banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 20/9/2017
Cập nhật lúc 05:20 ngày 20/09/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Cá tra Việt không thương hiệu: Lơ là truyền thông, cá bị bôi nhọ là bài viết đáng chú ý trên Dân Việt (20/9).
Bài viết phản ánh, những năm qua, cá tra Việt Nam tại nước ngoài “bầm dập” vì bị truyền thông chỉ trích. Đến giờ, doanh nghiệp Việt Nam mới nhận ra rằng, minh bạch thông tin về sản phẩm cá tra, hay câu chuyện truyền thông, đã bị bỏ quên...
Từ việc các DN cạnh tranh lẫn nhau, khiến cá tra mất uy tín, mất giá, Việt Nam cũng chưa có một DN nào đủ mạnh đê có thể chi phối toàn bộ ngành. Hơn nữa, giữa các DN hầu như chưa có chiến lược hành động chung với nhau trong sản xuất, marketing, kinh doanh cá tra.
Còn về mặt marketing, Việt Nam thất bại hoàn toàn khi đưa ra những hình ảnh cá tra lúc nhúc giành ăn trong ao nuôi. Chưa kể, các thông tin về thức ăn, môi trường sống, tác động từ môi trường bên ngoài… đến con cá tra cũng rất tệ.
2. Hàng Việt "đau" vì người Việt mải mê "lùng" hàng ngoại.
Không riêng gì các mặt hàng gia dụng, các mặt hàng thời trang, dược phẩm, đồ gia dụng… cũng bị hàng nhập khẩu “chèn ép”. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng hóa nhập từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc tuy có hơi cao hơn, nhưng chất lượng ổn định khiến người tiêu dùng tin tưởng.
Theo một chuyên gia kinh tế, nếu như ở mặt hàng bình dân, hầu hết hàng hóa của Trung Quốc thường rẻ hơn các loại hàng hóa cùng loại của Việt Nam từ 20-30%. Một mức chênh lệch rất đáng kể đối với người tiêu dùng, nhất là những người có gia cảnh khó khăn phải tính toán từng đồng chi tiêu. Điều này lý giải tại sao hàng hóa Trung Quốc tuy chất lượng không cao nhưng vẫn có mức tiêu thụ lớn trên đất Việt, trong khi đó, cùng chất lượng tương đương, hàng Việt Nam rất khó có cơ hội vào được thị trường Trung Quốc.
“Điều cơ bản là các DN Việt Nam cần nhìn nhận thị trường trên 90 triệu dân rất tiềm năng, nhất là thị trường khu vực nông thôn. Không thể để hàng Trung Quốc từ cây kim, sợi chỉ, chiếc bát ăn cơm… đều “làm mưa làm gió” ở thị trường này” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
3. Doanh nghiệp “thay da đổi thịt” thu nghìn tỷ mối năm sau cổ phần hoá.
VnEconomy có bài viết tổng hợp về một số doanh nghiệp điển hình thành công sau cổ phần hóa, theo tác giả bài viết, thực tế cho thấy, việc cổ phần hóa đã giúp nhiều doanh nghiệp nhà nước gần như được “thay máu”, với những kết quả kinh doanh sáng hơn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Một số doanh nghiệp điển hình phải kể đến như Vinamilk, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Điện Quang, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh...
4. Điện lực Hải Dương “phản bác" kết luận của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Theo báo Công lý, thay vì Báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục điều động theo chỉ đạo của TGĐ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương lại phản pháo kết luận kiểm tra, xác minh đơn thư của Tổng Công ty. 
Ngay khi nhận được thông tin về sự luân chuyển, điều động của Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương), ngày 16/02/2017, 6 Phó giám đốc (PGĐ) điện lực cấp huyện đã đồng loạt gửi đơn đề nghị (có xác nhận của lãnh đạo đơn vị công tác) tới Ban Giám đốc, Chủ tịch công đoàn, Trưởng phòng TC&NS công ty xin được ở lại đơn vị đang công tác với nhiều lý do cần được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, thay vì trả lời 6 lá đơn đề nghị của 6 PGĐ điện lực cấp huyện bằng văn bản, gặp gỡ trực tiếp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các cán bộ để chia sẻ, giải thích, điều chỉnh cho hợp lý thì  ông Trần Văn Cường, Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Hải Dương lại chỉ đạo phòng Tổ chức nhân sự “trả lời” qua điện thoại.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã thành lập đoàn kiểm tra làm việc với PC Hải Dương trong 02 ngày (13, 14/3/2017) để xác minh đơn thư kiến nghị theo quy định về nội dung trên. Sau gần 05 tháng chờ đợi kết luận của đoàn kiểm tra, ngày 07/08/2017, ông Thiều Kim Quỳnh Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã ban hành văn bản số 3249/EVNNPC-TTBV về việc kết luận, kiểm tra, xác minh đơn thư  tại công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương).
LH (Nguồn VP Bộ CT)