banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 13/4/2017
Cập nhật lúc 11:02 ngày 13/04/2017

Một số bài viết trên báo ngày hôm nay 13/4 đưa thông tin “Dưa hấu lại ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh” phản ánh: Theo báo cáo của các đơn vị chức năng cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), đến chiều 12/4, tại bãi kiểm hóa còn tồn đọng trên 120 xe container chở hàng ngàn tấn dưa hấu; trong đó, có 60 xe lưu lại từ một vài ngày qua và 58 xe mới đến trong ngày chờ xuất bán sang Trung Quốc.

Từ đầu tuần đến nay, tình trạng dưa hấu chở ồ ạt đến khu vực Tân Thanh, mỗi ngày có khoảng 300 xe ô tô tải cỡ lớn; trong khi đó chỉ có khoảng một nửa được thông quan, số còn lại nằm tại con đường dẫn đến cửa khẩu 3- 4 ngày.

Trạm Kiểm dịch Thực vật Cửa khẩu Tân Thanh cho biết, đơn vị đã tăng cường quân số, làm thêm giờ, tạo mọi điều kiện, giảm thủ tục để các xe chở dưa hấu nhanh chóng thông quan. Tuy nhiên, do bên bãi kiểm hóa Khả Phong (Trung Quốc), xe dưa của ta ùn tắc cục bộ; thời gian sang tải kéo dài, dẫn đến các tư thương nước bạn thi nhau ép giá.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Quá nhiều doanh nghiệp “chết yểu”; Rau quả liên tục xuất siêu; Hàng thủ công Việt lỡ nhiều đơn hàng vì không hợp chuẩn.

Thông tin cụ thể như sau:          

1. Quá nhiều doanh nghiệp “chết yểu”.

Báo Tiền phong phản ánh: Trong hơn 2,6 vạn doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong 3 tháng đầu năm có rất nhiều DN gặp khó khăn, không cạnh tranh được rơi vào cảnh “chết yểu”, phải lập công ty mới để chuyển đổi ngành nghề kinh doanh... Các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp cụ thể, chấm dứt tình trạng cứ 10 DN mới ra đời thì có 9 DN cũ chết.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), trong 3 tháng đầu năm cả nước có 26.478 DN thành lập mới. Bình quân mỗi ngày có 294 DN ra đời nhưng cũng có tới 265 DN rời khỏi thị trường. Tính chung, cứ 10 DN thành lập mới, thì có tới 9 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong số các DN giải thể trong quý 1, DN quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm 92%. Nếu so với năm ngoái, số DN thành lập mới đạt con số kỷ lục: 110.100 đơn vị. Thành lập nhiều nhưng cũng có tới gần 20.000 DN phải ngừng kinh doanh. Những con số về tình hình hoạt động của các DN nhỏ và vừa khiến không ít chuyên gia và “người trong cuộc” cảm thấy bất an.

2. Rau quả liên tục xuất siêu.

Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), giá trị xuất khẩu (XK) rau quả trong tháng 3/2017 ước đạt 244 triệu USD. Lũy kế, kim ngạch 3 tháng ước đạt 664,15 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ 2016. Quý I/2017, rau quả ước xuất siêu 378 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực để toàn ngành tiến tới mục tiêu 3 tỷ USD trong năm nay. Song, theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này ngành rau quả còn nhiều việc phải làm.

3. Hàng thủ công Việt lỡ nhiều đơn hàng vì không hợp chuẩn.

Báo Tuổi trẻ đưa tin: Khảo sát của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN (Vietcraft) cho thấy có 67,4% các nhà nhập khẩu yêu cầu nhà cung cấp VN hợp chuẩn trong vòng 1-5 năm trở lại đây. Có đến 80% khách hàng rất khó tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu VN tuân thủ tốt hợp chuẩn để đặt hàng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ của VN vẫn chưa biết những yêu cầu này hoặc biết nhưng chưa thực hiện đúng, hậu quả là nhiều đơn hàng lớn mà khách hàng muốn đặt mua tại VN cuối cùng không thực hiện được.

Theo Vietcraft, hợp chuẩn là việc tuân thủ các quy định quốc tế được các nhà bán lẻ hoặc hiệp hội ngành nghề đưa ra. Trong khi đó, khó khăn của các doanh nghiệp VN hiện nay là thiếu nhân lực đủ trình độ để đáp ứng các yêu cầu hợp chuẩn.

LH (Nguồn VP Bộ CT)