác là hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cả cuộc đời Bác chỉ có một ham muốn tột bậc là “... làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Học tập Bác chúng ta học phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, học cách xử thế, ứng xử với bạn bè, đồng chí, với người thân, với cán bộ, với nhân dân... Có những chi tiết về cuộc sống đời thường của một vị chủ tịch nước chúng ta cũng nên biết để hiểu về Bác đầy đủ hơn. Ở mỗi con người nếu không biết yêu quý, hiếu thảo với cha mẹ, anh em mình thì làm sao có tình thương yêu và sự cảm thông đối với nhân loại. Bác đã cống hiến cả đời cho cách mạng, tới lúc đi xa chỉ tiếc một điều là không được phục vụ Nhân dân nhiều hơn nữa.
Vì công việc cách mạng Bác chưa kịp có một gia đình riêng thì tuổi đã già, nhưng không phải Người không quan tâm đến vấn đề này. Trong một buổi tối rét lạnh ở núi rừng Việt Bắc, bên bếp lửa hồng, Người trầm ngâm suy nghĩ rồi tâm sự với các cộng sự của mình: “Mình cũng chẳng phải thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người, nhưng với hoàn cảnh này còn điều kiện nào nghĩ tới gia đình... nhưng thôi, gia đình nhỏ chưa thể được, thì ta lo cho gia đình lớn đi vậy”. Bác phát biểu điều này khi vừa ủng hộ tác thành cho một đôi anh chị trong chính phủ. Dù không có gia đình, nhưng Bác lại là người rất tâm lý, dễ cảm thông. Ông Hoàng Đạo Thúy, một người đã có những năm tháng được làm việc gần Bác kể lại, Bác sĩ Chánh, người đã có nhiều năm phục vụ Bác xúc động kể lại, có lần Bác đã cử ông đến công tác gần nơi bà Liên, vợ ông làm việc, với thiện ý để bác sĩ có dịp ghé thăm vợ. Nhưng bác sĩ Chánh lại là người rất nghiêm túc. Xong việc ông về luôn. Khi trở về Bác hỏi: chú ghé thăm cô ấy có khỏe không? Khi biết ông không vào thăm vợ, Bác phê bình luôn: “Chú làm như thế không được, đã tới đó mà không ghé thăm cô ấy, động viên, thăm hỏi để cô ấy yên tâm, phấn khởi công tác” lại một điều bất ngờ đối với ông, phục vụ Bác nhiều năm mà ông chưa hiểu Bác, một người rất chu đáo, nặng nghĩa tình”.
Dẫn ra một số những câu chuyện trên để chúng ta hiểu thêm về Bác. Bác chăm lo những việc lớn của đất nước, song những việc nhỏ Người cũng không quên. Đó là nét đẹp đời thường của một vị Chủ tịch nước. Đó là những điều chúng ta nên học bên cạnh học những điều lớn lao mà Bác đã dạy chúng ta. Có ai đó chưa hiểu hết về Bác, viết và nói chưa đúng về Bác là không nên. Có những bài viết đi sâu tìm hiểu về đời sống riêng tư của Bác nhưng lại sử dụng nguồn tư liệu chưa thật sự đáng tin cậy là một điều đáng tiếc, có thể gây ra sự hiểu lầm nào đó. Tuy nhiên, chúng ta cần khẳng định đạo đức của Bác luôn sáng ngời, trong sáng và rất đáng để tất cả mọi người trân trọng, học tập và làm theo.
Khi nói học tập đạo đức trong sáng của Bác, chúng ta học đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, học đức giản dị khiêm tốn của Người. Cuộc sống của Người giản dị, thanh bạch. Một ngôi nhà sàn nho nhỏ ẩn giữa lùm cây, bên ao cá. Những bữa cơm đơn giản, thanh đạm, bên cạnh vài người giúp việc. Đó là cuộc sống thanh tao, lịch lãm, văn hóa. Nhưng đó không phải là cuộc sống khắc khổ, theo kiểu tu hành. Một cuộc sống giản dị nhưng tâm hồn lại vô cùng phong phú, bao la nhân ái. Những tấm ảnh về cuộc sống đời thường trong quãng thời gian 15 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch được phát hành rộng rãi cũng minh chứng cho những điều này. Đó là những hình ảnh Bác ngồi làm việc giữa giàn hoa Phủ Chủ tịch; Bác đang quây quần giữa các cháu thiếu nhi ngày 1- 6; Bác đang cuốc đất tăng gia cùng cán bộ nhân viên trong cơ quan; Bác ngồi cho cá ăn bên bờ ao; Bác cầm bình tưới cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng Người... Đứng ở cương vị cao nhất của Đảng, của đất nước nhưng Bác đến với mọi người một cách rất bình dị, tự nhiên, không nghi thức, màu mè: gặp gỡ nông dân đang cấy thì Người cũng bỏ dép, xắn quần, lội xuống ruộng hoặc nắm chắc tay gàu sòng tưới nước mà không ngỡ ngàng, lúng túng; Người còn bế em nhỏ hoặc ngồi bón cơm cho trẻ như bất kỳ một người bình thường nào ta gặp… Và chính tác phong quần chúng bình dị ấy như có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng đến với nhau, hiểu nhau, đồng cảm với nhau.
Học tập Bác, chúng ta học tinh thần học tập, phấn đấu kiên trì, không mệt mỏi, quyết tâm thực hiện cho bằng được mục đích của mình. Khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, Bác bắt đầu một cuộc sống vất vả, khó khăn. Người kiên trì học tập, trau dồi kiến thức và quan sát. Từ lúc làm phụ bếp trên tàu, Bác đã phải học ngoại ngữ bằng nhiều cách, trong đó có cả sáng kiến viết chữ lên cánh tay để vừa làm vừa có thể học. Sau này, kể cả khi Người đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học. Đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Người cũng kể lại, trước mỗi chuyến đi công tác nước ngoài, đến những nước mà Người không biết tiếng nước đó, bao giờ Người cũng phải học lấy mấy câu chào hỏi và nói rất chuẩn. Nên đến nơi, Người xóa ngay khoảng cách giữa khách và chủ nhà và gây được nhiều tình cảm tốt đẹp.
Bác đã dạy cán bộ: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy không đúng. 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời”. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[5]. Cả cuộc đời Bác là sự vận dụng sáng tạo những điều đã học vào thực tiễn cách mạng. Với một kho tri thức rộng lớn cộng với những kinh nghiệm tích lũy được mà Bác đã có những dự đoán chính xác và đưa ra những quyết định sáng suốt trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của cả một quá trình kiên trì học hỏi, phân tích, đúc kết, chứ không phải Người sinh ra đã là một ông thánh như một số người đã nói và viết.
Bác là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhưng đồng thời là một nghệ sĩ, một họa sĩ, một nhà thơ. Cả cuộc đời Người theo đuổi những hoài bão lớn: Độc lập cho dân tộc, tự do cơm áo cho đồng bào, nhưng cuộc sống của Người lại giản dị, yêu thương con người, yêu thiên nhiên và sống lạc quan. Cuộc đời hoạt động của Bác trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng với những bước thăng trầm của cách mạng Việt Nam. 79 mùa xuân của Bác là một bản anh hùng ca bất diệt. Vĩ đại là thế nhưng Người thật gần gũi với mỗi chúng ta. Chúng ta luôn hình dung được đôi mắt sáng, nụ cười hiền và cảm thấy được tình cảm yêu thương, nhân ái, bao dung độ lượng của Người. Tất cả những điều đó sẽ tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống đời thường, trong cuộc sống hàng ngày. Những câu chuyện thường ngày về Bác, mỗi câu chuyện có những ý nghĩa khác nhau. Chắt lọc từ những câu chuyện tưởng là nhỏ ấy, chúng ta thấy được bao nhiêu điều lớn lao để suy nghĩ, để học theo Bác và làm theo Bác.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại ấn tượng sâu sắc lần đầu tiên gặp Bác Hồ: “Khi gặp Bác, nay nhớ lại, tôi không thấy một vẻ gì lạ hoặc đặc biệt, như trước đây tôi hằng tưởng tượng, mà chỉ thấy, chỉ gặp một phong cách, một cảm tưởng trong sáng, giản dị và cho mãi về sau này, trong công tác trực tiếp với Bác, cái phong cách trong sáng, giản dị ấy ở Bác, tôi vẫn giữ được một cảm giác nguyên như ngày mới gặp. Tôi mới gặp đồng chí Vương lần đầu, nhưng thấy từ phút đầu đã gần gũi ngay, rất gần như đã quen từ lâu. Tôi nghĩ rằng con người vĩ đại thì lúc nào cũng giản dị, giản dị đến không bao giờ có gì là đặc biệt cả”[6]. Biết ơn Người, chúng ta nguyện đi theo con đường mà Người đã chọn, cố gắng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất có thể chức trách nhiệm vụ được giao. Xứng đáng với niềm tin cậy của Nhân dân và trọng trách mà người đảng viên luôn phấn đấu hoàn thành.
Sưu tầm