banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Cần thêm gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp và người lao động
Cập nhật lúc 09:56 ngày 20/08/2020
Trong khi chưa giải ngân hoàn tất gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở nước ta khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và công ăn việc làm của người lao động (NLĐ) tiếp tục ảnh hưởng. Trong bối cảnh này, các chuyên gia đề xuất cần thêm gói hỗ trợ khác để “trợ lực” cho DN và NLĐ.
Người lao động giải quyết quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội
Gói hỗ trợ phải tiếp cận được đối tượng thụ hưởng
Với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến nay, các địa phương đã phê duyệt cho 15,8 triệu người với số tiền khoảng 20.000 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 400 tỉ đồng hỗ trợ các DN, người dân giãn đóng bảo hiểm xã hội và 2.500 tỉ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19. 7 tháng đầu năm, số lượng DN đăng ký tạm dừng kinh doanh tăng tới 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt là thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15-54 tuổi chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp...
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho biết, rất cần thiết có thêm 1 gói hỗ trợ nữa ngoài gói 62.000 tỉ đồng. 
Bà Hương cho rằng: “Gói hỗ trợ mới cần xác định và tiếp cận hiệu quả đối tượng thụ hưởng - đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp do dịch COVID-19. Muốn xác định nhóm đối tượng này nhanh chóng, chính xác cần ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm khai báo mất việc cho NLĐ. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại những thông tin này”.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, mỗi NLĐ mất việc lại có những hoàn cảnh riêng, lý do khác nhau và thời gian phục hồi khác nhau. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng rà soát đến từng đối tượng và đưa ra mức hỗ trợ khác nhau, song vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế. Ngoài ra, đối với NLĐ có kỹ năng, trình độ chưa cao, cần tính toán đến phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Bởi, nếu NLĐ không có trình độ thì sẽ là đối tượng được DN tuyển dụng cuối cùng nhưng sẽ bị sa thải đầu tiên. Hơn nữa, sau dịch COVID-19, thị trường LĐ sẽ thay đổi, kể cả kinh tế cũng không trở lại trạng thái như cũ nên NLĐ cần chuẩn bị cho mình những hành trang mới.
Đề xuất các gói hỗ trợ mới
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - nói rằng: “Dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian ảnh hưởng không ngắn với NLĐ. Theo tôi, cần có những gói hỗ trợ tiếp theo để các DN, NLĐ giảm bớt khó khăn và có việc làm”.
Tuy nhiên, theo ông Trung, trước hết, các cơ quan chức năng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện và sửa đổi những gói hỗ trợ đã có - ở đây là gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng đang được triển khai. Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề thủ tục hành chính và điều kiện được hưởng để các gói hỗ trợ này thực sự thiết thực cho DN và NLĐ.
Ngoài ra, ông Trung còn đề xuất nên cần thêm 5 gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy DN và tạo việc làm cho NLĐ. Gói thứ nhất là đề xuất gói hỗ trợ về thuế và vốn. Theo đó, cần công bố và có chính sách miễn thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ, siêu nhỏ và hợp tác xã. Còn những DN vừa và lớn thì có tỉ lệ miễn thuế nhất định. Để tạo niềm tin, tiếp bước cho DN, cần có bảo lãnh từ Chính phủ đối với một số DN về vay vốn khi có các phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng. Từ đó, gói hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện cho DN bước tiếp.
Gói thứ hai, cần phát triển LĐ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Gói hỗ trợ này rất quan trọng kể cả trước mắt và lâu dài.
Gói thứ 3 là gói đặt hàng Nhà nước với DN. Nhà nước có chính sách đặt hàng cho DN sản xuất các mặt hàng có tính chất thiết yếu, nhất là phục vụ trong thời điểm dịch COVID-19.
Theo ông Trung, gói thứ 4 là gói đào tạo NLĐ. Không chỉ đào tạo cho NLĐ ở các DN, mà còn khu vực nông thôn. Để những người mất việc, thiếu việc buộc phải chuyển sang làm công việc khác có điều kiện tiếp cận gói này. Đây là gói quan trọng, cơ bản và lâu dài.
Ngoài ra, gói thứ 5 là hỗ trợ cho các DN, hợp tác xã chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, áp dụng phương thức làm việc mới, trong đó có phương thức làm việc từ xa. Đây là gói xác định đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và nhóm đối tượng có nguy cơ để tạo ra phương thức làm việc mới, chuyển đổi mô hình mới trong điều kiện hiện nay.
Anh Thư (nguồn: laodong.vn)