banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Bí quyết xây dựng niềm tin ở công sở
Cập nhật lúc 10:10 ngày 15/01/2016

Xây dựng niềm tin nơi công sở giữa bạn với sếp và đồng nghiệp là một chìa khóa quan trọng không chỉ để bạn duy trì công việc, mà còn để bạn được thăng tiến và đạt tới những mức lương, thưởng, đãi ngộ… tốt hơn trong dài hạn.

Khi bạn xây dựng được một hình ảnh một nhân viên đáng tin cậy, và quan trọng hơn là một con người đáng tin cậy, bạn sẽ được nhìn nhận với sự tôn trọng cao hơn trong môi trường công sở, thậm chí là cao hơn cả người ở cấp trên bạn hoặc có bằng cấp “xịn” hơn bạn.

 

Dưới đây là 5 bí quyết giúp bạn xây dựng niềm tin ở nơi làm việc, đều là những bước rất dễ áp dụng:

1. Quan tâm tới những mục tiêu chung

Trước hết, hãy cho mọi người thấy bạn thực sự quan tâm tới các mục tiêu của công ty nói chung và của phòng ban mà bạn đang làm việc nói riêng, thay vì chỉ khư khư phục vụ những mục tiêu của cá nhân. Đây là một cách hữu hiệu để bạn xây dựng niềm tin với các đồng nghiệp và nhà quản lý.

Việc bạn lúc nào cũng chỉ phục vụ những lợi ích riêng của bản thân rất dễ dẫn tới việc bạn giảm độ tin cậy trong mắt những người xung quanh, cho dù bạn là nhân viên làm việc chăm chỉ nhất. Khi một người nào đó trong công ty tìm cách vươn lên bất chấp thiệt hại đối với người khác, cả công ty nói chung sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, một nguyên tắc trong công việc là, hãy nghĩ tới “chúng tôi”, thay vì “tôi”.

2. Trung thực trong mọi vấn đề

Có lẽ đây là cách dễ nhất và hiệu quả nhất giúp bạn xây dựng niềm tin cả trong công việc lẫn cuộc sống. Hãy luôn nhớ nói sự thật. Việc bịa đặt hay nói dối những chuyện lặt vặt tưởng chừng như không ai chú ý và chẳng ảnh hưởng đến ai chung quy vẫn là nói dối. Hãy cung cấp những thông tin trung thực và đưa ra câu trả lời trung thực khi bạn được hỏi, cho dù việc đó không đem lại lợi ích gì cho bạn.

Ngoài ra, hãy trung thực với chính bản thân về năng lực làm việc của bạn. Đừng kéo dài thời gian dùng bữa trưa quá quy định hay nghỉ ngơi quá nhiều trong giờ làm việc, thổi phồng những báo cáo về chi phí, hay dành nửa ngày làm việc trên Facebook chỉ vì cho rằng sẽ chẳng có ai để ý đến bạn. Những việc này rốt cục sẽ bị để ý, cho dù chẳng ai nói một lời nào.

3. Nhất quán trong lời nói và hành động

Việc quan tâm tới những lợi ích chung và sống trung thực chỉ đem lại hiệu quả xây dựng niềm tin nếu bạn luôn nhất quán  cả về lời nói lẫn hành động. Nếu đã nói điều gì, hãy làm đúng như thế, và nếu không thực hiện được lời hứa, hãy tỏ ra thành thật vì lý do bạn không (hoặc không thể) đưa lời hứa của mình trở thành sự thật.

Ngoài ra, hãy nhất quán trong những việc đúng đắn mà bạn có thẻ làm. Nếu bạn có thể đưa ra những quyết định hay có những hành động giúp ích cho công ty hoặc một cá nhân cụ thể nào đó, cho dù việc này đòi hỏi bạn phải hy sinh đôi chút, hãy làm việc đó. Sự nhất quan sẽ đem tới cho bạn sự tôn trọng – một trong những  yếu tố quan trọng nhất tạo nên niềm tin.

4. Đối xử bình đẳng với các đồng nghiệp

Cho dù bạn ở vị trí nào, hãy đối xử đồng nghiệp với tất cả những người làm việc xung quanh bạn. Từ nhân viên lễ tân cho tới cấp trên, những đồng nghiệp mới hay những người đã làm việc lâu năm, ai cũng có một vị trí riêng và quan trọng đối với công ty, và họ nên được đối xử bình đẳng như nhau. Hãy gọi các đồng nghiệp của bạn bằng tên và cố gắng nhớ tên của vợ/chồng, con cái họ. Điều đó không có nghĩa là bạn soi mói, mà là để có những cuộc nói chuyện thân mật khi có điều kiện, và cũng để gây ấn tượng tốt với đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, hãy xây dựng hình ảnh của bạn như một người có thể giúp ích cho các động nghiệp trong toàn công ty, một người để tìm đến khi xảy ra vấn đề. Nếu nhân viên lễ tân có một ngày bận rộn và căng thẳng, bạn có thể giúp cô ấy chuyển một vài lá thư tới nơi nhận trong công ty, hoặc giúp cô ấy lấy thêm văn phòng phẩm từ văn phòng. Bạn cũng có thể giúp cô ấy vận hành máy copy, chuẩn bị phòng họp, hay bất cứ việc gì để cô ấy đỡ bận hơn. Chỉ cần làm việc nhỏ mỗi ngày để giúp người khác, bạn đã có thể giành được sự tôn trọng và tin tưởng của đồng nghiệp.

5. Đưa ra những đánh giá hợp lý

Trong xây dựng niềm tin, một điều quan trọng là bạn cần phải biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm, chuyện gì có thể chia sẻ và chuyện gì không. Để làm được điều đó, bạn cần có những đánh giá hợp lý, thay vì học theo sách vở. Hãy bảo vệ những thông tin mà bạn cần bảo vệ, chỉ tiết lộ những chuyện mà bạn cho là phù hợp để nói ra, và đừng đứng về bên nào trong những chuyện bạn không cần thiết phải tham gia vào. Trong những tình huống có mâu thuẫn, bạn cần cân nhắc để biết khi nào bạn nên đứng về một phía xứng đáng với lòng trung thành của bạn. Nếu bạn là một người trung thực và nhất quán, thì biết đánh giá hợp lý sẽ là bản tính thứ hai của bạn.

Xây dựng niềm tin ở nơi làm việc nên được đưa trở thành một công việc hàng ngày. Việc này sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích, cả trên phương diện cá nhân và sự nghiệp của bạn.

 An Tâm (St)