banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 09/01/2017
Cập nhật lúc 05:15 ngày 09/01/2017

Thông tin Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam buộc phải cắt giảm hơn 3.000 lao động đang gây chú ý của dư luận trong mấy ngày gần đây.

Báo Lao động 9/1 đăng tải bài viết: “Buộc phải cắt giản hơn 3000 lao động: TKV đề nghị xuất khẩu than chất lượng cao để “giải nguy””. Bài viết phản ánh: Chưa năm này sản xuất, kinh doanh than gặp khủng hoảng như năm 2016. Than trong nước sản xuất ra không tiêu thụ được, còn than nhập khẩu có giá thành thấp lại ùn ùn đổ về khiến ngành than phải cắt giảm hơn 3000 lao động. Trong đó số lao động còn lại, nhiều người do bị giảm thu nhập, không đủ trang trải cuộc sống cũng lặng lẽ rời bỏ ngành than. Mới đây tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của ngành Công Thương, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn đề nghị Chính phủ có biện pháp “cứu” ngành than, tiếp tục cho TKV xuất khẩu những chủng loại than chất lượng cao, đắt tiền mà trong nước không sử dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Lao động, không chỉ hàng ngàn lao động bị cắt giảm hằng năm, mà vạn người ở lại cũng luôn ở trong tình trạng “tuần làm việc 2-3 ca”, nên thu nhập giảm mạnh. Để đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng lao động lên đến 112,8 ngàn người, trong đó riêng lao động cho sản xuất than lên tới 77.000 người, TKV đã phải áp dụng các biện pháp “thiết quân luật” như quản trị nội bộ với mục tiêu “tăng năng suất giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh”. Cụ thể tập đoàn này đã giảm đầu mối các ban tham mưu từ 29 ban còn 22 ban, xóa bỏ công ty hai cấp khai thác than. Từ năm 2015 đến tháng 10.2016 đã cắt giảm khoảng 8.000 lao động... Đồng thời, TKV cũng áp dụng biện pháp quản trị chi phí (mua bán than theo giá định hạn), năm 2016 tiết giảm 6% chi phí giao khoán (tương đương trên 3.000 tỉ đồng). Nếu loại trừ yếu tố khách quan (do điều kiện khai thác xuống sâu, thuế phí, giá cả…) thì giá thành than thực hiện các năm từ 2011-2015 giảm được bình quân khoảng 1,5%/năm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Những việc khó nhất vẫn đang chờ Bộ trưởng; Công khai toàn bộ danh sách doanh nghiệp sắp cổ phần hóa; Hỗ trợ các dự án phân bón nghìn tỉ thua lỗ; Chính phủ vào cuộc vụ thép cuộn "lách" thuế tự vệ.

Thông tin cụ thể như sau:               

1. Những việc khó nhất vẫn đang chờ Bộ trưởng.


Đó là tiêu đề bài viết đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ 9/1, bài viết phản ảnh: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách thể chế của Bộ Công Thương, nhưng những việc đã làm được mới chỉ là “phần nạc”, chứ chưa phải là những vấn đề xương xẩu nhất. 

Trong một buổi trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh đã nói điều làm ông lo lắng nhất là xây dựng thể chế. Quả thật, với một bộ quản lý các ngành kinh tế chiếm đến 80% GDP thì các chính sách của Bộ Công Thương có thể được coi là đầu tàu của thể chế kinh tế Việt Nam. Việc bãi bỏ sửa đổi như Thông tư 37; Quyết định 6139; Thông tư 07; Quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương năm 2017 có đến 151 từ "bỏ", 104 từ "sửa", 64 từ "đơn giản hóa", 44 từ "giảm", 7 từ "phân cấp" và hàng chục những sửa đổi khác… là các điểm sáng. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, và nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh của cộng đồng doanh nghiệp.  

2. Công khai toàn bộ danh sách doanh nghiệp sắp cổ phần hóa.

Trên nhiều bài viết đưa tin: Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Quyết định nêu rõ, danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 gồm 240 doanh nghiệp. Trong đó, có 103 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Trong số 4 doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ có Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Bốn doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nằm trong danh sách này gồm: Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn và Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất.  

3. Hỗ trợ các dự án phân bón nghìn tỉ thua lỗ.


Trong văn bản chỉ đạo vừa ban hành, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương cùng các bộ ngành nghiên cứu cơ chế, đưa ra giải pháp để hỗ trợ, xử lý dứt điểm các dự án phân bón thua lỗ do Tập đoàn hóa chất đầu tư, quản lý. Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua những khó khăn chung trên thế giới và trong nước làm nhu cầu phân bón bị thu hẹp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến nhiều dự án thua lỗ và sẽ còn tiếp tục thua lỗ.

Tuy nhiên, trong đó có nguyên nhân từ công tác dự báo, đánh giá thị trường của tập đoàn còn hạn chế, công nghệ sản xuất còn nhiều vấn đề... Trong bối cảnh đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện quyết toán đầu tư các dự án, kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Lập phương án tiết giảm tối đa chi phí sản xuất của các dự án này. Chỉ đạo tập đoàn nghiên cứu, so sánh các phương án dừng, cổ phần hóa, liên doanh hay bán dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét.

Việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, giao Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý cho Công ty đạm Hà Bắc và Ninh Bình giảm mức trích khấu hao cơ bản năm 2017, 2018, 2019, nhưng phải đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân u rê và DAP nhập khẩu. Trước đó, theo báo cáo trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ được “điểm danh”, thì có tới 4 dự án thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam gồm: đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai.   

4. Chính phủ vào cuộc vụ thép cuộn "lách" thuế tự vệ.

An ninh Thủ đô cho biết: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát, quản lý đối với thép cuộn nhập khẩu sau khi có phản ánh của các doanh nghiệp thép về tình trạng thép cuộn có dấu hiệu lách thuế tự vệ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, khẩn trương có giải pháp kịp thời ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm hiệu quả của biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép cuộn nhập khẩu. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 1-2017.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra tình trạng cùng một loại sản phẩm thép cuộn nhập khẩu nhưng được áp mã HS khác nhau trước và sau khi có quyết định áp thuế tự vệ. Việc kiểm tra nhằm chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm áp dụng thống nhất và đúng quy định của pháp luật, không để thất thu ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/1/2017.

LH (Nguồn VP Bộ CT)