banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Xuân về nhớ những lời dạy của Bác đối với giai cấp công nhân và Công đoàn VN
Cập nhật lúc 08:31 ngày 27/01/2017

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bất kỳ ở giai đoạn nào, Bác Hồ cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Mùa xuân nhớ Bác, chúng ta cùng nhau ôn lại những lời dạy của Người đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam để càng thêm tự hào, thêm tin tưởng, thêm quyết tâm vững bước trên con đường Bác đã chọn.

“Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam” (Ba mươi năm hoạt động của Đảng).


“Trong công cuộc  kháng chiến và kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ mới, giai cấp công nhân phải là người lãnh đạo. Vì vậy mọi nam nữ công nhân phải cố gắng học hỏi tiến bộ, phải cố gắng xung phong làm kiểu mẫu trong mọi việc, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của giai cấp mình”. (Thư Bác Hồ gửi Đại hội CĐ toàn quốc lần thứ nhất, ngày 23 tháng 2 năm 1950)

“Khi công nhân và cán bộ đưa hết tinh thần và lực lượng để tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để làm trọn nhiệm vụ của người chủ, thì công đoàn cũng phải làm trọn nhiệm vụ của mình đối với họ. Cán bộ công đoàn phải thực hiện “bốn cùng” với công nhân. Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ, phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh…” (Bài phát biểu của Bác tại Đại hội CĐ toàn quốc lần thứ II, ngày 27 tháng 2 năm 1961)

“Công đoàn là trường học tiến lên  chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Công đoàn sẽ giáo dục cho công nhân nam nữ biết quản lý nhà máy của mình”. (Bài nói chuyện của Bác với cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24 tháng 4 năm 1957)

“ Là giai cấp lãnh đạo cách mạng, là chủ lực sản xuất kinh tế, công nhân phải ra sức thi đua tăng năng suất, giữ gìn máy móc, bảo vệ xí nghiệp, thi hành đúng kỷ luật lao động. Đó là con đường đi đến cải thiện đời sống cho nhân dân và giai cấp mình”. (Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân TP Hải Phòng, ngày 2 tháng 6 năm 1955).

“Lực lượng cách mạng – lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân, vì họ là người trực tiếp sản xuất tất cả mọi tài phú làm cho xã hội sống. Vì họ đông hơn hết, mà cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn hết. Vì chí khí cách mạng của họ chắc chắn, bền bỉ hơn mọi tầng lớp khác. Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của tri thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc). Thí dụ: cần có thấy thuốc để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; cần có thầy giáo để dạy văn hóa và đào tạo cán bộ; cần có kỹ sư để xây dựng kinh tế... Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối.

Chế độ thực dân và phong kiến đã cố ý tách rời trí thức ra ngoài khối công nông. Chúng đã tạo ra ý thức “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”. Chúng lợi dụng trí thức trong bộ máy thống trị của chúng. Chia rẽ lao động trí óc với lao động chân tay, đó cũng là chính sách “chia để trị”. Ngày nay, chúng ta cần phải xóa bỏ  dần sự tách rời đó, cần phải làm cho những người lao động (lao động trí óc và lao động chân tay) đoàn kết chặt chẽ với nhau, để cùng nhau xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp”. (Nói chuyện với anh em trí thức ở lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 21 tháng 7 năm 1956)

“Về đạo đức cộng sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nhà nước, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô, lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua tốt, nhiều, mau, rẻ. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiêm tra. Cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn…

Vẫn còn một số cán bộ lạm dụng chức quyền, quan liêu, xa rời quần chúng. Ngay trong công đoàn cũng có cán bộ mắc thiếu sót trên, làm cho đời sống quần chúng thêm khó khăn. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự quan tâm đến đời sống quần chúng. Ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khăn còn nhiều và lâu dài. Cán bộ, công nhân viên chức nhất là cán bộ công đoàn phải thấy hết tình hình khách quan đó mà ra sức vận động công nhân viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt khó khăn để chống Mỹ, cứu nước và xay dựng chủ vnghiax xã hội.

Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật..”.  (Bài nói chuyện của Bác với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, ngay18 tháng 7 năm 1969).