banner2019
 
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Thứ tư, ngày 03 tháng 07 năm 2024
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động năm 2012
Cập nhật lúc 10:20 ngày 01/05/2013

Trong Tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động năm 2012. Bản tin Công đoàn Công Thương xin giới thiệu với bạn đọc tinh thần của các Nghị định trên.

Nghị định số 41/2013/NĐ-CP ngày 8/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật lao động về Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công. Ngày 8/5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 42/2013 quy định chi tiết thi hành điều 220 của Bộ Luật Lao động về danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công.

Theo đó, đơn vị sử dụng lao động không được đình công công là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng, bao gồm:

a) Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia;

b) Thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas;

c) Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;

d) Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước;

đ) Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.

Về Giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công Nghị định quy định:

1. Khi nhận được yêu cầu của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở về việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền của người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm khắc phục ngay vi phạm, đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Khi nhận được yêu cầu của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở về vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm sau đây:

a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng tập thể với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật về lao động, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính để cử hòa giải viên lao động hoặc cử người trực tiếp hỗ trợ quá trình thương lượng tập thể; thực hiện những nội dung đã được hai bên thống nhất ngay sau khi kết thúc phiên họp thương lượng tập thể. Trường họp thương lượng không thành, mỗi bên có văn bản đề nghị Hội đồng trọng tài lao động nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính xem xét, giải quyết;

b) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động hoặc Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc hòa giải theo quy định. Các bên phải thực hiện ngay các thỏa thuận đã đạt được ghi trong biên bản hòa giải;

c) Sau 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được hoặc sau 03 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có văn bản kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính và công đoàn cấp trên báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết;

d) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kiến nghị của tập thể lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Chủ tịch công đoàn cùng cấp, các cơ quan liên quan của tỉnh, thành phố và Bộ, ngành là đại diện chủ sở hữu của đơn vị sử dụng lao động không được đình công đóng trên địa bàn giải quyết kiến nghị của tập thể lao động. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là kết luận cuối cùng mà hai bên phải chấp hành.

3. Đối với các đơn vị trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trường hợp người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở thương lượng không thành thì người sử dụng lao động báo cáo ngay với cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận báo cáo của người sử dụng lao động, cơ quan cấp trên có thẩm quyền có văn bản giải quyết kiến nghị của tập thể lao động. Quyết định của cơ quan cấp trên có thẩm quyền là kết luận cuối cùng hai bên phải chấp hành.

Về tiếp nhận, giải quyết yêu cầu về quyền và lợi ích của tập thể lao động của cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định quy định:

1. Định kỳ 06 tháng một lần, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người được ủy quyền hợp pháp có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn và đại diện người sử dụng lao động cùng cấp tổ chức đối thoại tiếp nhận yêu cầu của người sử dụng lao động, người lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý để kịp thời giải quyết yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.

2. Người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản tại cuộc đối thoại tiếp nhận yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này về tình hình thực hiện pháp luật lao động, việc làm, thu nhập của người lao động, yêu cầu và kiến nghị của người sử dụng lao động, người lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người được ủy quyền hợp pháp để bàn biện pháp giải quyết.

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người được ủy quyền hợp pháp nơi doanh nghiệp do Bộ, ngành làm chủ sở hữu đóng trụ sở chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo giải quyết các yêu cầu về quyền và lợi ích của tập thể lao động thuộc địa bàn quản lý theo quy định sau đây:

a) Đối với những vấn đề liên quan đến quyền của người lao động hoặc tập thể lao động thì yêu cầu người sử dụng lao động có biện pháp khắc phục ngay;

b) Đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của hai bên thì yêu cầu người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức thương lượng tập thể để giải quyết trên cơ sở tham vấn của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cấp trên. Trường hợp thương lượng không thành, hai bên đề nghị Hội đồng trọng tài lao động nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này;

c) Chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ thương lượng, nghiên cứu, thực hiện kiến nghị của tập thể lao động và người sử dụng lao động về những nội dung có liên quan đến quản lý nhà nước, đồng thời thông báo quyết định giải quyết vấn đề để người sử dụng lao động và người lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công biết, thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 6 năm 2013.

Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động

Ngày 10/5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; nội dung hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; trình tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động và xử lý hợp đồng lao động vô hiệu. Theo đó:

a/ Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

b/ Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

c/ Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong hợp đồng lao động với người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động bị tai nạn lao động hoặc được xác định bị bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình trạng sức khoẻ của người lao động cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết.

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động, người sử dụng lao động đó có trách nhiệm:

- Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 của Bộ luật lao động;

- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị;

- Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 145 của Bộ luật lao động;

- Thông báo bằng văn bản cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết về tình trạng sức khoẻ của người lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Nghị định Số: 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng đối tượng này có quy định khác.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Các văn bản trước đó như: Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Điều 2 Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Nghị định số 46/2013/NĐ-CP quy định thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tranh chấp lao động

Ngày 10/5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 46/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tranh chấp lao động. Nghị định này quy định tiêu chuẩn, thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động; việc hoãn, ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động trong trường hợp hoãn, ngừng đình công. Đối tượng áp dụng của Nghị định này là:

1. Hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm.

2. Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Bộ luật lao động.

3. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật lao động.

4. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Bộ luật lao động.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện tiêu chuẩn, thẩm quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động, hoãn, ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động trong trường hợp hoãn, ngừng đình công.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, các Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động về giải quyết tranh chấp lao động, Nghị định số 12/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc hoãn hoặc ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Nghị định số 49/2013/NĐ-CP Quy định thi hành một số điều về Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

1. Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

2. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

3. Khi xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương phải bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn đối với người lao động, đồng thời phải xây dựng tiêu chuẩn để xếp lương, điều kiện nâng bậc lương.

4. Thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và bảo đảm các quy định của pháp luật lao động.

5. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.

Về nguyên tắc xây dựng định mức lao động, Nghị định quy định:

1. Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý.

2. Mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của người lao động, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động.

3. Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết ít nhất 15 ngày trước khi áp dụng thử. Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện mức.

Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động.

5. Mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 5 năm 2013, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.