banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 02/10/2017
Cập nhật lúc 04:26 ngày 02/10/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Khai tử xăng A92: Có cứu được nhà máy ethanol thua lỗ?.
Đất Việt đưa tin: Lãnh đạo Bộ Công Thương vừa có những chỉ đạo được coi chuẩn bị 'chạy nước rút' cho việc khai tử xăng A92 vào đầu năm 2018, thay vào đó là xăng sinh học E5.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, nguyên Giám đốc Nhà máy ethanol Đại Việt (Đắk Nông) đánh giá, nếu mục tiêu kể từ ngày 01/01/2018 chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 thành hiện thực thì đây sẽ là cơ hội để vực dậy các nhà máy sản xuất ethanol đang bên vờ vực phá sản của Việt Nam. Nếu xăng E5 được đưa vào sử dụng đại trà thay cho xăng A92 sẽ không thiếu các nhà đầu tư đủ năng lực đứng ra vận hành các bộ máy này.
Tuy nhiên, điều quan trọng được ông Toàn lưu ý, đó là dẫu khai tử xăng A92 nhưng người tiêu dùng có nồng nhiệt đón nhận xăng E5 hay không, hay lại chuyển sang xăng A95.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nguyên Giám đốc Nhà máy ethanol Đại Việt chưa thể dự báo các nhà máy ethanol trong nước có thể đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người tiêu dùng.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Trọng Toàn cũng đặt ra khả năng Việt Nam có thể phải nhập khẩu ethanol trong tương lai nếu xăng E5 được sử dụng thay thế hoàn toàn xăng A92 và các nhà máy trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu hoặc việc nhập khẩu có lợi hơn cho người tiêu dùng. 
2. Gian nan đưa Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại.
Báo Đầu tư đưa tin: Một nhà máy xơ sợi được đầu tư với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng từng được kỳ vọng lớn đã phải “đắp chiếu” từ năm 2015. Bao giờ dự án này vận hành trở lại vẫn là câu hỏi chưa dễ có lời hồi đáp đúng hẹn.
Tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Hải Phòng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá công nghệ, sản phẩm và định hướng phương án khởi động lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ”.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, việc cần thiết là tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cần giữ thuế suất thuế nhập khẩu 2% với mặt hàng xơ sợi nhập khẩu. Đồng thời, để Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hoạt động tốt, ổn định, PVN cần chú trọng hơn nữa vấn đề nhân lực, đặc biệt là việc chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến. Chỉ có như vậy mới đảm bảo cho việc vận hành nhà máy được ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Trên thực tế, việc khởi động lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ không phải là điều dễ dàng.
Tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì với đai diện của các Tập đoàn, doanh nghiệp về các giải pháp triển khai, xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả cùa ngành công thương hôm 22/9/2017 đã khẳng định, tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại.
Vốn cho khởi động lại Nhà máy cũng là vấn đề lớn khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ,  do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật".
3. Trên làm, dưới cản cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Sau Bộ Công Thương, đã có 2 bộ, ngành bắt tay rà soát cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, tại nhiều nơi vẫn còn tình trạng lãnh đạo muốn thực hiện, song cấp dưới níu giữ vì lợi ích nhóm.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết, các điều kiện đầu tư kinh doanh như Bộ Công Thương liệt kê ra nằm ở một trong ba cấp là thông tư, thông tin liên tịch và nghị định, cấp luật. Nếu quy định ở cấp thông tư thì Bộ sẽ rà soát rồi “tự xử”. Còn ở cấp thông tư liên tịch và nghị định, Bộ rà soát, soạn văn bản và gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương hoặc trình Chính phủ (với nghị định). Còn nếu điều kiện nằm ở cấp luật sẽ khó khăn hơn vì muốn sửa phải trình và được Quốc hội thông qua. Với tinh thần cải cách hiện nay, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Bộ Công thương nên kiến nghị Chính phủ cho phép bỏ luôn những điều kiện bất hợp lý để gỡ khó cho doanh nghiệp. Sau đó chỉnh vào văn bản sau.
“Quan trọng nhất là sửa các văn bản. Điều kiện thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương thì Bộ phải giao các cục, vụ (là các đầu mối soạn thảo trước đó) đi kèm với giao tiến độ sửa đổi để trình ký; thậm chí là cầm tay chỉ việc”, ông Đức kiến nghị. Bởi ông Đức cho biết, trước đây có nhiều trường hợp như một văn bản trong lĩnh vực ngân hàng soạn thảo năm 2010, mà 6 năm sau mới ban hành được.
Đối với những văn bản kể cả ở tầm Nghị định, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, hoàn toàn thể thực hiện bằng hình thức rút gọn, chỉ cần 3 tháng từ lúc có dự thảo nghị định đến lúc được thông qua. “Do đó, nếu thực sự làm được thì đến cuối năm là có hiệu lực”, ông Cung nói.
Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, các điều kiện đầu tư kinh doanh nằm rải rác ở các văn bản do Bộ, ngành, địa phương ban hành chính là những chỗ cài cắm lợi ích. Có những điều kiện tưởng như chung chung, đương nhiên, vặt vãnh nhưng lại là những cái cớ để cán bộ “hành” doanh nghiệp. Do đó, cắt bỏ những điều kiện này ông Tuấn đã ví như hành động “lấy đá ghè chân mình”.
4. Bộ Công Thương đề xuất phương án thay Chủ tịch Vinachem.
Trong đầu tháng 10, Bộ Công Thương sẽ họp hội đồng và đề xuất Thủ tướng về phương án thay thế để phê duyệt, quyết định.
Liên quan đến vấn đề nhân sự tại Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Thứ trưởng Bộ Công Thương, người phát ngôn của Bộ - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và quyết định của Ban Bí thư đối với những vi phạm liên quan đến ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem, Bộ Công Thương đang thực hiện kỷ luật hành chính theo đúng quy định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong đầu tháng 10 sẽ họp hội đồng và đề xuất Thủ tướng về phương án thay thế để phê duyệt, quyết định.
LH (Nguồn VP Bộ CT)