banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 8/3/2017
Cập nhật lúc 10:06 ngày 08/03/2017

Nhiều hãng xe lớn ở Việt Nam như Toyota, Honda, Ford không giấu việc cắt giảm số lượng các dòng xe sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam, nhường chỗ cho xe nhập khẩu. Bởi các hãng xe than phiền rằng giá thành xe sản xuất trong nước đắt hơn 20% xe của Indonesia, hay Thái Lan.

Thế nên, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô đồng loạt lên tiếng muốn thêm ưu đãi về thuế cùng nhiều cơ chế chính sách khác để tiếp tục duy trì sản xuất ở Việt Nam. Các chuyên gia của Nhật Bản cho rằng nếu còn kiên trì theo đuổi công nghiệp ô tô, Việt Nam cần có ưu đãi cụ thể, đặc thù cho các DN sản xuất ô tô, trong đó đặc biệt là DN làm phụ trợ.

Theo giới kinh doanh ô tô, với thế thượng phong trên thị trường ô tô Việt, các hãng xe không phải suy nghĩ nhiều giữa việc “đi hay ở”. Dù sản xuất ở trong nước hay nhập khẩu hoàn toàn, họ vẫn nắm cuộc chơi. Nhất là khi Thông tư 20 với những điều kiện nhập khẩu ô tô ngặt nghèo đã trao quyền “ban phát” việc nhập xe cho các hãng xe ngoại, để họ được quyền áp đặt luật chơi. Thế nên, thay vì loay hoay tìm cơ chế ưu đãi giữ chân hãng xe ngoại, giới kinh doanh ô tô cho rằng Bộ Công Thương nên tính đến tạo môi trường cạnh tranh hơn, công bằng hơn cho các DN tham gia nhập khẩu ô tô. Đây là nội dung đáng chú ý trong bài viết “Chất lượng thấp, giá đắt hơn: Ai mua ô tô lắp ráp Việt Nam?” đăng trên Vietnamnet hôm nay.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Điều tra sự cố tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; Bộ Công Thương lấy ý kiến các bên về việc bán phá giá thép; Báo cáo Thủ tướng phương án xử lý 9 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương.

Thông tin cụ thể như sau:         

1. Điều tra sự cố tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.


Báo chí đưa nhiều thông tin vào lúc 10h45 ngày 7/3, công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân) đã xảy ra hiện tượng cháy. Sau quá trình cô lập để tiến hành điều tra, nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử SOx (FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn. Khói và lửa của đám cháy đã thoát ra ngoài theo đường ống khói nhà máy, gây nên hiện tượng như trên. Sự cố cháy không gây thiệt hại nào về người.

Trưa ngày 8-3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến hiện trường nhà máy để thực hiện việc khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu để phục vụ công tác xác minh làm rõ nguyên nhân sự cố của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Trước đó, đoàn đã đến thăm hỏi 2 nạn nhân bị thương trong sự cố.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án Vĩnh Tân cho biết chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) sẽ triệu tập lãnh đạo cấp cao của Doosan Hàn Quốc để làm rõ trách nhiệm trong vụ cháy xảy ra ở công trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

2. Bộ Công Thương lấy ý kiến các bên về việc bán phá giá thép.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc kết thúc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc (mã vụ việc AD02).

Căn cứ Điều 16 Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam, thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Ngày 3/3, Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc AD02 và đã gửi dự thảo kết luận cuối cùng của vụ việc đến các bên liên quan. Các bên liên quan có ý kiến bình luận đến nội dung trong dự thảo kết luận điều tra cuối cùngcần gửi ý kiến bình luận dưới dạng văn bản đến Cục Quản lý cạnh tranh trước 17h ngày 10/3.

3. Báo cáo Thủ tướng phương án xử lý 9 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương.

Theo yêu cầu mới nhất của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, dự án và ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo, Bộ Công Thương hoàn thiện lại phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 doanh nghiệp, dự án để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2017.

Phó thủ tướng yêu cầu, trong báo cáo làm rõ tình hình hoạt động của các dự án, doanh nghiệp, thực trạng tài chính của các dự án, doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc, phương án xử lý đối với các doanh nghiệp, dự án, nguồn lực để xử lý…

LH (Nguồn VP Bộ CT)