banner2019
 
Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024
Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024
Nâng cao năng lực cán bộ công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
Cập nhật lúc 09:39 ngày 21/06/2021
Năng lực cán bộ công đoàn (CBCĐ) là toàn bộ khả năng, kỹ năng, đặc tính tâm lý vốn có đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng, CNVCLĐ. Hay nói cách khác, năng lực CBCĐ là tổng hợp các yếu tố tạo thành khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà người CBCĐ được giao. Trước yêu cầu của tình hình mới hiện nay, việc nâng cao năng lực CBCĐ là vấn đề được đặt ra cấp bách.
1. Tiêu chí đánh giá năng lực CBCĐ
Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, trong những điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau, do mục tiêu, chức năng, yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau, đòi hỏi người CBCĐ phải có những năng lực tương ứng. Tuy vậy, trong tổ chức hoạt động công đoàn ở thời kỳ nào cũng đòi hỏi người CBCĐ phải có những năng lực chung, mang tính phổ biến sau: Trình độ hiểu biết chung; năng lực chuyên môn nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị; năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện; năng lực vận dụng, áp dụng các phương pháp vận động, tổ chức cho quần chúng hoạt động; có sức khỏe tốt.
Đối với CBCĐ, năng lực được coi là điều kiện để CNVCLĐ tin tưởng, trông cậy, gửi gắm tình cảm của họ. Trong điều kiện hiện nay, đánh giá năng lực CBCĐ có thể áp dụng một số tiêu chí sau:
Trình độ lý luận chính trị
CBCĐ phải có kiến thức nhất định về lý luận chính trị mới có thế giới quan và phương pháp luận khoa học làm cơ sở cho nhận thức chính trị và xem xét, giải quyết vấn đề đúng đắn, khách quan. CBCĐ có trình độ lý luận chính trị sẽ có năng lực nhận thức, nắm được các quy luật khách quan của cuộc sống, trên cơ sở đó đề ra các nội dung, phương pháp giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn phát sinh hàng ngày nhằm mang lại hiệu quả tối ưu, phù hợp với nguyện vọng của CNLĐ. Do vậy, CBCĐ nhất thiết phải có trình độ lý luận chính trị và không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị. Yêu cầu trình độ lý luận chính trị của CBCĐ không đơn giản là có các chứng chỉ, bằng cấp mà cốt lõi là có khả năng biến các vấn đề đã được học thành nhận thức, hành động cụ thể, thiết thực.
Năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của công đoàn và để khẳng định được vai trò, vị trí của mình, được CNVCLĐ thừa nhận, đòi hỏi CBCĐ phải có năng lực quán triệt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào việc đề ra chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn; phải có năng lực vận động, tổ chức CNLĐ thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình kế hoạch hoạt động của công đoàn. Đây là tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng đối với đội ngũ CBCĐ các cấp, nhất là đối với CBCĐ cấp vĩ mô.
CBCĐ phải biết tổ chức Công đoàn mà mình phụ trách. Trong thực tế, tổ chức hoạt động công đoàn có nhiều việc làm hiệu quả và có thể thống kê được, như việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng trong đơn vị, hoặc việc chỉ đạo các hoạt động cụ thể của công đoàn. Do đó tiêu chuẩn chung về năng lực đối với CBCĐ đòi hỏi phải có khả năng xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, xây dựng nghị quyết, chương trình công tác đạt kết quả tốt.
Có trình độ học vấn, chuyên môn và nghiệp vụ công tác công đoàn
Trong điều kiện hiện nay, việc hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học kĩ thuật, công nghệ đặt ra đòi hỏi khách quan phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn của CBCĐ. CBCĐ dù kiêm nhiệm hay chuyên trách phải có trình độ lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn, có kỹ năng vận động NLĐ, tổ chức hoạt động công đoàn. CBCĐ công tác ở ngành nào phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đó. Muốn tham gia quản lý thì phải là người thông thạo chuyên môn, phải biết một cách đầy đủ và chính xác tất cả những điều kiện sản xuất, phải hiểu được kĩ thuật của nền sản xuất ở trình độ hiện đại của nó, phải có một trình độ khoa học nhất định. Có như vậy CBCĐ mới nắm chắc được tính chất công việc, mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng và điều kiện sống của công nhân, NLĐ, qua đó, tiếng nói của CBCĐ mới gần gũi với chuyên môn nghề nghiệp của họ.
Yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghề nghiệp đối với CBCĐ thuộc lĩnh vực công tác đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ phải là những người trưởng thành từ phong trào công nhân. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho công tác quy hoạch, đào tạo CBCĐ phải theo địa chỉ chứ không thể đào tạo chung chung. Đặc biệt, việc bố trí, sử dụng CBCĐ, nhất là CBCĐ cơ sở thực sự phải là những người trưởng thành từ phong trào công nhân, được quần chúng CNLĐ tín nhiệm.
Khả năng đoàn kết, vận động, tập hợp quần chúng
Đặc thù của hoạt động công đoàn là hoạt động quần chúng, do vậy không cho phép hành chính hóa, luật pháp hóa phương pháp hoạt động công đoàn. Hoạt động công đoàn phải mang tính giáo dục, thuyết phục cao, nên phương pháp hoạt động công đoàn phải đa dạng, linh hoạt không cứng nhắc. CBCĐ phải biết xử lý sáng tạo các tình huống trong tổ chức hoạt động công đoàn nhằm đem lại kết quả cao, đây chính là đòi hỏi năng lực lựa chọn, sử dụng phương pháp tổ chức hoạt động, năng lực vận động, tập hợp quần chúng cần có của CBCĐ.
Về sức khỏe thể chất, tinh thần
Sức khỏe là một trong những yếu tố tạo nên năng lực của người cán bộ. Vì năng lực là khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sức khỏe biểu thị khả năng về mặt thể chất ở mỗi người, bao gồm cơ thể khỏe mạnh, khả năng chịu đựng áp lực khi bị ngoại cảnh tác động, đó là lòng kiên nhẫn, sức bền, độ dẻo dai trong công việc, sức sáng tạo, yếu tố tâm lý trước sự việc cần xử lý. Yêu cầu đó là do đặc thù của hoạt động công đoàn, nhất là đối với CBCĐ cơ sở kiêm nhiệm vừa phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vừa phải đảm nhiệm nhiệm vụ công đoàn.
2. Sự cần thiết phải nâng cao năng lực CBCĐ
Thứ nhất: Quá trình đổi mới và hội nhập đang đặt ra nhưng yêu cầu cao đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện và tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị. Điều này đòi hỏi các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của mình góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước. Để tổ chức Công đoàn không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần phải xây dựng đội ngũ CBCĐ đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Thứ hai: Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, GCCN Việt Nam đang có sự chuyển biến quan trọng, phát triển nhanh về số lượng, đa dạng hóa về cơ cấu và có sự phân hóa về trình độ, mức sống cũng như môi trường, điều kiện làm việc. Để công đoàn thực sự là trung tâm đoàn kết, giáo dục CNVCLĐ và luôn thực hiện tốt các chức năng cơ bản của mình thì việc nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ CBCĐ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là yếu tố cơ bản quyết định đảm bảo cho việc thực hiện tốt vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn.
Thứ ba: Hiện nay, Việt Nam đang chịu tác động của cơ chế thị trường đối với sự phát triển của con người, xã hội và tác động trực tiếp đến hoạt động công đoàn. Điều này một mặt góp phần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ CBCĐ, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước; mặt khác cũng chỉ ra năng lực đội ngũ CBCĐ cơ sở còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra, chưa có những đề xuất ngang tầm với vị trí, vai trò của tổ chức mình đại diện. Một số CĐCS hoạt động hiệu quả chưa cao, tình trạng vi phạm đến quyền lợi ích của CNVCLĐ còn diễn ra nhiều.
Nâng cao năng lực CBCĐ là một nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, do vậy phải gắn việc xây dựng đội ngũ CBCĐ đảm bảo về số lượng với nâng cao về chất lượng, chú ý đến tính đồng bộ, toàn diện, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn. Mục đích của nâng cao năng lực CBCĐ là góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của GCCN và tổ chức Công đoàn.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, HN, 2018.
Dương Văn Sao, Chử Văn Thịnh, Tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới, Nxb Lao động, HN, 2004.
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000.
Nguyễn Trọng Điều, Nâng cao phẩm chất năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, Tạp chí Cộng sản số 18, tháng 6/2003.
Trường đại học Công đoàn, Một số vấn đề đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Nxb Lao động, HN, 2004.
V.I. Lênin: toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978.
(Theo:cuocsongantoan.vn)