banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 26/4/2017
Cập nhật lúc 09:25 ngày 26/04/2017

Báo chí ngày hôm nay 26/4 đưa nhiều thông tin Nghi vấn Thiên Ngọc Minh Uy dùng chiêu 've sầu thoát xác'? Báo chí phản ánh, ngày 25/4, Bộ Công Thương công bố chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) thì một cái tên mới kinh doanh đa cấp xuất hiện được cho là có liên hệ đặc biệt với công ty này.

Theo thông tin, ban quản trị website Thiên Ngọc Minh Uy ra một thông báo, trong đó có nội dung chuyển lĩnh vực bán hàng đa cấp cho một công ty con. Cùng với đó, doanh nghiệp này cho biết sẽ chuyển đổi mô hình thành 1 tập đoàn bao gồm nhiều công ty con dưới sự điều hành của Tập đoàn TNMU. Trong đó, trước mắt sẽ có 7 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như bán hàng trực tuyến, kinh doanh đá phong thủy, thực phẩm chức năng, spa dưỡng sinh sức khỏe và làm đẹp…, bao gồm Công ty Nhã Khắc Lâm.

Theo phản ánh của phóng viên, Tại trụ sở TNMU chiều 25-4, mọi hoạt động của công ty này vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, người lạ không thể vượt qua được cửa bảo vệ nếu không được sự “bảo lãnh” của các thành viên tham gia. Phóng viên cũng không ghi nhận trường hợp người tham gia vì lo lắng mà đến làm thủ tục rút tiền. Phần lớn thành viên đến giao dịch hoặc thanh lý hợp đồng đều có hẹn từ 1-3 tháng trước.

Về việc TNMU có thể “hồi sinh” bằng cái tên Nhã Khắc Lâm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc này pháp luật không cấm và đây chính là lỗ hổng của luật. “Cần sớm bổ sung quy định nếu một doanh nghiệp tái phạm lỗi đã bị xử phạt thì phải rút giấy phép vĩnh viễn hoặc rút giấy phép trong thời gian dài, ví dụ 30 năm để chặn doanh nghiệp sống lại” - ông Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Trước những diễn biến trên, Báo Thanh niên đặt câu hỏi: Rất có thể Công ty TNMU đã dùng chiêu “ve sầu thoát xác” để tiếp tục vươn vòi bạch tuộc của mình trong lĩnh vực bán hàng đa cấp?

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Thủy điện thừa nhiều vẫn cứ xây thêm; Khủng hoảng giá lợn: Bộ Công Thương không thể làm ngơ; Braxin điều tra chống bán phá giá ống thép hàn từ Việt Nam; Ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ giảm mạnh.

Thông tin cụ thể như sau:  

1. Thủy điện thừa nhiều vẫn cứ xây thêm!


Báo Người Lao động phản ánh: Sau khi loại khỏi quy hoạch nhiều dự án thủy điện, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại đề nghị bổ sung, chấp thuận đầu tư hàng loạt dự án thủy điện khác, kể cả những dự án thủy điện “siêu nhỏ”. Nhiều đến nỗi Chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng phải chỉ đạo các sở ngành đi nghiên cứu để bổ sung các dự án thủy điện vào quy hoạch.

Cũng trong ngày 18.4, ông Căng ký quyết định số 703/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sông Liên 1 (Huyện Ba Tơ). Theo quyết định của tỉnh Quảng Ngãi, dự án này được xây dựng tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên chủ đầu tư sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tiền thuê đất

Trước đó, ngày 17.4, Phó chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc bổ sung dự án thủy điện Núi Ngang (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ) vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi.

Vào năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Công Thương quy hoạch thêm 3 dự án thủy điện là Sơn Trà 1, Đakđrinh 2, Trà Khúc 1. Theo quy hoạch này, huyện Sơn Hà với thị trấn Di Lăng và hàng ngàn dân cư của các xã nằm hai bên sông đã bị bao trọn thành một thung lũng. Đó là lý do mà người dân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện. Tuy nhiên mới đây, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý về mặt chủ trương cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Trà Khúc 1.

2. Khủng hoảng giá lợn: Bộ Công Thương không thể làm ngơ.

Việc các doanh nghiệp giảm giá bán thức ăn, thuốc thú y, con giống là sự chia sẻ rất cần thiết đối với người nuôi lợn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, một vướng mắc rất quan trọng khác cần được tháo gỡ đó là khơi thông thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Trách nhiệm này thuộc Bộ Công Thương – nhận định của báo Dân Việt.

Theo phân tích trong bài viết, bao năm qua chúng ta vẫn xác định khu vực Asean là thị trường tiềm năng, vậy mà đến nay chúng ta chưa hề ký kết hiệp định thương mại, hiệp định thú y với các nước đó. Nếu các hiệp định này chưa được ký kết thì DN không thể tiến hành các hoạt động xuất khẩu được. Thị trường nội địa cũng tồn tại quá nhiều vấn đề, việc để lợn tồn đọng dư thừa quá lớn trong dân, giá thịt lợn sụt giảm kỷ lục chưa từng thấy là trách nhiệm của Bộ Công Thương.  

3. Braxin điều tra chống bán phá giá ống thép hàn từ Việt Nam.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận được thông tin Cơ quan điều tra Bra-xin đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống thép hàn (Welded Steel Pipes and Tubes) nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 18,0%, Malaysia là 26,4%, Thái Lan là 19,1%.

4. Ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ giảm mạnh.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4/2017 giảm khá mạnh so với tháng trước đó, tới 3.500 chiếc. So với lượng ô tô nhập cùng kỳ năm trước là hơn 8.700 chiếc, thì lượng ô tô nhập về trong gần 4 tháng đầu năm 2017 đã tăng gấp đôi.

Trước áp lực từ ô tô nhập, Tổ công tác liên Bộ, ngành đánh giá tình hình sản xuất ô tô trong nước đã được thành lập do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) làm tổ phó. Các thành viên còn lại là đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, các hiệp hội, ngành hàng, Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp...

Trong tháng 3 và tháng 4/2017, Tổ công tác đã tới thăm và làm việc trực tiếp tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp. Tổ công tác liên Bộ, ngành sẽ tổng hợp các ý kiến và đề xuất của doanh nghiệp trình Chính phủ trước ngày 1/5/2017.

LH (Nguồn VP Bộ CT)