banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thế nào là trách nhiệm xã hội doanh nghiệp?
Cập nhật lúc 04:01 ngày 28/04/2014

Theo Ngân hàng thế giới (WB): “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là những cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển bền vững, hợp tác với người lao động, gia đình, cộng đồng địa phương và xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ sao cho vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có ích cho phát triển”.

Mục tiêu và nội dung

Mục tiêu thực hiện trách nhiệm xã hội là khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn xã hội và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và phát triển doanh nghiệp bền vững; tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động.

Thực hiện trách nhiệm xã hội là tăng khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế, quốc tế. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở Việt Nam có thể phân thành 12 nhóm nội dung chủ yếu là:

1. Lao động trẻ em;

2. Lao động cưỡng bức;

3. Lao động nữ;

4. An toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chăm sóc sức khỏe và bảo đảm môi trường;

5. Xây dựng nội quy, quy chế doanh nghiệp, ký kết thỏa ước lao động tập thể;

6. Cấm phân biệt đối xử và lạm dụng, quấy rối tại nơi làm việc;

7. Tiền lương, tiền công và bảo hiểm xã hội;

8. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

9. Hệ thống quản lý minh bạch, phòng chống tham nhũng;

10. Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng;

11. Tổ chức công đoàn;

12. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững.

Một trong những mục tiêu của trách nhiệm xã hội DN là tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động

Lợi ích của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, người lao động, khách hàng, cộng đồng, xã hội và nhà nước.

1. Lợi ích đối với doanh nghiệp

- Nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đều làm tăng uy tín và giá trị thương hiệu, giúp doanh nghiệp có nhiều đối tác, hấp dẫn nhà đầu tư và người lao động. Giá trị sản phẩm không chỉ có chất lượng và giá cả hợp lý mà còn có ý nghĩa đối với môi trường và xã hội. Do vậy, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế, thực hiện mục tiêu kinh doanh lâu dài, bền vững.

- Duy trì và thu hút nguồn lao động có chất lượng cao: Những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội như việc trả lương cao, phân phối công bằng, thực hiện đầy đủ chế độ lao động và môi trường làm việc thân thiện, an toàn sẽ thu hút và duy trì được nhiều lao động có kỹ năng nghề nghiệp cao, gắn bó với doanh nghiệp. Đây là nguồn lực quan trọng nhất giúp doanh nghiệp bền vững.

- Giảm chi phí và tăng năng suất lao động: Do yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc mang tính chuẩn mực nên sẽ hình thành một hệ thống quản lý lao động hiệu quả, giúp việc tinh giảm bộ máy và nhân viên hành chính; tổ chức lao động khoa học; xây dựng quy chế quản lý tài chính, phân phối tiền lương và thu nhập hợp lý. Các cơ hội đào tạo. bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, cũng như viêc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi khác đều sẽ góp phần giảm tỷ lệ lao động nghỉ việc, bỏ việc, giảm cho phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Điều này góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.

- Tăng doanh thu: Việc hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, nhất là khu vực nông thôn, nông nghiệp có thể cung cấp cho doanh nghiệp nguồn lao động dồi dào và đáng tin cậy hơn. Đồng thời tạo ra những cơ sở hạ tầng thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm được doanh thu cho doanh nghiệp.

- Thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế về lao động: Thực hiện trách nhiệm xã hội tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng cường chấp hành pháp luật lao động của Việt Nam và thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế.


Lợi ích đối với lao động

Việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động được phát triển toàn diện về kỹ năng nghề nghiệp, thể chất và tinh thần, do họ được làm việc trong điều kiện bảo đảm các quyền lợi về chế độ lao động, cũng như điều kiện lao động và môi trường làm việc.

Lợi ích đối với khách hàng

Mong muốn của khách hàng, nhất là người tiêu dùng cuối cùng rất đa dạng, vừa muốn có được những sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý mà lại sản xuất trong một môi trường sạch và các vấn đề xã hội được bảo đảm ở mức độ tốt nhất. Thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp cho khách hàng thỏa mãn những yêu cầu cơ bản mà họ đặt ra đối với doanh nghiệp.

Lợi ích đối với cộng đồng xã hội

Thực hiện trách nhiệm xã hội luôn gắn liền với việc bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải và rác thải, bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa các bệnh tật do ô nhiễm. Do đó, cộng đồng xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Cùng với lợi ích trên, việc thực hiện trách nhiệm xã hội còn được thông qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, các hoạt động nhân đạo, từ thiện như: Giúp đỡ những nơi dân cư bị thiên tai, hỏa hoạn, ủng hộ các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ người khuyết tật, quỹ vì người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em… đồng thời giúp cho những đối tượng yếu thế trong xã hội hòa nhập với cộng đồng, phòng và chống các tệ nạn xã hội.

TH