banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Quốc tế Lao động (1/5): "Ngày làm việc 8 giờ" và hành trình 130 năm
Cập nhật lúc 06:34 ngày 28/04/2016

Hàng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Kỷ niệm 130 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về lịch sử và ý nghĩa của ngày Quốc tế lao động và phong trào công nhân toàn thế giới. 

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới bởi nó khẳng định, bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động, cổ vũ họ đoàn kết, sát cánh bên nhau đấu tranh cho sự công bằng, chính nghĩa. Đó cũng chính là lý do và ý nghĩa của việc ra đời Ngày Quốc tế Lao động

 

Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9/1866 vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. 

Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh – nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.

Ngày 1/5/1886, 124 năm trước, 40 nghìn công nhân thành phố Chicago (Mỹ) đồng loạt bãi công với khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ, 8 giờ nghỉ, 8 giờ học", rồi lan sang các Trung tâm công nghiệp khác như New York, Washington…với hàng chục vạn người tham gia. 

Mặc dù ở nhiều nơi, phong trào đã bị đàn áp đẫm máu song khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ" trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân thế giới, cổ vũ người lao động quyết đấu tranh và giành được các lợi ích chính đáng của mình.

Mặc dù cuộc bãi công ở Chicago bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Chicago . 

Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Ngày 1/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa được coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Và từ năm 1975 đến nay thật là một sự trùng hợp mang ý nghĩa to lớn: Ngày 1 tháng 5  hàng năm luôn được kỷ niệm gắn với ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất hoàn toàn đất nước.

Với bản chất tốt đẹp của mình, ngày Quốc tế lao động luôn tự khẳng định được giá trị trong mọi thời gian. Đó thực sự là ngày hội, ngày đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong nước và trên toàn thế giới, phấn đấu cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Xem chi tiết tài liệu tuyên truyền 130 năm ngày Quốc tế Lao động tại đây