banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 05/9/2017
Cập nhật lúc 03:14 ngày 05/09/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai trầy trật thoát lỗ.
Báo Đầu tư phản ánh: Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) và DAP Lào Cai là 2 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, dù đang được tái cơ cấu để giảm bớt lỗ, tránh lâm vào cảnh đóng cửa, nhưng tương lai còn mờ mịt.
Trong khi các doanh nghiệp trong ngành phân bón đều hồ hởi báo lãi đậm, thì Công ty cổ phần DAP - Vinachem tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2017. Theo ban lãnh đạo DAP Đình Vũ, nguyên nhân là do thị trường phân bón mất giá nhanh, phân bón xuống thấp, trong khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Cộng với hạn chế về quản trị chi phí sản xuất, kế hoạch thị trường yếu kém.
Trong khi đó, DAP số 2 Vinachem với Nhà máy DAP Lào Cai còn tệ hại hơn. Ngày 19/8/2017, thuế tự vệ tạm thời với phân bón DAP nhập khẩu đã được Bộ Công Thương áp tới 1,85 triệu đồng/tấn. Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng quyết định áp thuế tự vệ với phân bón vào thời điểm này rất kịp thời và có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tăng tiêu thụ sản phẩm.
Thêm một yếu tố nữa được Hiệp hội Phân bón Việt Nam chỉ ra là, tác động kéo dài của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (Luật 71/2014/QH13) quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thay vì mức 5% như trong năm 2014, đã khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỷ đồng.
2. Cần giải pháp tích cực hơn cho xăng sinh học.
Liên quan đến vấn đề sử dụng xăng sinh học E5 thay thế cho xăng A92, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn phản ánh: Theo lộ trình của Bộ Công Thương, từ ngày 01-01-2018, xăng A92 sẽ được loại bỏ để thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5. Trên thực tế, việc cung cấp và sử dụng xăng sinh học vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Cùng nội dung này, Thông tấn xã Việt Nam có bài viết: Việt Nam có thể tự chủ được xăng sinh học E5?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2018, trên địa bàn cả nước, việc sử dụng xăng khoáng RON 92 sẽ hoàn toàn chấm dứt và thay thế bằng xăng sinh học E5 RON 92 (E5). Theo Bộ Công Thương, nguồn cung xăng sinh học E5 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92.
Theo Bộ Công Thương, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu (cồn E100) của các cơ sở sản xuất trong nước đã bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 theo lộ trình. Với góc độ phân phối xăng dầu, trong tổng số 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện có 26 đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất (3 đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không). Trong số này, có 5 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động. Tổng công suất các trạm trộn xăng đạt khoảng 6,2-6,7 triệu m3/năm. Con số này lớn hơn so với mức dự báo tổng lượng xăng E5 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,357 triệu m3 khi thay xăng khoáng RON 92. Từ kết quả này cho thấy, nguồn cung xăng E5 khá dồi dào.
3. Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Trên báo Tiền phong có bài viết về vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh ở Bộ: Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã rà soát xong các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực công thương cập nhật đến tháng 8/2017 để chuẩn bị đề xuất các phương án đơn giản hóa hoặc cắt giảm.
Tính đến hết tháng 8/2017, Bộ Công Thương còn 26 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và 2 ngành nghề được gộp với các lĩnh vực khác.
Trong số 26 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà Bộ đang quản lý có một số ngành nghề đáng chú ý như kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh rượu; kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; xuất khẩu gạo; nhượng quyền thương mại; kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp...
4. Thông tin khác
 - Dư luận, báo chí tiếp tục quan tâm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất ôtô VINFAST, phần lớn đánh giá tích cực về sự kiện này. Trong khi đó, báo Dân Việt cho rằng điều cốt yếu khiến nhiều người chờ đợi và hy vọng về chiếc xe của Việt Nam "bởi họ mong mỏi một chiếc xe có giá bán phù hợp với giá trị thực của nó", các bộ ngành đã "kiên trì bảo hộ" ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam ("đúng ra đa phần đều chỉ lắp ráp") trong suốt 25 năm qua, khiến tất cả mọi "thiệt thòi" người dùng đều phải "gánh chịu".
- Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh thông tin Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một loạt chính sách về tiền lương, thuế, (nghiên cứu ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức "hợp lý"; xem xét đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT)...).
LH (Nguồn VP Bộ CT)