banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Tổ chức tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên
Cập nhật lúc 01:27 ngày 12/05/2015

Sau mỗi kỳ Đại hội, các cấp công đoàn đều có sự biến động về đội ngũ cán bộ. Số cán bộ mới được bổ sung vào Ban Chấp hành có nơi chiếm tới 70%, trong đó nhiều đồng chí làm đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành, được trúng cử chủ tịch CĐCS.

Nhằm giúp các đông chí cán bô mới tham gia hoạt động nắm được nghiệp vụ công tác công đoàn, xin trân trọng giới thiệu một số nội dung trong công tác công đoàn cơ sở để tham khảo.


Vì sao phải phát triển đoàn viên

Đoàn viên là sức mạnh của một tổ chức, một đoàn thể. Bởi vậy, nếu một CĐCS có số đoàn viên chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động của doanh nghiệp thì không đạt được mục đích chính của việc thành lập CĐCS với tư cách là một tổ chức đại diện của tập thể người lao động tại doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Đoàn viên ít cũng sẽ không tập hợp được người lao động, không tạo được sức mạnh để hoạt động, không thể hoàn thành được nhiệm vụ công đoàn. Bởi vậy ta có thể nói rằng phát triển đoàn viên là một nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm trong hoạt động công đoàn.

Mục tiêu, nội dung của buôi tuyên truyền

Mục tiêu quan trọng nhất của một buổi tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên mà bất cứ cán bộ công đoàn nào khi tiến hành tuyên truyền vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn cũng phải đặt ra và đạt được đó là sau buổi tuyên truyền, người lao động hiểu được những lợi ích của họ khi tham gia tổ chức công đoàn. Để đạt được mục tiêu đó, cán bộ tuyên truyền cần đi sâu vào ba nội dung chính là:

- Chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí của công đoàn Việt Nam và công đoàn cơ sở. Trong nội dung này cần khẳng định: CĐCS là tập thể đại diện của tập thể người lao động tại doanh nghiệp có nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà, ổn định trong doanh nghiệp.

 - Quyền lợi, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn..

-  Thủ tục gia nhập công đoàn. Trong nội dung này, cán bộ tuyên truyền nên hướng dẫn người lao động tự viết đơn hoặc điền vào mẫu “đơn xin gia nhập công đoàn” do BCH CĐCS cung cấp.

Thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành

Để buổi tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn đạt kết quả tốt, cán bộ tuyên truyền cần dự kiến thời gian, chuẩn bị địa điểm và phương pháp tiến hành phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Cần lưu ý rằng, thời gian không nên quá ngắn hoặc quá dài (khoảng 30 đến 45 phút là vừa), cán bộ tuyên truyền không nên nói rông dài mà đi ngay vào nội dung; lời mở đầu cần hết sức tự nhiên, hấp dẫn, tạo được không khí cởi mở, tin tưởng lẫn nhau. Địa điểm tổ chức tuyên truyền linh hoạt, có thể tổ chức bất cứ chỗ nào miễn là thuận tiện cho ngưồi lao động tham dự.

Tuyên truyền có nhiều phương pháp, hiện nay phần lớn cán bộ tuyên truyền sử dụng phương pháp thuyết trình và thuyết trình có sự tham gia của ngưòi được thuyết trình. Để thuyết trình tốt, cán bộ tuyên truyền cần xây dựng được “kịch bản” hay. Muốn có kịch bản hay cán bộ tuyên truyền cần tìm hiểu “đối tượng tuyên truyền” về tuổi tác, giới tính, trình độ, công việc, sở thích, hoàn cảnh gia đình…vv đồng thời chuẩn bị các phương tiên hỗ trợ như huy hiệu công đoàn, tờ gấp giới thiệu về công đoàn, mẫu đơn xin gia nhập…

Ngôn ngữ trong thuyết trình cần lưu ý sử dụng ngôn ngữ giản dị, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, trình độ của người nghe. Dẫn chứng minh hoạ nhất thiết phảI là người thực, việc thực (có địa chỉ, tên nhân vật rõ ràng), không được phép cường điệu hay tô vẽ và nên chọn những dẫn chứng gần gũi, mọi người đều biết. Khi trả lời câu hỏi của người nghe cần hết sức bình tĩnh, tránh lúng túng. Nội dung trả lời nên hướng tới thoả mãn đông đảo người nghe.

Khi gặp câu hỏi “thiếu thiện chí” không nên nổi nóng, mà bình tĩnh phân tích đúng, sai hoặc chỉ ra sự vô lý của câu hỏi. Nên nhớ rằng một buổi thuyết trình đạt kết quả không phảI là người thuyết trình nói được nhiều hay ít mà là người nghe “nghe được những gì” và có thay đổi nhận thức như thế nào về công đoàn.

Thanh Hương