banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Chuyện của thời xa lắm
Cập nhật lúc 01:17 ngày 11/05/2015

Bề bộn với bao công việc sau ngày chồng mất, tưởng đã quên những kỷ niệm xưa, nhưng từ lúc gặp lại ông lòng bà bỗng thấy xốn xang. Hóa ra tình yêu vẫn chưa tắt trong bà.


Trời đêm thật oi nồng.

Bà Tơ trằn trọc không ngủ, vẩn vơ nghĩ về lúc tình cờ gặp người ấy trên đồng dâu sau nhiều năm xa cách.

Nói xa nhiều năm cũng không hẳn đúng vì năm nào người ấy chả về thăm quê. Dù không chạm mặt, nhưng tin tức người ta bà vẫn biết khá rành.Thật ra, bà có chút ngại ngần nên tránh mặt, nhưng mỗi bận nghe tin người ta về lòng vẫn thấy nao nao.Bà khẽ cười về thái độ lúng túng của mình ban chiều khi từ ruộng dâu bước ra bất ngờ gặp người ấy. Thoáng chút ngỡ ngàng rồi người ấy nói như reo: đì đấy à! Sao không đứng trên bục giảng mà lại ra đồng vặt dâu thế?”. Bà sựng lại giây lát rồi cất giọng đanh đá: “Ai là dì của anh, nói thế không sợ người ta cười cho à.Hết chăn trẻ thì vặt dâu chăn tằm có sao đâu”. Người ấy cười, vẫn nụ cười cố hữu, nửa hiền lành, nửa ranh mãnh: “Nếu không là dì thì bây giờ mình đâu đến nỗi phải đứng thộn mặt nhìn nhau thế này. Dù sao thì cũng vì mối quan hệ “dây mơ rễ má” ngày ấy mình đã không thể vượt qua dì nhỉ.” Bà cười, giọng trở lại tự nhiên hơn: “Lại dì, sao hồi ấy anh bảo mình chỉ là họ hàng “đại bác bắn không tới”, giờ lại cứ dì dì, cháu cháu nghe xót cả ruột.” Người ấy cười dàn hòa: “Thôi, tha cho tôi, đừng đanh đá thế. Dì…à gia đình Tơ dạo này ra sao? Các cháu chắc lớn cả rồi nhỉ !” Bà nguýt ông thật dài: “Giờ thì thành bà nội, bà ngoại rồi.Còn anh?” Người ấy vui vẻ đáp lời bà: “Thế thì chúc mừng bà nội, bà ngoại nhé !”

Những hình ảnh ấy cứ xoắn xuýt trong tâm tưởng, khiến bà không sao dỗ được giấc ngủ. Dù không còn trẻ nữa nhưng mỗi lần nghĩ về người ấy lòng bà vẫn thấy xốn xang.Cũng phải thôi, dù sao thì bà và người ta đã có một thời tuổi trẻ đầy ắp kỷ niệm nơi quê nhà… Tơ đứng lăng yên nghe tiếng tằm ăn. Vừa rải dâu đến nong cuối thì nong đầu chỉ còn trơ cọng. Ông bà ta vẫn bảo : “Ăn như tằm ăn dỗi” quả không sai.Nghe tiếng tằm ăn rào rào lòng chợt thấy vui vui, niềm vui mà trước đây hơn ba mươi năm dù đứng bên nong tằm mỗi ngày bà không hề cảm nhận được.Kỷ niệm thời con gái với những mơ ước vời xa chợt hiện ra…

Đấy là những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt. Lũ học trò phải học vào ban đêm vì ban ngày máy bay giặc thường ném bom, bất kể là công trình quân sự, khu dân cư hay trường học.Mồi đêm tan trường tay xách đèn, tay ôm vở tung tăng chạy trên đường thật vui. Tuy không học cùng lớp nhưng Tơ và Quang rất thân nhau. Tuổi mười sáu vụng dại, vô tư thật đáng yêu.Đêm khuya, ánh đèn trên tay lũ học trò nhảy múa trông ma quái nhưng nhìn cũng thật đẹp mắt.Quang không nhớ từ lúc nào mình thích chơi với Tơ, con bé người nhỏ như hột mít, tóc thì hoe hoe vàng và bước đi lúc nào cũng vội.Hình như lúc cậu lên lớp bảy còn Tơ học lớp sáu Quang mới chợt nhận ra con bé còi cọc bỗng nhiên  “trổ mã”,lớn phổng  và đẹp hẳn ra. Từ đấy trái tim cậu cứ run lên mỗi khi bắt gặp ánh mắt Tơ nhìn mình.Giờ tan trường hai đứa lùi lại sau các bạn, vui vẻ nắm tay nhau suốt quảng đường về. Dù cố giữ kín nhưng lũ bạn cũng thừa tinh quái để nhận ra tình cảm của Quang và Tơ, có điều chúng tảng lờ như không biết mà thôi.Những năm tuổi trẻ ở quê nhà sao mà đẹp thế, khi ra đồng, lúc tới trường hai đứa thường quấn quýt bên nhau. Vào tối thứ bảy, chủ nhật bếp nhà Tơ ríu ran tiếng cười.Bà Son lặng lẽ ngồi quay tơ,mắt nhìn con âu yếm.Khi những sợi tơ từ các ổ kén được rút hết những chú nhộng mập ú nổi lềnh phềnh trong nồi nước thì Tơ nhanh tay vớt ra xào, rắc thêm một chú lá chanh non xắt nhuyễn, mùi lá chanh thơm nức khiến món nhộng càng thêm hấp dẫn. Bây giờ, ngay lúc này nhớ về những kỷ niệm của thời con gái xa xôi ấy Tơ vẫn cảm thấy vị béo ngậy của món nhộng  và nét mặt nửa trẻ con, nửa người lớn của Quang khi nhăn mũi hít hà món đặc sản làng quê.

 Chuyện tình của Quang và Tơ đến tai bà nội, bà nghiêm giọng đe: “Nó là dì mày đấy con ạ ! Đừng chàng màng nữa, thiên hạ cười cho.” Quang thực sự bất ngờ trước sự răn đe của bà, cậu e dè hỏi: “Cháu có nghe ai nói nhà mình, nhà ấy có họ hàng gì với nhau đâu.Như vậy là sao hả bà?” Nghe cháu hỏi, bà không chịu giải thích chỉ nạt ngang: “Đừng lục vấn, bà bảo họ hàng là họ hàng.” Quang vẫn thắc mắc: “Họ hàng gì đại bác bắn không tới chứ !” Bà lườm Quang gắt: “Xa gần gì cũng họ hàng, bà cấm” Thấy bà quá quyết liệt Quang đâm hoảng, cậu mang chuyện này kể với Tơ, cô lo lắng bảo: “Để Tơ hỏi mẹ xem sao.”

Bà Son quả quyết với Tơ rằng họ hàng đã xa lắm rồi nhưng vẫn dè dặt khuyên con: “Nhà người ta đã nói thế mẹ chả biết khuyên con thế nào nữa. Chắc bà nội thằng Quang thấy nhà mình nghèo nên chê thôi. Mà mối quan hệ dòng tộc ở nhà quê cứ như “dây mơ rễ má” nên cũng khó trách bà ấy”. Khổ nỗi Tơ và Quang lại không dễ gì quay lưng với nhau khi trong tim họ tình yêu đang dạt dào.

Những tưởng tình yêu của con trẻ sẽ làm mềm lòng bà, nhưng Quang đã lầm. Biết Quang và Tơ vẫn còn yêu nhau, bà giận cháu, giận luôn cả gia đình cô. Năm Quang học lớp mười, còn Tơ bước vào năm thứ hai trung cấp sư phạm thì thì sự việc bùng nổ. Bà nội của Quang nhiều lần vào tận nhà lớn tiếng với bố mẹ Tơ. Bà còn thề độc trước bố mẹ Quang và các anh em trong nhà: “Bà và ông nội bay chết chúng bay mới lấy được nhau, hãy nhớ lấy”. Hết cách, và không muốn bị người khác xem thường nhà mình, bà Son khuyên con dứt khoát với Quang. Tơ cũng nhận thấy tình yêu của mình với Quang thật khó được chấp nhận vì sự cố chấp của người lớn.

Tối hôm ấy trên triền đê, cô buồn rầu nói với Quang: “Bà đã kiên quyết như vậy chúng mình đành chịu thôi, nhưng dù sao thì em vẫn mãi yêu anh.” Quang bối rối lau những giọt nước mắt nhòe trên má cô. Dù yêu nhau từ lâu nhưng chưa bao giờ Tơ gọi Quang là anh và xưng em như lúc này. Cậu lạnh người chợt hiểu, thế là Tơ đã quyết định rồi. Tiếng anh nghe thật ngọt ngào nhưng cũng cay đắng làm sao. Tơ gục đầu lên vai Quang thổn thức, cậu choàng tay ngang lưng cô hít một hơi thật dài hương hoa bưởi vương trên tóc người yêu giọng thật buồn: “Tơ đừng khóc nữa, buồn lắm.Quang sẽ thuyết phục bà chuyện của chúng mình…” Tơ ngắt lời Quang: “Ý bà đã quyết, khó thể đổi dời. Dù sao chúng mình đã có những năm tháng yêu nhau thật tuyệt vời. Dù đi đâu, về đâu hãy nhớ về nhau nhé anh.”…

Sau tết Mậu Thân, Quang tình nguyện nhập ngũ. Nhiều người, trong đó không ít bạn trai, bạn gái cho rằng cậu buồn tình nên vào lính. Mặc thiên hạ bình phẩm, Quang chẳng thanh minh. Hết chiến tranh trở về, kỳ lạ thay người đầu tiên ở làng mà Quang gặp là Tơ. Lúc ấy trời vừa nhá nhem tối, vừa từ đường lớn rẽ vào làng thì thấy Tơ bồng con từ trong nhà  bước ra cổng. Ngỡ ngàng, mừng vui và buồn tủi, nước mắt Tơ rơi lả chả khi nhận ra anh. Quang bước đến bên Tơ, tinh nghịch đùa với chú nhóc chừng hai tuổi trên tay nàng: “Con của dì à? Kháu quá ! Dượng có nhà không?”. Nghe Quang hỏi nàng chợt tỉnh, đưa tay quệt vội nước mắt lúng túng đáp: “Anh về được lâu không? Vô nhà đi, có anh Tiên đấy !”

Quang theo nàng vào nhà, căn nhà lá tuềnh toàng bên triền sông. Chồng nàng, anh Tiên cũng đi bộ đội từ năm 1964, đến 1972 thì xuất ngũ do bị thương ở mặt trận Quảng Trị, giờ mở tiệm sửa xe tại nhà. Là người cùng xã, dù xa nhau lâu ngày nhưng vừa gặp là nhận ra liền. Tiên vui vẻ bắt tay Quang rồi nói: “Mình nhớ hồi nhỏ chú là đứa nghịch đáo để lắm nhé ! Chuyện của chú và Tơ, cô ấy có kể với mình. Mà ở cái làng này ai chả biết ngày ấy hai người yêu nhau, cuộc tình lại gặp nhiều trắc trở như xem tiểu thuyết diễm tình ấy. Nhưng thôi, duyên phận mà. Ở lại uống với vợ chồng mình chén rượu nhạt mừng ngày hội ngộ nhé !” Quang lúng tứng từ chối: “Cám ơn dì và dượng, tôi phải về, lúc khác sẽ ra chơi lâu hơn. Đang nóng lòng gặp gia đình có ngồi uống rượu cũng mất ngon”. Quang mở  ba lô lấy gói kẹo cho hai chú nhóc rồi ra về. Tơ tiễn anh ra cổng níu áo khẽ nhắc: “Anh nhớ ra chơi nhé, thất hứa là em từ”. Quang cười: “Thì dì đã từ tôi từ hồi sáu tám (1968) rồi còn gì. Nhất định tôi phải ra uống với vợ chồng dì một bữa rượu ra trò mà”. Tơ đỏ mặt khẽ gắt: “Cứ dì với dượng mãi nghe nhạt phèo, anh không còn câu gì để nói nữa à? Em cấm đấy, nhớ chưa?”

 Sau lần gặp ấy, mỗi bận về quê Quang tránh gặp Tơ. Anh ngại Tiên hiểu lầm, vì thế mấy chục năm qua, họ chưa một lần trò chuyện. Còn Tơ thì lại nghĩ giờ người ta đã có một gia đình hạnh phúc, mình cũng chẳng nên dằn vặt mãi chuyện xưa làm gì. Tiên là một người chồng tốt, nhưng tình yêu mình dành cho anh ấy thật chưa trọn vẹn. Biết làm sao được, trái tim mình Quang đã mang đi từ độ ấy rồi. Tơ biết chồng hiểu điều ấy nhưng anh không nói ra mà thôi. Họ sống với nhau trọn nghĩa vợ chồng và trách nhiệm với các con.Từ ngày chồng mất, đôi lúc Tơ cũng cảm thấy chống chếnh, cũng may các con đã trưởng thành. Bề bộn với bao công việc sau ngày chồng mất, tưởng đã quên những kỷ niệm xưa, nhưng từ lúc gặp lại ông lòng bà bỗng thấy xốn xang. Hóa ra tình yêu vẫn chưa tắt trong bà.

Sau nhiều đắn đo, Quang quyết định ra thăm bà. Ông nghĩ giờ hai đưa đã thành ông, thành bà cả rồi chẳng còn gì phải e ngại nữa. Tuổi ông bây giờ theo phong tục xưa đủ tư cách ngồi giữa chiếu ở đình làng, trẻ trung gì nữa mà dúng dắng tình xưa. Nghĩ là vậy, nhưng gần đến cổng nhà bà đôi chân ông chợt líu ríu khó đi.

 Nghe tiếng chó sủa, Tơ từ trong nhà bước ra. Nhìn thấy Quang đang loay hoay tỏ cử chỉ thân thiện với con chó trước cổng, bà bật cười nạt: “Cún con, im nào ! Anh vào nhà đi, nó hiền lắm, đừng sợ”. Ông cười đáp lời bà: “Mỹ tôi còn dám đánh thì mắc mớ chì sợ con cún nhà dì. Nhà vắng quá, các cháu đi làm chưa về à? Ôi, tằm đang ăn dỗi kìa!” Bà khúc khích cười, tiếng cười rất vui: “Anh vẫn còn nhớ tằm ăn dỗi kia à? Hai thằng lớn đã có gia đình rồi, còn cái Lan đi hái dâu, giờ thì hai mẹ con chỉ loay hoay bên những nong tằm thôi”. Giọng Quang nghe xa vắng: “Mấy chục năm xa cách giờ mới được đứng bên nong tằm. Xem chúng ăn kìa, thích thật. Chỉ tiếc bây giờ ở làng người ta bán kén chứ không quay tơ nên chẳng còn nhộng mà ăn”. Bà khẽ cười giải thích: “Bán kén tuy tiện nhưng dễ bị người ta ép giá. Em tính sẽ quay tơ như mẹ ngày xưa, kén thì không thể để lâu nhưng tơ thì khác, đợi được giá mới bán anh ạ. Lần sau anh ra, em đãi món nhộng xào lá chanh xúc bánh đa. Nuôi tằm bây giờ sợ nhất mua phải giống kém, lơ mơ lỗ vốn liền. Anh ngồi chơi chờ em rải xong nong tằm này đã nhé”. Ông cười trêu bà: “Trông dì chả khác lúc đứng bên nong tằm hồi ấy…”. Bà cười khẽ: “Lại dì, còn trẻ trung gì nữa mà giống hồi xưa, già cốc đế rồi. Mà nhanh thật anh nhỉ, mới đó đã hơn ba mươi năm”. Ông trầm ngâm một lúc rồi mới đáp lời bà: “Ừ, nhanh thật. Hồi ấy nếu mình cứ đợi đến lúc bà về với tổ tiên có lẽ phải đến “ngoại tứ tuần”mới nên…”. Bà ngắt lời ông: “Đừng trách bà nữa anh, thời của chúng mình vượt qua tập tục ấy không dễ.Kể về anh đi, đừng để em “lục vấn” chứ” Quang thủng thẳng đáp: “Thì cũng lấy vợ, sinh con, cũng sống như thiên hạ… Các cháu lớn cả rồi, nỗi lo cơm áo gạo tiền giờ không đến nỗi cuống quýt như xưa. Ông vừa nói vừa chăm chú nhìn đôi tay rải dâu của bà vẫn nhanh nhẹn như thuở nào lòng bỗng thấy nao nao.

Xong viêc, bà đến ngồi cạnh ông lặng lẽ nhìn ra sân. Chắc bà đang mơ về những kỷ niệm thời xa lắm, ông còn cảm nhận được cả tiếng thở dài dù bà cố kìm nén. Ông biết bà không thể quên ông và ông cũng vậy, làm sao có thể quên tình yêu và những kỷ niệm thuở thiếu thời kia chứ. Dù tình yêu vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bổn phận mách bảo họ đâu là giới hạn để dừng lại trước những luyến ái tầm thường. Mãi gần tối ông mới chào bà ra về. Bà giật mình thảng thốt, líu ríu đứng dậy tiễn ông. Họ chia tay trong im lặng, những điều cần nói tự trái tim đã nói cả rồi.

 Lâu rồi bà mới có ngày vui như thế. Ông về đã lâu nhưng bà vẫn ngồi nhìn mông lung ra sân. Trên trời những chùm sao đã lung linh tỏa sáng. Thời gian như ngừng trôi, bà vẫn ngồi như thế thả hồn về với kỷ niệm thời tuổi trẻ. Bất chợt bà khẽ cười, hình ảnh cậu trai cao kều lũ bạn vẫn kêu là “cò hương” bây giờ tuổi không còn trẻ, gặp lại vẫn ranh mãnh như thuở nào. Mãi vui, bà chợt giật thót mình khi nghe tiếng con gái: “Mẹ có chuyện gì vui mà ngồi cười một mình thế?” Bà lúng túng đáp lời con: “Chỉ ăn nói vớ vẫn có chuyện gì đâu con”. Cái Lan vẫn khúc khích cười trêu mẹ: “Con biết rồi, bác Quang ra chơi hả mẹ?”. Bà hiểu sự nhạy cảm của con khẽ đáp: “Ừ, bác ra thăm mẹ, con có buồn không?”Lan nhí nhảnh: “Con tin vào tình cảm của bác ấy và mẹ. Mà sao con lại phải buồn khi hai người là bạn tốt của nhau chứ”. Bà vui vẻ cười khẽ mắng yêu con: “Con bé này đáo để thật. Mà con nghĩ thế cũng phải, bác ấy và mẹ chỉ mãi là bạn tốt của nhau thôi.”

Hoàng Long