banner2019
 
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thứ năm, ngày 04 tháng 07 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 29/12
Cập nhật lúc 04:16 ngày 29/12/2016

Trên các báo chiều 28/12 và 29/12 nóng thông tin Bộ Công Thương xử lý một loạt cán bộ bổ nhiệm không đúng quy định.

Trên các bài viết đồng loạt đưa tin: Quyết định xử lý cán bộ của Bộ Công Thương căn cứ trên Thông báo số 138-TB/UBKTTW ngày 27/6/2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý một số trường hợp được bổ nhiệm không đúng quy định.

Cụ thể, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương báo cáo Ban Tổ chức Trung ương đưa 3 trường hợp là các ông: Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thanh Hà ra khỏi Quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2016-2021.

Ban cán sự đảng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thu hồi các Quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định.

Thông tin trên đã nhận được sự chú ý đặc biệt của báo chí và dư luận. Tuy nhiên, trên diễn đàn, mạng xã hội, ý kiến cho rằng: Một số cán bộ của Bộ Công Thương bị bắt, trốn từ lâu mà bây giờ mới loại khỏi quy hoạch; Đưa ra khỏi quy hoạch cho đúng quy trình?... Một số độc giả bình luận, mong muốn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư xử lý triệt để, sạch sẽ những cán bộ vi phạm của ngành Công Thương, không còn một nhóm lợi ích nào vương lại nữa. Lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Chỉ 17% doanh nghiệp Việt rõ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; PVN về đích sớm, cán mốc khai thác 15 triệu tấn dầu quy đổi; Red Bull Việt Nam muốn nhập khẩu 6.000 tấn đường tinh luyện; Bộ trưởng Tài chính: Gian lận xăng dầu ở Việt Nam rất lớn.

Thông tin cụ thể như sau:     

1. Chỉ 17% doanh nghiệp Việt rõ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.


Đã tròn một năm kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được cơ hội mà AEC mang lại. Thậm chí, có doanh nghiệp phải ngưng xuất khẩu sang ASEAN. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO nêu thực tế trên tại Hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - nhìn lại một năm thực hiện” ngày 28/12. Dẫn chứng từ điều tra mới thực hiện tháng 4/2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Trang nêu có tới 94% biết tới AEC, nhưng chỉ có chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong AEC.

Thực tế năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN giảm 5,6% trong khi nhập khẩu giảm 2%. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thị trường rất lớn nhưng chưa tận dụng được và thậm chí còn có những doanh nghiệp bị loại ra khỏi cuộc chơi. Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng thách thức lớn nhất trong AEC đối với Việt Nam hiện tại là sức cạnh tranh từ hàng hoá từ các nước ASEAN. Với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau trong cả 10 nước ASEAN, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn.

2. PVN về đích sớm, cán mốc khai thác 15 triệu tấn dầu quy đổi.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngày 28/12, doanh nghiệp này đã khai thác được 15,02 triệu tấn dầu quy đổi, chính thức hoàn thành kế hoạch khai thác trong năm 2016. Trước đó, ngày 29/11, PVN đã hoàn thành chỉ tiêu khai thác 9,608 tỷ m3 khí.

"Việc vượt kế hoạch khai thác năm 2016 chủ yếu do Tập đoàn đã thực hiện tốt công tác quản lý mỏ, tối ưu khai thác cũng như một số mỏ có trạng thái khai thác tốt hơn so với dự kiến. Ngoài ra các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tại các dự án được thực hiện rút ngắn thời gian so với kế hoạch," đại diện PVN cho hay. Như vậy, năm 2016 là năm thứ 8 liên tiếp PVN hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác so với kế hoạch Chính phủ giao.

3. Red Bull Việt Nam muốn nhập khẩu 6.000 tấn đường tinh luyện.


Theo tin từ Tiền phong cho biết, Công ty Red Bull Việt Nam vừa có đề nghị Bộ Công Thương được nhập khẩu 6.000 tấn đường tinh luyện RE cho cả năm 2017, tăng gấp 12 lần so với lượng hạn ngạch mà đơn vị này được cấp trong năm 2016. Đến nay công ty đã nhập hết số hạn ngạch 500 tấn đường được cấp.

Về đề xuất sản lượng nhập khẩu tới 6.000 tấn cho năm 2017, công ty Red Bull Việt Nam cho rằng, hãng từng được nhập 3.500 tấn trong năm 2011. Hiện nhu cầu đường để sản xuất hàng hóa của hãng đang tăng cao vì thế hãng cần nhập lượng đường lớn hơn để sản xuất dòng đồ uống chính của hãng này. Trước đó, hồi tháng 9/2016, Bộ Công Thương lần đầu tiên tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. 

4. Bộ trưởng Tài chính: Gian lận xăng dầu ở Việt Nam rất lớn.

Dân trí đưa tin: Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12), nói về các biện pháp nỗ lực thu ngân sách, chống thất thu trên các lĩnh vực, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề cập đến vấn nạn gian lận xăng dầu, nhìn từ việc chống thất thu thuế với ngành kinh doanh mặt hàng thiết yếu này… Ông Dũng thông tin, sau thời gian dán tem kiểm định, số doanh thu nộp thuế xăng dầu tăng 30%. “Điều đó chứng tỏ gian lận xăng dầu trong nước rất lớn, rất phổ biến” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

“Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong thời gian thông quan thì thủ tục của hải quan chiếm 28%, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72%. Vì vậy khâu đột phá là kiểm tra chuyên ngành. Hiện việc kiểm tra chuyên ngành đang thực hiện theo 22 luật, 253 thông tư, quy định của các bộ. Để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành chúng ta phải sửa đổi, bổ sung 87 văn bản nhưng mới làm được 24 văn bản. Nếu không sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ rất khó giảm thời gian thông quan hàng hóa” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh mẽ cho công tác kiểm tra chuyên ngành.

LH (Nguồn VP Bộ CT)