banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 01/3/2017
Cập nhật lúc 10:55 ngày 01/03/2017

Lập đường dây nóng quản lý giá sữa là thông tin được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, phản ánh trong ngày 01/3.

Các báo dẫn nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhằm thực hiện quy định về bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, Sở Công Thương TP Hà Nội và Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành phố đã lập đường dây nóng công khai số điện thoại cho người dân kịp phát hiện các tổ chức, cá nhân bán sữa không đúng giá quy định để phản ánh tới các cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải xác định giá tối đa trong các khâu bán buôn, giá tối đa và kê khai giá, gửi tới Sở Công Thương các địa phương để đăng ký giá bán.

Đáng chú ý, bài viết trên Tuổi trẻ có nhan đề “5.000 'xe điện bánh to 449K' có dấu hiệu giả tài liệu”, bài viết phản ánh: Ngày 28/2, Bộ Công Thương ban hành thông báo xác nhận về việc Cục Xúc tiến thương mại không xác nhận chương trình khuyến mãi sản phẩm xe điện bánh to của Công ty cổ phần Harley Việt Nam đang áp dụng. Theo đó, mấy ngày qua, trên một số trang mạng xã hội có đăng tải thông tin về hoạt động khuyến mại đối với sản phẩm xe điện bánh to tại thị trường Việt Nam do Công ty cổ phần Harley Việt Nam thực hiện.

Trên trang Facebook của doanh nghiệp này có đăng hình ảnh công văn số 43/XTTM-QLXTTM ngày 22-2-2017 của Cục Xúc tiến thương mại gửi Công ty cổ phần Harley Việt Nam xác nhận việc đăng ký thực hiện khuyến mãi cho công ty nói trên. Theo quảng cáo của Công ty cổ phần Harley Việt Nam, có 5.000 xe điện bánh to được rao bán với giá 449.000 đồng/xe. Cục Xúc tiến thương mại khẳng định không tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp, tổ chức nào có tên “Công ty cổ phần Harley Việt Nam”, không xác nhận chương trình khuyến mãi và không phát hành văn bản như được đăng tại địa chỉ mạng xã hội nêu trên. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại đã gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an và Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Khốc liệt thị phần xăng dầu: Người tiêu dùng bị ngó lơ!; Xử lý nghiêm doanh nghiệp nhà nước chưa công bố thông tin; Ô tô giá rẻ tràn về, doanh nghiệp nội cuống cuồng cắt giảm dòng xe.

Thông tin cụ thể như sau:    

1. Khốc liệt thị phần xăng dầu: Người tiêu dùng bị ngó lơ!


Tuổi trẻ đưa tin: Năm 2016, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu công bố lãi lớn khiến mảng kinh doanh xăng dầu “nóng” dần. Số doanh nghiệp đầu mối đã tăng gấp đôi và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngay doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành xăng dầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đang chịu áp lực. Mặc dù cạnh tranh mạnh, nhưng cơ bản các doanh nghiệp đều tập trung tăng chiết khấu cho các đại lý để giành điểm bán hàng, chứ giá bán đến người tiêu dùng của các doanh nghiệp vẫn cơ bản... như nhau.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng vẫn còn những bất cập trong quản lý giá xăng dầu. Như hiện không yêu cầu người bán, người mua phải có hóa đơn bán lẻ nên không kiểm soát được lượng tiêu thụ xăng dầu của đại lý, dẫn tới không kiểm soát được lượng xăng dầu thực bán ra, có nguy cơ thất thoát thu thuế. Nghị định 83 hiện đã bộc lộ nhiều bất cập và hiện nay theo yêu cầu của Chính phủ là phải sửa đổi. Cần sửa nhiều, đơn cử, ông Long nêu “lợi nhuận định mức nên theo tỉ lệ phần trăm, chứ không nên cố định 300 đồng/lít cho doanh nghiệp như vậy” - ông Long nói.

2. Xử lý nghiêm doanh nghiệp nhà nước chưa công bố thông tin.

Ngày 28/2, Văn phòng Chính phủ cho biết Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), người quản lý doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo DNNN trực thuộc triển khai đầy đủ, đúng quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81 năm 2015 của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN; khẩn trương xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin doanh nghiệp trên cổng hoặc trang thông tin điện tử do bộ, ngành, địa phương quản lý và đăng tải thông tin theo quy định về công bố thông tin của DNNN; xử lý trách nhiệm đối với DNNN và người quản lý doanh nghiệp vi phạm quy định.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT đề xuất xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin theo chỉ đạo Thủ tướng; tổng hợp, công khai danh sách các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về công bố thông tin và việc xử lý vi phạm về công bố thông tin theo quy định.

3. Ô tô giá rẻ tràn về, doanh nghiệp nội cuống cuồng cắt giảm dòng xe.

Chiều 28/2, trong cuộc họp về công nghiệp ô tô, các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cam kết tiếp tục đóng góp phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sang năm 2018 thuế về 0%, số xe nhập khẩu có thể sẽ tăng nhiều khiến một số thành viên không thể tồn tại được. Đã có doanh nghiệp cho biết sẽ cắt giảm một số dòng xe.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe, sát cánh cùng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ kiến nghị các giải pháp, trên cơ sở thực tế phát triển đất nước, các cam kết quốc tế và quyền lợi của người dân./.

LH (Nguồn VP Bộ CT)