banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Viện Công nghiệp thực phẩm: 50 năm xây dựng và phát triển
Cập nhật lúc 08:33 ngày 24/07/2017
Ngày 21/7/2017, Viện Công nghiệp Thực phẩm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện. Đến dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Lý Quốc Hùng - UV Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN, UV Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam và hơn 100 đại biểu là CBCNV, cán bộ Lãnh đạo qua các thời kỳ của Viện đã đến dự.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 21/7/1967, Viện Công nghiệp Thực phẩm đã chính thức được thành lập theo QĐ số 112/CP của Thủ tướng Chính phủ.
Là một Viện nghiên cứu đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, sau 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Viện đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng trân trọng và tự hào, góp phần tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp thực phẩm nói riêng và nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
 Đ/c Thứ trưởng Cao Quốc Hung, trao Huân chương Lao động hạng ba cho Công đoàn Viện Công nghiệp Thực phẩm.
Sau khi đất nước thống nhất, đứng trước yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến ở các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm đã ký Quyết định số 500/QĐ-CNTP, ngày 17 tháng 5 năm 1982 thành lập Phân viện Công nghiệp thực phẩm trực thuộc Viện Công nghiệp thực phẩm. Trụ sở chính của Phân Viện đặt tại 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận I, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay những ngày đầu thành lập Viện, việc nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Viện và các nhà khoa học. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các chủng giống vi sinh vật đến việc nghiên cứu ứng dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm, Bộ môn Giống vi sinh vật đã được thành lập với trách nhiệm bảo quản và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật. Trong 50 năm qua, số lượng các chủng giống vi sinh vật đã không ngừng tăng lên, hiện nay, Sưu tập giống vi sinh vật công nghiệp của Viện có hơn 1300 chủng, bao gồm: Vi khuẩn, nấm mốc, nấm men và xạ khuẩn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đất nước chiến tranh nhưng ngay từ những ngày đầu thành lập, các công trình nghiên cứu khoa học của Viện về việc sử dụng vi sinh vật trong bảo quản và chế biến đã rất đa dạng và phong phú. Công trình nghiên cứu sản xuất nước chấm lên men đã được triển khai và nhanh chóng ứng dụng trong thực tiễn đáp ứng yêu cầu của sản xuất và chiến đấu lúc bấy giờ. Các đề tài nghiên cứu sản xuất lizin, axit glutamic, axit citric, đường glucose, enzyme …. đã được triển khai. Sản phẩm đề tài lizin đã được bổ sung vào thức ăn cho lợn rất thành công. Trong Chương trình CT25, Viện đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất mỳ chính (natri glutamate) và đã chuyển giao công nghệ cho Nhà máy thực phẩm Sơn Tây. Năm 1975, ngay sau khi đất nước thống nhất, Viện đã góp phần tiếp quản nhà máy Thiên Hương của chế độ cũ để lại, duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo nhu cầu mỳ chính lúc bấy giờ. Việc nghiên cứu sinh tổng hợp và ứng dụng enzyme trong sản xuất đường từ tinh bột và sản xuất tinh bột biến tính cũng đã được quan tâm từ lâu. Viện đã chuyển giao công nghệ sản xuất nha, đường glucose, maltodextrin cho nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; Công ty Thực phẩm Sơn Tây…Những năm 90 của Thế kỷ XX, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thành công trong việc nghiên cứu sản xuất bia công nghệ mới và đã chuyển giao công nghệ cho rất nhiều doanh nghiệp suốt từ Bắc đến Nam. Với kết quả này, Viện Công nghiệp thực phẩm đã góp phần tạo ra công nghệ nội sinh, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước ở các địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cho đến nay, nhờ sự giúp đỡ của Viện, nhiều công ty sản xuất bia đã liên tục phát triển, đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Viện đã nghiên cứu sản xuất rượu vang và đã chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tại Đà Lạt, Hà Nội….Viện đã nghiên cứu và tổ chức sản xuất tại Viện đường fructo-oligosaccarit (FOS) dùng để sản xuất thực phẩm chức năng, chế phẩm fibrenase từ vi khuẩn lactic, nấm men giầu selen phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh được các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước chấp nhận thay thế hàng nhập ngoại.
Bên cạnh việc nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản và chế biến thực phẩm và kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu vi sinh vật, trong khoảng thời gian ngắn, Viện đã nghiên cứu thành công và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải công nghiệp thực phẩm bằng phương pháp UASB kết hợp với AEROTEN cho các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Rượu – Nước giải khát Thăng Long, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk), Công ty cổ phần Sữa Quốc tế…
Trong những năm 80 của Thế kỷ XX, Viện đã ghi dấu ấn trong đời sống xã hội của đất nước bằng việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất rượu chanh, rượu cam, rượu cà phê cho nhiều doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thiết yếu lúc bấy giờ. Những năm gần đây, Viện đã nghiên cứu công nghệ mới sản xuất rượu gạo chất lượng cao và đã chuyển giao thành công cho nhiều doanh nghiệp suốt từ Bắc đến Nam, được người tiêu dùng ưa chuộng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cho đến nay, cán bộ công nhân viên Viện Công nghiệp Thực phẩm có quyền tự hào nói rằng, không có cơ sở nào ở Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng vi sinh vật hiệu quả như Viện Công nghiệp thực phẩm.
Các sản phẩm khai thác từ tự nhiên ứng dụng trong chế biến thực phẩm cũng đã được quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập Viện. Dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu tương, dầu cám, các loại hương liệu như: Hương thuốc lá, hương cà phê, tinh dầu cam, tinh dầu chanh…đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Một số sản phẩm của Viện thuộc lĩnh vực này đã đồng hành cùng đất nước suốt chiều dài lịch sử. Thời gian qua, Viện đã tập trung nghiên cứu và sản xuất một số sản phẩm mới được người tiêu dùng ưa chuộng như dầu gấc, dầu gừng, dầu tỏi, bột nghệ….
Việc nghiên cứu sản xuất thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng đã có những kết quả bước đầu rất khả quan, nhiều sản phẩm như: Bột dinh dưỡng cho người cao tuổi, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột rau má, bột cần tây, tinh lá sen, trà lá sen…. đã được thị trường chấp nhận.
Công tác nghiên cứu và giám định thực phẩm không chỉ góp phần hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mà còn góp phần quan trọng vào việc phân tích và giám định các sản phẩm sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu, giúp cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và các nhà quản lý trong kiểm tra, giám sát chất lượng nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm. Hiện nay, Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia đã được công nhận phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo ISO/IEC 17025:2007, VILAS 259; Trung tâm Vi sinh vật công nghiệp đã được công nhận phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo ISO/IEC/17025; 2015, VILAS 259. Hoạt động của 02 Trung tâm này đang ngày càng hiệu quả, đóng góp thiết thực vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đ/c Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, trao Cờ thi đua Chính phủ cho Viện Công nghiệp Thực phẩm.
Công tác hợp tác quốc tế đã được Viện đặc biệt quan tâm. Đảng ủy, Lãnh đạo Viện các nhiệm kỳ luôn xác định, đẩy mạnh hợp tác quốc tế là thực hiện chủ trương đi tắt đón đầu của Đảng và Nhà nước trong nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Viện có mối quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, CHLB Đức, Cộng hòa Pháp, LB Nga, Thụy Điển, Nam Phi, Thái Lan, Cộng hòa Séc….Các tổ chức quốc tế như: UNDP, UNIDO, UNESCO, WOULDBANK…đã tin tưởng giao cho Viện thực hiện nhiều dự án quốc tế. Các nhà khoa học trên thế giới đã đến thăm và làm việc với Viện, các nhà khoa học của Viện cũng đã thường xuyên đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với  các nhà khoa học trên thế giới. Thông qua hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất của Viện được tăng cường, các cán bộ của Viện được học tập và trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học nổi tiếng, được làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới.
Năm 1998, tại Quyết định số: 09/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 01 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Viện Công nghiệp thực phẩm. Trong gần 20 năm qua, công tác đào tạo của Viện đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ có trình độ cao, nhiều nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện. Ngoài nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, Viện còn tham gia đào tạo thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư cho các trường đại học như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Hà Nội….
Trong những năm gần đây, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hằng năm, kinh phí của nhà nước giảm dần, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học, Viện đã tích cực tổ chức sản xuất. Các đơn vị nghiên cứu đã góp vốn đầu tư nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm mới. Hiện nay, Viện đang đưa ra thị trường 26 sản phẩm, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng đánh giá cao, doanh thu liên tục tăng . Thực hiện nhiệm vụ này, các cán bộ của Viện đã năng động hơn, gắn kết với nhau hơn, gần gũi với thị trường hơn và cũng chính vì vậy, đời sống của cán bộ cũng được cải thiện đáng kể. Đây có thể nói là một nét mới trong hoạt động của Viện rất cần được ghi nhận, biểu dương và đây cũng là tiền đề cho việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc Viện trong tương lai không xa.
Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất tại Viện, đào tạo và hợp tác quốc tế, các hoạt động khác của Viện cũng đã được quan tâm thực hiện tốt như công tác tự vệ, công tác PCCC, công tác nữ công…Hoạt động của Công đoàn và Đoàn thanh niên thời gian qua đã thực sự ghi dấu ấn đậm nét trong các hoạt động của Viện.
Đ/c Chủ tịch CĐCTVN  Lý Quốc Hùng, trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân của Viện Công nghiệp Thực phẩm 
Trong những năm tới, Viện sẽ tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu, trong đó có cả việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ. Nguồn kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất sẽ được xác định từ ngân sách nhà nước, từ hoạt động có thu của Viện và từ vốn góp của cán bộ, công nhân viên. Công tác đào tạo cán bộ sẽ được thực hiện bằng tất cả các con đường có thể, đó là đào tạo trong nước và ngoài nước, bằng ngân sách nhà nước và sự ủng hộ của các nước, các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học trên thế giới. 
Phát huy thế mạnh về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực vi sinh vật, Viện sẽ tập trung nghiên cứu theo hướng khai thác các hợp chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật để sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm. Lĩnh vực các hợp chất tự nhiên cũng sẽ tiếp tục được quan tâm theo hướng chiết tách và bán tổng hợp để nâng cao giá trị các hợp chất tự nhiên phục vụ cho chế biến thực phẩm và dược phẩm. Công tác phân tích và giám định nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm cần phải được quan tâm đặc biệt, Viện sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, bổ sung thiết bị và đào tạo cán bộ cho Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia và Trung tâm Vi sinh vật công nghiệp để 02 Trung tâm này hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển ngành Công nghiệp thực phẩm và góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Công tác hợp tác quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn nữa theo hướng tìm kiếm đối tác có trình độ khoa học và công nghệ cao, gắn bó lâu dài để từ đó đào tạo cán bộ khoa học cho Viện. Công tác hợp tác nghiên cứu với các viện, trường trong nước cũng cần phải rút kinh nghiệm để thực hiện theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn.
Công tác tư vấn và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công tác tổ chức sản xuất tại Viện sẽ phải được quan tâm nhiều hơn nữa, Viện sẽ tạo cơ chế thích hợp, khuyến khích, động viên các nhà khoa học chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất.
Bên cạnh việc phải làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và tổ chức sản xuất, Viện còn phải quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của cán bộ, công nhân viên cả về vật chất và tinh thần để mọi người yên tâm công tác, yên tâm nghiên cứu sáng tạo. Công đoàn và Đoàn thanh niên sẽ phải đóng góp tích cực hơn nữa trong việc nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, xây dựng môi trường văn hóa. Các hoạt động văn nghệ, thể thao, dã ngoại, giao lưu giữa Viện với các cơ quan bạn sẽ được tăng cường.
Tại lễ kỷ niệm 50 năm, Công đoàn Viện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, một ghi nhận xứng đáng cho những việc làm của Công đoàn Viện luôn đồng hành cùng với chuyên môn trong suốt 50 năm mươi năm qua.
Lê Tâm