banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Giá trị của niềm tin từ bài học nước Nhật
Cập nhật lúc 11:38 ngày 25/05/2015

Nước Nhật đã phải trải qua một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử, nhưng trong thời khắc khó khăn đó, người dân Nhật đã cho thế giới thấy được những phẩm chất cao đẹp và đáng học hỏi của dân tộc vốn nổi tiếng là quật cường này.


Từ hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài một cách trật tự và kiên nhẫn trong giá rét để chờ mua thực phẩm hoặc nhận hàng cứu trợ đến em bé 9 tuổi cầm gói lương khô của một người cảnh sát tặng cho đem bỏ lại vào thùng hàng cứu trợ với lý lẽ hết sức đơn giản: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con, bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”. Không hề có cướp bóc, hôi của hay hoảng loạn, những hình ảnh vẫn thường thấy ở các cuộc thiên tai tương tự ở các nước khác. Thậm chí như trong bức thư của ông Hà Minh Thành gửi về từ Nhật được đăng trên các báo “vài chục triệu yên tiền giấy rơi ra đất mà không ai thèm nhặt”. Trong tấm thảm kịch do hậu quả của một thiên tai tàn khốc, và trước nguy cơ của một thảm họa hạt nhân, mà nếu xảy ra có lẽ hậu quả của nó sẽ khủng khiếp gấp trăm lần những gì đang diễn ra, người dân Nhật vẫn bình tĩnh một cách đáng khâm phục “chính phủ nói họ đang kiểm soát tình hình, do đó chúng tôi không có lý do gì phải hoảng loạn cả”, trong khi đó, ở Việt Nam, cách nơi xảy ra thảm họa đến hơn 6000km, người dân lại đang hoang mang vì tin đồn về “mưa axit, mưa phóng xạ”!?

Có nhận xét rằng cơn thiên tai lịch sử này đã gây ra cho nước Nhật những thiệt hại vô cùng to lớn nhưng cũng đã đem lại cho họ một thứ “quyền lực mềm”, thứ quyền lực không được xây dựng hay giành lấy bằng súng đạn hay tiền của mà bằng sự ngưỡng mộ và kính trọng của thế giới dành cho họ.

Từ những gì người Nhật đã thể hiện, chúng ta có thể học được điều gì? Theo tôi quan trọng nhất và cần thiết nhất cho chúng ta hiện nay là cách xây dựng niềm tin của họ. Nhân dân không hoảng loạn trước nguy cơ thảm họa hạt nhân vì họ tin vào khả năng kiểm soát và xử lý sự cố của chính phủ, cũng như tin vào tính trung thực của những thông tin về mức độ an toàn. Họ không tranh giành vì họ tin vào sự công bằng của việc phân phát. Họ không hôi của vì họ tin rằng họ sẽ sớm khôi phục lại cuộc sống như trước kia bằng chính sức lao động của họ. Và trên tất cả, họ tin rằng những hành động có ý thức của họ sẽ được cộng đồng đáp trả bằng những hành động có ý thức, tất cả góp phần tạo nên một cộng đồng quy củ và kỷ luật.

Nhìn vào lịch sử, chúng ta không thể không cảm phục tinh thần dân tộc của người Nhật trong thời kỳ tái thiết đất nước sau chiến tranh hay còn gọi là giai đoạn “ thần kỳ Nhật Bản”, khi mà hàng nội được nhân dân ưu tiên sử dụng. Chính tinh thần dân tộc đó đã tạo nên nhưng tập đoàn kinh tế hùng mạnh bậc nhất thế giới như Toyota, Sony, Honda, Mitsubishi… Nhưng sự ủng hộ của người dân đối với hàng nội không phải là cực đoan và mù quáng mà được xây dựng và củng cố trên sự đáp trả về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm đối với cộng đồng của các nhà sản xuất. Ở nước ta, chúng ta cũng đang phát động phong trào “người Việt dùng hàng Việt”, nhưng thử hỏi có bao nhiêu nhà sản xuất đã tận dụng hết lợi thế sân nhà, chính sách khuyến khích, bảo hộ, thậm chí đặc quyền của nhà nước cũng như sự ủng hộ của người dân để phát triển, đưa thương hiệu Việt lên tầm vóc toàn cầu?

Chỉ là một ví dụ cho thấy giá trị của niềm tin. Còn đó những vấn đề nhức nhối của xã hội mà người dân năm lần bảy lượt chứng kiến cảnh “hứa thật nhiều, thất hứa rồi cũng thật nhiều…” để rồi vẫn cứ mãi là “vấn đề mang tính thời sự”.

Xin đừng nói rằng người Việt Nam ý thức tập thể kém hay thiếu tinh thần dân tộc. Dân tộc Việt Nam không phải một dân tộc yếu hèn, trong chiến tranh chúng ta đã làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới phải kính nể, đó cũng là nhờ có một niềm tin tất thắng mà cả dân tộc mới đoàn kết để tạo nên một sức mạnh như vậy.

Thế nhưng tại sao chúng ta không thể lặp lại những kỳ tích đó trong thời bình để xây dựng đất nước? Một lần nữa, vấn đề niềm tin được đặt ra và có lẽ còn nhiều điều chúng ta cần phải thay đổi để phát triển.

Trần Công Nhật